Cải cách tiền lương phải kiên trì và quyết tâm

Lê Bảo (thực hiện) 06/06/2018 20:00

Xung quanh Đề án cải cách tiền lương vẫn còn rất nhiều ý kiến băn khoăn, thắc mắc. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH; Doãn Mậu Diệp để phần nào giải đáp những thắc mắc này.

Cải cách tiền lương phải kiên trì và quyết tâm

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp.

Thưa ông việc giao quyền tự chủ trong xây dựng thang, bảng lương được xem là điểm mới của Đề án cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp, tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn vì cơ chế thương lượng ở Việt Nam còn yếu?

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: - Điểm mới của Đề án là Nhà nước sẽ giảm dần các can thiệp vào các chính sách tiền lương của doanh nghiệp. Doanh nghiệp và người lao động tự thỏa thuận quyết định mức lương họ được hưởng. Khi mà thúc đẩy theo cơ chế này thì vai trò của tổ chức Công đoàn rất là quan trọng. Quy chế này được xem là rất tiến bộ, dân chủ tuy nhiên vẫn có nhiều ý kiến băn khoăn tính khả thi bởi có một thực tế là khả năng thương lượng của người lao động, đại diện cho người lao động là tổ chức Công đoàn vẫn còn yếu. Do vậy nếu triển khai quy định này Nhà nước sẽ hỗ trợ để hai bên có thể thương lượng, thỏa thuận quyết định các mức lương.

Cải cách tiền lương phải kiên trì và quyết tâm - 1

Cải cách tiền lương là phải đảm bảo cuộc sống cho người lao động.

Thưa ông, mục tiêu cuối cùng của chính sách cải cách tiền lương là tiền lương phải là nguồn thu chính, đảm bảo cuộc sống người lao động và người làm công ăn lương. Tuy nhiên, trên thực tế đa số người lao động hiện chưa sống được bằng lương?

- Chúng ta đều rất mong muốn tiền lương phải là thu nhập chính; tiền lương phải đảm bảo chính trong đời sống người lao động. Đối với khu vực công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thì có những đổi mới rất căn bản, thiết kế lại thang bảng lương, tinh giản bộ máy, sử dụng tốt hơn, câng cao chất lượng hoạt động cũng như đạo đức công vụ và chúng ta có nguồn để cải cách. Định hướng cải cách tức là đến năm 2021 thì tiền lương thấp nhất của khu vực Nhà nước không thấp hơn tiền thấp nhất của khu vực doanh nghiệp. Trong Đề án cũng đặt mục tiêu cơ chế thương lượng thỏa thuận về lương tối thiểu trong Hội đồng tiền lương Quốc gia thì phấn đấu đến năm 2020 lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Đối với khu vực doanh nghiệp thì sẽ xử lý thông qua thương lượng, thỏa thuận trong Hội đồng tiền lương Quốc gia. Đối với khu vực Nhà nước mục tiêu là rõ ràng, từ nay đến năm 2020 vẫn tiếp tục lộ trình nâng dần mức lương cơ sở và đến năm 2021 thì thiết kế bảng lương mới để đảm bảo tiền lương đó đảm bảo mức sống của cán bộ công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Tuy nhiên khó khăn nhất hiện nay khi giải quyết bài toán tiền lương là phải sắp xếp lại bộ máy Nhà nước, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan Nhà nước.

Cái khó thứ 2 là tạo nguồn thì trong Đề án cũng đã đưa ra các giải pháp như là phần tăng thu của các địa phương, 50% đến 70% phải dành cho nguồn để cải cách tiền lương. Năm nay dùng không hết thì phải giữ lại để năm sau tiếp tục cải cách. Tức là 2 bài toán căn bản thứ nhất là tổ chức biên chế và thứ 2 là nguồn thì trong Đề án đã xử lý khá là cơ bản. Những vướng mắc trước đây về biên chế, bộ máy, nguồn kinh phí ở đề án lần này thì có thể xử lý được nên tôi hy vọng việc cải cách tiền lương sẽ thành công.

Được biết để đảm bảo an sinh xã hội Bộ LĐTB&XH đã đề xuất thiết kế chính sách BHXH theo 3 tầng, với việc thiết kế này liệu sẽ tạo ra được đột phá về mở rộng độ bao phủ tham gia BHXH tự nguyện không thưa ông?

- Đối với chính sách BHXH Bộ LĐTB&XH đề xuất thiết kế theo ba tầng. Tầng thứ nhất là Nhà nước đóng cho các đối tượng chính sách để họ hưởng lương hưu (trước đây những người độ tuổi 80 đang hưởng 270.000 đồng/tháng thuộc khối bảo trợ nay chuyển hướng sang bảo hiểm, độ tuổi hạ thấp dần so với hiện hành do Nhà nước hỗ trợ; bản chất ở đây là tiền bảo hiểm do Nhà nước đóng). Tầng thứ hai là BHXH bắt buộc, giống như quy định hiện hành. Tầng thứ ba là bảo hiểm tự nguyện, người lao động đóng cao hưởng cao. Với việc thiết kế ba tầng như vậy tất cả các đối tượng đều được hỗ trợ từ đó đảm bảo an sinh xã hội cho mọi đối tượng, nhất là đối tượng yếu thế. Ví dụ như đối với những người nghèo, lao động ở khu vực phi kết cấu thì có thể hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước đóng BHXH đóng một phần. Các chính sách bảo hiểm thất nghiệp thì có thể hỗ trợ duy trì việc làm khi người lao động rời khỏi hệ thống…

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cải cách tiền lương phải kiên trì và quyết tâm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO