Cảnh báo nạn uống rượu bia ở vùng dân tộc thiểu số

Minh Thư 17/07/2017 09:10

Chia sẻ trong cuộc hội thảo mới đây, TS. Phan Văn Hùng- Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) dẫn số liệu, năm 2015 Việt Nam đã tiêu thụ hơn 3,4 tỷ lít bia và khoảng 360 triệu lít rượu. Việc lạm dụng sử dụng rượu, bia dẫn đến những tác động không tốt cho sức khỏe, gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất lao động và ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.

Đàn ông vùng cao thường có thói quen tới chợ uống rượu.

LTS: Ngày 29/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11/Ct-TTg về việc đẩy mạnh giáo dục, đạo đức lối sống trong gia đình. Chỉ thị nêu rõ, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về gia đình nhằm phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

Tuy nhiên, tình trạng ly hôn, ly thân, tảo hôn, phụ nữ lấy chồng nước ngoài qua môi giới bất hợp pháp, tình trạng mua bán người... có chiều hướng gia tăng, tệ nạn xã hội tiếp tục xâm nhập vào gia đình đặc biệt gần đây xảy ra nhiều vụ bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do chưa thực hiện nghiêm và có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về gia đình; công tác truyền thông, giáo dục đạo đức, lối sống chưa phát huy hiệu quả cao; nhất là chưa xem việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình là nền tảng, là tiền đề để hình thành nhân cách con người, từ đó kết hợp với giáo dục đạo đức, lối sống ở nhà trường, cộng đồng và xã hội; nhiều gia đình còn xao nhãng việc giáo dục đạo đức, lối sống cho các thành viên trẻ trong gia đình; chưa nhận thức được vị trí, vai trò và tầm quan trọng của gia đình đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

1. Uống rượu từ lâu đã không xa lạ với nhiều vùng DTTS. Sống ở nơi thiên nhiên hoang sơ, có nhiều ngày lạnh, thậm chí sương giá, tuyết rơi, bà con đã lấy chén rượu để xua tan bớt cái giá lạnh của thiên nhiên. Không chỉ đàn ông uống, phụ nữ vùng cao uống rượu cũng nhiều.

Thậm chí, trẻ em ở vùng cao cũng tiếp xúc với rượu từ khá sớm. Rượu cũng là một phần trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Nấu rượu, chế biến các sản phẩm từ rượu trở nên phổ biến trong cộng đồng các dân tộc.

Một số nơi rượu trở thành đặc sản, món quà quý và là sinh kế của đồng bào. Trong xã hội hiện đại ngày nay, tập tục “người người uống rượu” như ở vùng đồng bào vùng cao đã và đang gây nên những tác động tiêu cực đến sức khỏe của người dân, gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi.

Tại hội thảo chia sẻ thông tin về tình hình sử dụng rượu, bia ở vùng DTTS do được Trung tâm Tư vấn chuyển giao KH&CN, bảo vệ môi trường vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Học viện Dân tộc) phối hợp với Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam tổ chức mới đây,

Thạc sĩ Trần Quốc Bảo- Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phân tích sơ bộ về tình hình sử dụng rượu, bia trong các nhóm đồng bào DTTS theo đó, tỉ lệ uống ở mức nguy hại ở vùng DTTS đang gia tăng qua các năm. Đặc biệt, ở vùng DTTS, tỉ lệ sử dụng rượu, bia ở cả nam và nữ luôn cao hơn so với dân tộc Kinh.

Cụ thể, qua khảo sát, Cục Y tế dự phòng cho biết, tỉ lệ uống rượu ở nam giới người dân tộc Nùng là 76,2%; dân tộc Dao là 80,8%, dân tộc Mường là 84,1%; dân tộc Tày là 85,7%. Trong khi đó, rượu, bia là chất nguy hại với sức khỏe, có thể gây rối loạn thần kinh, gây ung thư, bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh tiêu hóa, tổn thương hệ miễn dịch.

Từ kết quả trên, bà Vũ Thị Minh Hạnh- Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) cho rằng, một số vùng đồng bảo DTTS sử dụng rượu, bia cao hơn người dân tộc Kinh, do vậy, họ phải chịu ảnh hưởng của rượu, bia mạnh hơn. Bà Hạnh cho rằng, nếu chúng ta không kiểm soát vấn đề này, thì bất bình đẳng xã hội ở khu vực này ngày càng gia tăng.

Cũng tại hội thảo, Thạc sĩ Trần Quốc Bảo nhấn mạnh: “Rượu, bia đang từng ngày góp phần làm tăng các nguy cơ mắc bệnh mạn tính (ung thư, tim mạch), gây tổn thương cấp tính hoặc lâu dài về thể chất (tổn thương gan, xơ gan, bệnh tim mạch…), hay tâm thần (trầm cảm, loạn thần…). Đặc biệt, tai nạn do người sử dụng rượu, bia gây ra luôn nằm trong số những tai nạn thảm khốc nhất”.

Dễ dàng mua được rượu ở các chợ vùng cao.

2. Theo báo cáo Tổng quan y tế 2015 của Bộ Y tế, Việt Nam chi bình quân tiêu thụ bia, rượu hơn 3 tỷ USD/năm (khoảng 1,8% GDP), bằng gần 3% thu ngân sách cả nước. Nếu số tiền mua rượu bia này dùng để mua sữa, thì trẻ em ở các hộ nghèo sẽ được uống khoảng 122 cốc sữa/năm thay vì 1 cốc/năm như hiện nay.

Khảo sát của Bộ Y tế cũng cho thất, tình trạng sử dụng rượu, bia đang có xu hướng trẻ hóa ở vùng DTTS. Trong khi đó, theo bà Vũ Thị Minh Hạnh, não bộ của con người chỉ thực sự phát triển một cách đầy đủ khi 25 tuổi. Nếu sử dụng rượu, bia trước độ tuổi này sẽ tác động đến trí tuệ, sức khỏe tinh thần, hệ thần kinh của các em sau này. Trong khi đó, một số phong tục, tập quán của đồng bào DTTS cho trẻ em uống rượu và tiếp xúc với rượu từ rất sớm.

Bà Vũ Thị Minh Hạnh chia sẻ thêm, ở độ tuổi chưa trưởng thành, người sử dụng rượu, bia rất dễ gây tổn thương, dễ tự sát hoặc quan hệ tình dục không có kiểm soát, suy giảm sự tập trung… Nguy hại hơn, tuổi vị thành niên sử dụng rượu, bia nhiều cũng dự báo cho một nguồn nhân lực chất lượng thấp về mặt trí lực lẫn thể lực...

Ở khía cạnh khác, việc lạm dụng rượu, bia không chỉ có những tác động tiêu cực đến vấn đề sức khỏe, vấn đề xã hội, mà còn có mối quan hệ “mật thiết” với tình trạng nghèo đói.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Phạm Hoàng Anh- Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam: “Qua nghiên cứu ảnh hưởng của việc sử dụng rượu, bia tới đói nghèo ở Việt Nam từ 9.400 gia đình, chúng tôi nhận thấy các gia đình sử dụng thường xuyên rượu, bia ở Việt Nam đều tập trung ở vùng nông thôn, vùng khó khăn và vùng DTTS”.

Theo nghiên cứu của tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam, sự chênh lệch thể hiện rõ ràng nhất trong chi tiêu y tế và giáo dục ở các nhóm nghèo, hộ DTTS. Chi tiêu trên đầu người cho giáo dục và y tế ở các hộ có sử dụng rượu, bia chỉ bằng 48% và 60% so với hộ không có người sử dụng rượu, bia.

Để giảm thiểu thấp nhất hậu quả mà rượu, bia gây ra ở vùng DTTS, bà Hoàng Anh cho rằng, cần phải đẩy mạnh truyền thông về tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe và gánh nặng kinh tế của sử dụng rượu, bia đối với hộ gia đình, tập trung cho vùng nông thôn và DTTS. Việc phòng chống tác hại của lạm dụng rượu, bia cần được lồng ghép vào các chương trình bình đẳng giới và xóa đói giảm nghèo…

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng cho biết: “Hiện đã có nhiều văn bản, quy định về phòng chống tác hại của lạm dụng rượu, bia. Nếu từng cơ quan, làng xã, bản làng có thêm quy định, có hương ước của riêng mình, thì vấn đề phòng chống sẽ hiệu quả hơn”.

Thứ trưởng Phan Mạnh Hùng cho rằng, về lâu dài, cần sớm ban hành Luật Phòng chống tác hại của bia, rượu, đồng thời đẩy mạnh truyền thông, thông tin mạnh mẽ tác hại của rượu, bia ở vùng DTTS. Một vấn đề quan trọng là cần quản lý thị trường rượu, bia chặt hơn ở khu vực này. Đặc biệt là các loại rượu tự nấu, tránh tình trạng mua bán dễ dàng và tràn lan như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh báo nạn uống rượu bia ở vùng dân tộc thiểu số

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO