Chủ động rà soát chính sách dân tộc

PV (theo Báo Đại Biểu Nhân Dân) 19/02/2017 18:25

Thường trực Hội đồng Dân tộc vừa làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Bắc. Đây cũng là lần đầu tiên, Thường trực Hội đồng Dân tộc làm việc với một Ban Chỉ đạo khu vực để khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chính sách dân tộc tại khu vực.

Việc làm mới này của Thường trực Hội đồng Dân tộc cũng nhằm rà soát việc thực hiện các chính sách dân tộc, qua đó, đề xuất giải pháp giúp QH thực hiện hiệu quả chức năng “quyết định các chính sách dân tộc, tôn giáo” được Hiến pháp năm 2013 quy định.

Thường trực Hội đồng Dân tộc làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Bắc. (Ảnh: Phương Thủy).

Chuyển biến tích cực

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Tây Bắc, khu vực này hiện có trên 11 triệu người, với 32 dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 7 triệu người (bằng 63,4% tổng dân số khu vực). Các địa phương trong khu vực cũng đang được Nhà nước ưu tiên hỗ trợ thực hiện nhiều chương trình, dự án, đề án về dân tộc như: Chương trình hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ đất ở, nước sinh hoạt, trợ giúp pháp lý...

Bên cạnh các chính sách bao phủ toàn diện, còn có chính sách mang tính địa phương, địa bàn và cho từng dân tộc cụ thể. Để thực hiện tốt các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, hầu hết các địa phương trong vùng đã xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Thông qua các chính sách của Đảng, Nhà nước và sự quan tâm vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực Tây Bắc ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều đổi mới, hạ tầng kinh tế - xã hội ngày một hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Có thể khẳng định rằng, chuyển biến tích cực là gam màu chủ đạo trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và thực hiện chính sách cho đồng bào dân tộc nói riêng ở khu vực Tây Bắc. Dẫu vậy, Ban Chỉ đạo Tây Bắc cũng chỉ rõ một số hạn chế chậm được khắc phục như: Vẫn là vùng nghèo; văn hóa - xã hội còn nhiều bất cập; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân 3,5%/năm, song tình trạng đói giáp hạt của một bộ phận dân cư đồng bào dân tộc thiểu số vẫn xảy ra ở hầu hết các tỉnh. Như tổng kết của một thành viên Đoàn công tác của Thường trực Hội đồng Dân tộc, thì khu vực Tây Bắc đang là “rốn nghèo” của cả nước. Đồng thời, hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc và phát triển kinh tế thuộc diện chậm nhất ở các tiêu chí (nông thôn mới, số hộ nghèo, thiết chế văn hóa, thiết chế hạ tầng).

Lý giải điều này, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc Lương Xuân Cừ cho rằng, công tác xóa đói, giảm nghèo của khu vực đang bí, không biết nhìn vào đâu để thực hiện. Thực tế, đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên, hạ tầng được cải thiện, nhưng chuyển biến trong đời sống vật chất, thu nhập thì rất chậm. Nguyên nhân do ruộng nương đang bị sa mạc hóa, dân số đông lên, trong khi người dân vẫn giữ cách canh tác truyền thống. Các chính sách xóa đói, giảm nghèo hiện hành lại chủ yếu áp dụng cho toàn tỉnh, chưa có chính sách hướng đến từng thôn bản, nên một số chính sách còn “vênh” với điều kiện thực hiện.

Ông Lương Xuân Cừ cũng chỉ rõ, để thực hiện thành công mục tiêu xóa nghèo bền vững ở khu vực Tây Bắc thì phải cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, bằng hệ thống chính sách huy động nguồn lực hỗ trợ sản xuất tổng hợp, và quy trách nhiệm hỗ trợ đến từng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp làm thủy điện.

Thay đổi cách thức đầu tư

Sau khi nghe báo cáo của Ban chỉ đạo Tây Bắc, cũng như phát biểu bổ sung của một số lãnh đạo Ban chỉ đạo về tình hình thực tế triển khai các chính sách dân tộc, Thường trực Hội đồng Dân tộc đã nhất trí đề nghị, Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Hội đồng Dân tộc tiến hành rà soát đánh giá hiệu quả thực hiện các chính sách dân tộc.

Bởi theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân, chính sách dân tộc từng được nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Tráng A Pao ví “nhiều như lông bò”, với 185 chính sách, thể hiện tại 230 văn bản của Chính phủ, các bộ, ngành. Nhưng do nguồn vốn ngân sách chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu, còn lại phải huy động từ các nguồn khác, nên hiệu quả thấp.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu cũng chỉ ra thực tế, so với 15 - 20 năm trước, sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của đồng bào dân tộc đã thay đổi rất nhiều nhưng cơ chế phân bổ vốn đầu tư cho địa bàn dân tộc, đồng bào dân tộc lại vẫn giữ nguyên. Bất cập nảy sinh là khó tránh khỏi. Đơn cử như kết quả khảo sát của Hội đồng Dân tộc mới đây cho thấy, trong khi chi để cải thiện sản xuất của bà con (chủ yếu chi cho thực hiện Chương trình 135) chỉ khoảng 1,3 tỷ đồng, thì đã chi đến 7 - 8 tỷ đồng để thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cho bà con.

Mặt khác, chi đến 15 - 16 tỷ đồng cho thực hiện chính sách với cán bộ tại các xã bãi ngang - địa bàn vốn có điều kiện phát triển thuận lợi hơn nhiều so với vùng đồng bào dân tộc. Nói cách khác, phân bổ vốn đầu tư đang giữ cơ cấu không hợp lý, khi dành chi cho đầu tư phát triển ít, mà chi cho con người thì nhiều.

Trước thực tế này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng đề nghị, Ban Chỉ đạo Tây Bắc cần sớm tiến hành rà soát, đánh giá việc triển khai chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về bảo đảm an ninh - quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Bắc. Đồng thời, rà soát các chính sách áp dụng với khu vực miền núi trong giai đoạn 2011 - 2015, vốn được đánh giá triển khai thực hiện chậm, để từ đó đề xuất chính sách cho giai đoạn 2016 - 2020. Bởi qua khảo sát, giám sát của Hội đồng Dân tộc, cũng như thông tin thu nhận từ cuộc làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Bắc, thì thấy, cần chuyển sang xây dựng chính sách dân tộc gắn với từng giai đoạn phát triển, phù hợp với chỉ tiêu riêng cho khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Đây là lần đầu tiên, Thường trực Hội đồng Dân tộc làm việc với một Ban Chỉ đạo khu vực để khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chính sách dân tộc tại địa phương. Việc làm mới này cũng nhằm rà soát việc thực hiện các chính sách dân tộc, qua đó đề xuất giải pháp giúp QH thực hiện hiệu quả chức năng “quyết định các chính sách dân tộc, tôn giáo” được Hiến pháp năm 2013 quy định. Và với sự chủ động này của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã cam kết, ngay từ đầu năm nay, sẽ tiến hành trao đổi thông tin định kỳ và đột xuất với Hội đồng Dân tộc, không chờ đến khi ký cam kết phối hợp giữa hai cơ quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ động rà soát chính sách dân tộc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO