Cần có chính sách tín dụng đặc thù đối với đồng bào DTTS

K.Lê 13/08/2018 16:33

Theo ông Bùi Sỹ Lợi Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng để chính sách tín dụng phát huy được hiệu quả giúp đồng bào DTTS thoát nghèo chính quyền địa phương cần gắn kết hơn nữa trong việc đầu tư chương trình tín dụng chính sách này vào mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với từng địa phương.

Bên cạnh đó cần thực hiện tốt chính sách khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư..., chuyển giao khoa học kỹ thuật, có định hướng thị trường tiêu thụ sản phẩm... để giúp hộ dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Cần có chính sách tín dụng đặc thù đối với đồng bào DTTS

Nhờ vay vốn chính sách nhiều hộ dân DTTS đã thoát nghèo.

Theo thống kê của Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tính đến ngày 31/3/2018, các chương trình cho vay dành riêng cho đồng bào DTTS theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đạt doanh số cho vay: 3.094 tỷ đồng; Doanh số thu nợ: 942 tỷ đồng…

Nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách chủ yếu đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi trâu, bò, xây dựng, sửa chữa nhà ở, công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, hỗ trợ kinh phí học tập... đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho hàng triệu lượt hộ, giúp cho hộ nghèo, đặc biệt là đối với các địa bàn của huyện nghèo, vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, hộ đồng bào DTTS tự tin và tăng dần vị thế trong xã hội, từng bước quen dần với cơ chế thị trường.

Đánh giá việc thực hiện các chương trình tín dụng Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi cho rằng, thông qua mô hình tổ chức và phương thức chuyển tải vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH, đã góp phần là “cầu nối” giữa cấp ủy chính quyền địa phương các cấp với quần chúng nhân dân, trong đó có đồng bào DTTS.

Đáng ghi nhận đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh, trình độ quản lý vốn để dần vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra các hộ đồng bào DTTS sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn cũng được vay vốn để sản xuất kinh doanh, từng bước vươn lên phát triển kinh tế gia đình, làm giàu trên chính quê hương mình. Đặc biệt, là thông qua sử dụng vốn tín dụng ưu đãi đã tác động đến nhận thức, giúp đồng bào DTTS tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội.

Thực tế cho thấy nguồn vốn tín dụng ưu đãi do NHCSXH đầu tư cho gần 100% hộ đồng bào DTTS tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, tại vùng sâu, vùng xa, có những hộ đã vay vốn từ 2 đến 3 chương trình tín dụng ưu đãi. Nguồn vốn từ tín dụng chính sách đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế hộ gia đình nói chung và hộ đồng bào DTTS nói riêng. Kết quả này đã được Quốc hội, các Bộ ngành, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được thì việc triển khai chính sách vay vốn tín dụng vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Đơn cử như mức cho vay tối đa từng chương trình nhìn chung còn thấp, chưa phù hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh đó việc xác nhận đối tượng được thụ hưởng chính sách đối với cơ sở cấp xã gặp khó khăn do hàng năm hộ nghèo vẫn phát sinh tăng - giảm gồm.

Bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận hộ đồng bào DTTS sử dụng vốn vay chưa hiệu quả hoặc có tư tưởng ỷ lại, trông chờ, không chịu làm ăn và trả nợ làm ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của NHCSXH. Một số hộ đồng bào DTTS vay vốn đi xuất khẩu lao động chưa đáp ứng được yêu cầu làm việc, ý thức chấp hành kỷ luật còn thấp, chưa có tác phong công nghiệp, bỏ về nước trước hạn, vi phạm hợp đồng lao động hoặc một số doanh nghiệp dịch vụ chiếm dụng vốn của người lao động...

Để thúc đẩy thực hiện chính sách tín dụng đối với đồng bào DTTS, theo Phó chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi Nhà nước cần duy trì nguồn vốn đầu tư cho tín dụng chính sách và bố trí nguồn vốn kịp thời đối với các chương tình tín dụng chính sách mới được ban hành để đảm bảo tính hiệu lực và hiệu quả chương trình.

Đồng thời, cần có chính sách tín dụng đặc thù cho vùng, địa phương để ưu tiên, khuyến khích đồng bào định canh, định cư tại chỗ, vừa giúp cho việc phát triển kinh tế bền vững và vừa giữ gìn bản sắc dân tộc.

Chính quyền địa phương các cấp, các ngành cần gắn kết hơn nữa trong việc đầu tư chương trình tín dụng chính sách này vào mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương; cần thực hiện tốt chính sách khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư..., chuyển giao khoa học kỹ thuật, có định hướng thị trường tiêu thụ sản phẩm... để giúp hộ dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; nhân rộng các mô hình thoát nghèo theo đúng tinh thần Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về việc giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và các năm tiếp theo. Trong đó, lưu ý đến việc tiêu thụ sản phẩm cho hộ dân để giải quyết một phần vấn đề “ly nông bất ly hương” để đồng bào yên tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình.

“Mặt trận Tổ quốc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, đồng thời quan tâm tập trung, huy động các nguồn lực vào NHCSXH để thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền các chủ trương của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo, người đồng bào DTTS và các đối tượng chính sách khác” – Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần có chính sách tín dụng đặc thù đối với đồng bào DTTS

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO