Cần bổ sung muối i-ốt vào bữa ăn hàng ngày

Ngọc Hải 28/07/2019 08:00

Thiếu hụt i-ốt là nguyên nhân chính dẫn đến mất khả năng trí tuệ ở trẻ em, thai chết lưu và sảy thai ở phụ nữ. Việt Nam đang nằm trong nhóm 19 nước còn lại trên thế giới bị thiếu i-ốt.

Cần bổ sung muối i-ốt vào bữa ăn hàng ngày

Sử dụng muối i-ốt để phòng ngừa bướu cổ`.

Một con số thống kê đã chỉ ra, 45% hộ gia đình ở Việt Nam đang sử dụng muối i-ốt, thấp hơn nhiều so với mức khuyến cáo toàn cầu về phổ cập sử dụng muối i-ốt toàn dân là 90%.

Theo kết quả điều tra của Bệnh viện Nội tiết trung ương những năm gần đây cho thấy: Tỷ lệ bướu cổ trẻ em từ 8-10 tuổi là 9,8%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh khoảng 60%. Các nghiên cứu cũng chỉ rõ: Thực phẩm từ nuôi trồng tự nhiên ở các vùng miền nước ta đều có hàm lượng i-ốt không đáng kể nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu cơ thể. Vì vậy, tăng cường i-ốt vào thực phẩm thiết yếu đã được chứng minh là biện pháp đơn giản để bổ sung i-ốt nói riêng, vi chất dinh dưỡng nói chung trong bữa ăn hàng ngày.

Vai trò của i-ốt là rất quan trọng đối với sự phát triển cơ thể con người. Theo các bác sĩ, I-ốt là vi chất quan trọng để tuyến giáp tổng hợp các hormon điều chỉnh quá trình phát triển của hệ thần kinh trung ương, phát triển hệ sinh dục và các bộ phận trong cơ thể như tim mạch, tiêu hóa, da - lông - tóc - móng, duy trì năng lượng cho cơ thể hoạt động...

Khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy: Thiếu i-ốt sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như bướu cổ, thiểu năng tuyến giáp ảnh hưởng lớn đến phát triển, hoạt động của cơ thể, giảm khả năng lao động, mệt mỏi. Tình trạng thiếu i-ốt gây 5-10% trường hợp đần độn, 20-30% người mắc bệnh bướu cổ. Thiếu i-ốt ở trẻ em sẽ gây chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, thiếu iốt, cho dù là thể nhẹ, cũng lấy mất của mỗi trẻ 13,5 điểm IQ, làm giảm năng lực học tập và trí tuệ của các em. Còn thiếu iốt ở thai phụ dễ xảy ra sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non, nếu thiếu iốt nặng trong giai đoạn mang thai trẻ sinh ra sẽ bị đần độn, câm, điếc và các dị tật bẩm sinh khác.

Biểu hiện của tình trạng thiếu hụt i-ốt đơn giản chỉ là cảm giác người mệt mỏi, lờ đờ nên nhiều người không để ý. Đặc biệt, nhiều người bị thiếu năng lượng, giảm khả năng lao động, ảnh hưởng đến sức khỏe. Chính vì vậy, việc sử dụng gia vị có bổ sung i-ốt trong nấu ăn, chế biến thực phẩm hàng ngày là biện pháp hiệu quả và bền vững để phòng ngừa thiếu hụt i-ốt.

Muối i-ốt rất quan trọng trong bữa ăn hàng ngày, thế nhưng theo một kết quả điều tra, gần 47% học sinh hoàn toàn không hiểu biết gì về lợi ích của chất này. Một số gia đình không có thói quen sử dụng muối i-ốt trong bữa ăn hàng ngày và 90% các bậc cha mẹ hiểu rõ tác dụng của muối i-ốt nhưng chưa thực sự quan tâm. Nhiều gia đình cho rằng sử dụng muối thường là đủ.

Theo đó, nhu cầu i-ốt ở trẻ em theo khuyến nghị là từ 90-120 mcg/ngày, người lớn khoảng 150cmg/ngày. Các rối loạn do thiếu i-ốt hoàn toàn có thể phòng tránh bằng cách bổ sung trong bữa ăn hàng ngày. Ngoài muối i-ốt, các thực phẩm giàu i-ốt là các loại cá biển, rong biển, rau dền, rau cải xoong…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần bổ sung muối i-ốt vào bữa ăn hàng ngày

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO