Bệnh thủy đậu lây lan nhanh ở bản Pa Pốm

Ngọc Hải 30/04/2017 20:35

Trong tháng 3/2017, bản Pa Pốm - xã Thanh Minh (TP Điện Biên, tỉnh Điện Biên) đã có 40 người mắc bệnh thủy đậu. Đặc tính của thủy đậu là lây lan nhanh, khó kiểm soát. Ngành y tế địa phương đã rất nỗ lực để ngăn ngừa bệnh lây lan rộng.

Nhanh chóng dập dịch bệnh

Ca đầu tiên phát hiện bệnh thủy đậu là cháu Hoàng Thị Phượng 6 tuổi tại bản Pa Pốm - xã Thanh Minh. Ngày 13/3, gia đình thấy trên người cháu xuất hiện nhiều nốt phỏng nước nên đưa đến trạm y tế xã Thanh Minh điều trị. Sau khi cháu Phượng mắc bệnh, để phòng dịch bệnh, Trạm y tế xã đã kiểm tra tại trường mầm non Thanh Minh, điểm trường Pa Pốm và phát hiện nhiều trường hợp mắc bệnh có biểu hiện tương tự cháu Phượng.

Theo thống kê trong tháng 3/2017, bản Pa Pốm có 40 người mắc bệnh thủy đậu. Đội dịch tễ thuộc Trung tâm y tế thành phố Điện Biên đã phối hợp với Trạm y tế xã Thanh Minh cử cán bộ y tế trực tiếp đến địa bàn xác minh và chỉ đạo công tác dập dịch. Đội dịch tễ thành phố đã triển khai phun phòng bằng CloraminB tại bản Pa Pốm, trường mầm non, tiểu học và THCS xã Thanh Minh, nhằm khử trùng tiêu độc. Hướng dẫn từng hộ gia đình cách vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc trẻ bị bệnh tại các hộ gia đình trong bản Pa Pốm; điều trị triệu chứng theo dõi thường xuyên các ca bệnh, phát hiện các ca mới để có biện pháp cách ly kịp thời.
Sau nỗ lực của ngành y tế địa phương, đã có 28 ca khỏi bệnh, 12 ca đang tiếp tục điều trị tại Trung tâm Y tế thành phố và trường hợp nhẹ thì điều trị tại nhà theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tình hình bệnh thủy đậu thời gian qua khá phức tạp, số ca mắc bệnh đang tăng nhanh. Đáng nói, không chỉ có trẻ em mắc căn bệnh này nhưng gần đây xuất hiện không ít số ca bệnh là người lớn. Trong đó đáng lưu ý là phụ nữ mang thai mắc thủy đậu có khả năng biến chứng và nặng hơn trẻ em.

Tại TP HCM đã bùng phát ít nhất 2 ổ dịch thủy đậu. Còn tại Hà Nội, Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện E) tiếp nhận và điều trị hơn 20 ca mắc bệnh thủy đậu, tuy nhiên không có trường hợp bị biến chứng nguy hiểm và tử vong. Điều đáng quan tâm là không chỉ có trẻ em mà xuất hiện không ít số ca bệnh là người lớn. Theo bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm​-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh, tại các tỉnh miền Nam, bệnh thủy đậu diễn ra theo chu kỳ từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm, đỉnh điểm rơi vào khoảng tháng 5-6.

Cách phòng bệnh

Theo các bác sĩ, khi khởi phát người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân trong vòng 12-24 giờ. Các nốt này sẽ tiến triển thành những mụn nước, bóng nước. Nốt rạ có thể mọc khắp toàn thân hay mọc rải rác trên cơ thể, số lượng trung bình khoảng 100 - 500 nốt. Trong trường hợp bình thường những mụn nước này khô đi, trở thành vảy và tự khỏi hoàn toàn trong 4 - 5 ngày đối với người lớn. Ở trẻ em, thủy đậu thường kéo dài khoảng 5 - 10 ngày.

Đặc tính của thủy đậu là lây lan nhanh, khó kiểm soát. Bệnh lây qua đường hô hấp và tiếp xúc, sử dụng chung đồ vật, dụng cụ…Virus thủy đậu có thể phát tán trước khi phát hiện bệnh và tồn tại trong vùng hầu, họng của người bệnh đến 3 tuần sau khi hết bệnh. Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo nếu trong gia đình hoặc môi trường tập thể chỉ cần một người mắc sẽ lần lượt lây bệnh hết cho những người còn lại.

Thông thường, thủy đậu là bệnh lành tính. Nhưng bệnh cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như: viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời. Người mẹ mắc bệnh thủy đậu khi đang mang thai có thể sinh con bị dị tật bẩm sinh sau này.

Đặc biệt, các bác sĩ lưu ý, bệnh thủy đậu tuy lành tính nhưng nếu chăm sóc không đúng cách theo khuyến cáo của ngành y tế sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm. Mới đây nhất, gia đình một bé trai ở Phúc Thọ, Hà Nội có con bị thủy đậu. Thấy con nhỏ suốt 4 hôm phải chịu sự ngứa ngáy, khó chịu do những nốt thủy đậu, mẹ cháu đã tìm mua và tắm lá thuốc nam cho con, mong bé nhanh khỏi bệnh. Thế nhưng chỉ hai ngày sau, các nốt phát ban trên cơ thể bé Đức bắt đầu phổng rộp, lở loét phải đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, các bác sĩ kết luận cháu bị nhiễm độc da rất nặng.

Theo các chuyên gia nhi khoa, việc gia đình tắm cho trẻ bằng nước lá cây khi trẻ bị thủy đậu, gây ra tình trạng nhiễm độc da toàn thân như trường hợp bé Đức kể trên rất thường gặp tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Ths.BS Đỗ Thiện Hải khuyến cáo, nhiều gia đình, đặc biệt là các gia đình ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa vẫn giữ thói quen dùng các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc để tự chữa bệnh ngoài da cho trẻ. Ban đầu, cháu bé chỉ bị thủy đậu, là một bệnh nhiễm virus gây tổn thương da mức độ vừa phải song gia đình không dùng thuốc điều trị mà tự xử trí không đúng cách, khiến các tổn thương trên da trở nên trầm trọng hơn.

Hiện bệnh thủy đậu có thuốc điều trị đặc hiệu và thuốc bôi ngoài da, vì vậy các bác sỹ khuyến cáo nên cho trẻ uống thuốc (theo chỉ định của bác sĩ) càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 48 giờ sau khi phát bệnh. Bệnh có thể điều trị ngoại trú tại nhà, không cần nhập viện, tuy nhiên phải điều trị và chăm sóc và vệ sinh đúng cách để không bị biến chứng. Cách chăm sóc da tốt nhất cho trẻ bị thủy đậu là: Tắm rửa sạch sẽ , bôi sát trùng, không được cậy vỡ các nốt trên da vì dưới nền các mụn nước đó lớp da mới chứa đầy đủ chức năng ngăn chặn nhiễm khuẩn. Các bậc cha mẹ tuyệt đối không được đắp, tắm cho trẻ các loại lá thuốc nam chưa biết rõ tính chất, để tránh những biến chứng đáng tiếc cho trẻ.

Khi khởi phát người mắc bệnh thủy đậu có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân trong vòng 12-24 giờ. Các nốt này sẽ tiến triển thành những mụn nước, bóng nước. Nốt rạ có thể mọc khắp toàn thân hay mọc rải rác trên cơ thể, số lượng trung bình khoảng 100 - 500 nốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bệnh thủy đậu lây lan nhanh ở bản Pa Pốm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO