Chủ động phòng cúm A/H1N1

Ngọc Hải 23/06/2018 14:00

Những ngày qua, thông tin về 1 trường hợp tử vong do cúm A/H1N1 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh khiến nhiều người dân lo ngại.

Chủ động phòng cúm A/H1N1

Tiêm vắcxin là cách tốt nhất để phòng bệnh cúm.

Bệnh nhân nữ 26 tuổi, sau khi có các triệu chứng cảm cúm đã tự điều trị tại nhà. Sau 5 ngày, chị được gia đình đưa vào cấp cứu tại bệnh viện quận Thủ Đức trong tình trạng nguy kịch vì viêm phổi nặng, suy hô hấp. Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM và đã tử vong vào ngày 30-5. Kết quả xét nghiệm của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM xác định bệnh nhân nữ này mắc virus cúm A/H1N1.

Trước tình hình này, ngày 9/6, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết cúm A/H1N1 là cúm mùa thông thường. Bệnh chỉ diễn biến nặng đối với những người có bệnh nền mãn tính. Theo đó, bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A(H3N2), cúm A/H1N1, cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.

Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Tuy nhiên, với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch..., bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM, những người có nguy cơ mắc bệnh cúm cao nhất thường là trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 65 tuổi; phụ nữ mang thai; người mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, béo phì hay các hội chứng suy giảm miễn dịch khác... Tuy nhiên, nếu không có nguy cơ diễn tiến nặng bệnh nhân cúm hoàn toàn có thể được điều trị tại nhà và tự khỏi trong vài ngày. Trong thời gian này, bệnh nhân nên nghỉ ngơi ở nhà, không đi học, đi làm trong vòng 7 ngày sau khởi phát.

Về chế độ dinh dưỡng, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, giàu vitamin để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sỹ, không tự ý sử dụng thuốc kháng vi rút. Theo dõi sát các biểu hiện của bệnh và đưa bệnh nhân đến bệnh viện nếu bệnh có tiến triển nặng hơn.

Bộ Y tế khuyến cáo để phòng chống bệnh cúm A/H1N1, người dân cần tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi; vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hóa chất sát khuẩn thông thường; tăng cường sức khỏe bằng vận động và nghỉ ngơi hợp lý, bổ sung rau củ và vitamin C trong chế độ ăn uống.

Ngoài ra, tiêm chủng là biện pháp hiệu quả để phòng bệnh cúm. Nếu có triệu chứng sốt và ho, hắt hơi, sổ mũi... cần đi khám bệnh tại các cơ sở y tế để được điều trị, không tự ý mua thuốc điều trị để tránh những diễn biến đáng tiếc. Hiện tại, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc chưa ghi nhận ca bệnh nào nhiễm H1N1 nguy kịch, tuy nhiên, vẫn ghi nhận các ca bệnh rải rác các ca bệnh, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ động phòng cúm A/H1N1

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO