Cách làm mới ở Bắc Hà

Ngọc Hà 24/06/2018 14:00

Bắc Hà (Lào Cai) là huyện vùng cao nằm trong nhóm 56 huyện nghèo theo Quyết định của Thủ tướng chính phủ. Tuy nhiên những năm gần đây, nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội cộng với việc người dân chuyển đổi thành công một phần diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu đã mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân nơi đây, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Cách làm mới ở Bắc Hà

Cây dược liệu hợp khí hậu, thổ nhưỡng ở Bắc Hà nên phát triển rất tốt.

Bắc Hà hôm nay không chỉ có mận, có ngô mà còn có những cánh đồng dược liệu quý hiếm. Hiện huyện có trên 87 ha cây dược liệu, trồng tập trung tại các xã: Na Hối, Lầu Thí Ngài, Lùng Phình, Bản Già...

Tại xã Bản Già, một xã nghèo của Bắc Hà, có 234 hộ dân chủ yếu là dân tộc Mông, trong đó có đến 175 hộ thuộc diện hộ nghèo. Trước kia, người dân Bản Già chủ yếu là trồng lúa và trồng ngô. Một năm hai vụ ngô lúa, năm được mùa thì no bụng chứ mất mùa thì cái nghèo, cái đói cứ quẩn chân. Từ năm 2016, Bản Già được quy hoạch trồng dược liệu đương quy theo chủ trương của huyện với diện tích hơn 4 ha. Trước giờ người dân cứ nghĩ đất này chỉ trồng được cây ngô, cây lúa ai nghĩ cây dược liệu lại hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng nên phát triển rất tốt. Vụ đầu tiên cho thu nhập cao gấp 3-4 lần so với sản xuất ngô, lúa. Người dân bản Già vô cùng phấn khởi, chỉ mới làm một vụ mà đã đủ cái ăn cho cả năm rồi, cái nghèo cũng vì thế mà dần bỏ xa bản Già.

Còn tại xã Na Hối, người dân cũng chuyển đổi một phần diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng atiso, đương quy, đan sâm. Qua thực tế cho thấy đây là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc. Khi thu hoạch bán được lá, thân, củ và hoa với giá cao, trung bình mỗi năm một gia có thu nhập khoảng 20-30 triệu đồng, cao gấp 4, 5 lần so với trồng ngô. Cũng nhờ cây atiso mà nhiều hộ đã thoát nghèo, có tiền để đầu tư thêm chăn nuôi gia súc nên kinh tế cũng ổn định hơn.

Theo ông Bùi Văn Vinh, Bí thư Đảng ủy xã Na Hối, trước đây, người dân trên địa bàn chỉ trông chờ vào cây lúa, cây ngô, nhưng nay, được sự quan tâm từ Dự án “Phát triển cây dược liệu huyện Bắc Hà, giai đoạn 2014 - 2020”, diện tích trồng atiso, đương quy của xã ngày càng mở rộng. Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, lại được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, nên 10 ha dược liệu trồng ở Na Hối phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Lùng Phình cũng là một trong 8 xã nằm trong vùng quy hoạch trồng dược liệu với 4 loại cây là Atiso, đương quy, đan sâm và cát cánh. Theo lời Chủ tịch UBND xã Lùng Phình Mai Xeo Diu, cây dược liệu đang được nhiều hộ dân trong xã đưa vào trồng thay thế diện tích ngô kém hiệu quả. Cây dược liệu phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, có giá trị kinh tế cao. Trung bình mỗi ha cây dược liệu cho thu từ 80 - 200 triệu đồng. Nhờ đó, nhiều hộ dân trồng cây dược liệu đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Sau khi triển khai Dự án “Phát triển cây dược liệu huyện Bắc Hà, giai đoạn 2014 - 2020” mang lại hiệu quả rõ rệt nên từ năm 2016 đến nay, Dự án được triển khai thêm tại các xã: Tả Văn Chư, Lầu Thí Ngài, Tà Chải, Nậm Mòn. Tính đến nay, huyện đã đưa vào trồng 6 loại cây dược liệu chính là atiso, đương quy, cát cánh, đan sâm, bạch chỉ, khổ sâm, với diện tích hơn 87,7 ha. Trung bình mỗi ha dược liệu cho thu từ 80 đến 200 triệu đồng; nhiều hộ trồng dược liệu đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cách làm mới ở Bắc Hà

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO