Công dụng từ lá xương sông

BS Hoàng Xuân Đại 19/09/2015 16:20

Xương sông còn gọi là xang sông, cây gia vị và làm thuốc, là loại cây thảo, thường mọc tự nhiên trong vườn hoặc trong rừng. Lá xương sông có mùi hơi hăng của dầu, khá đặc trưng không giống các loại rau thơm khác, nên được dùng chủ yếu làm gia vị, nấu canh. Lá non dùng để làm gia vị trộn trong chả và cuốn chả nướng, ăn với gỏi cá. Có thể dùng để nấu, nêm nếm trong một số món thịt, cá. Thân và lá làm thuốc trị ho, giải nhiệt, kích thích tiết mồ hôi.

Công dụng từ lá xương sông

Xương sông mọc tự nhiên trong vườn nhà

Đông y cho rằng xương sông vị đắng cay, tính ấm, có công dụng trừ tanh hôi, khu phong trừ thấp, tiêu thũng chỉ thống, thông kinh hoạt lạc, tiêu đàm thấp, kích thích tiêu hóa, thường được dùng để chữa cảm sốt, trúng phong hàn, cấm khẩu, ho suyễn, viêm họng, nôn mửa, đầy bụng, mẩn ngứa… lá xương sông có tác dụng bổ phế, chống co thắt phế quản, tiêu đườm.

Theo tài liệu nước ngoài, nước sắc xương sông có tác dụng chữa sốt rét, cảm cúm, phù thũng. Lá hoặc cây xương sông còn dùng làm thuốc trị chứng ra mồ hôi và viêm họng. Ở Malaysia, lá xương sông giã nát sao nóng chườm lên những nơi đau nhức do thấp khớp. Ở Vân Nam (Trung Quốc), người ta dùng lá trị phong thấp, sản hậu đau khớp xương, đau đầu; ở Hải Nam, người ta dùng cả cây bỏ rễ trị viêm phế quản, lở loét, viêm miệng và dùng làm thuốc ra mồ hôi. Liều lượng, nếu uống trong mỗi ngày dùng 15 – 20g dưới dạng thuốc sắc, thuốc hãm, lấy lá tươi nhai ngậm, nuốt nước hoặc giã nhỏ chế nước sôi vào rồi gạn lấy nước uống. Nếu dùng ngoài bằng cách xông, xoa, bôi, đắp thì không kể liều lượng. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, trong lá xương sông ở nước ta có chứa 0,24% tinh dầu có tác dụng chữa ho rất tốt nhưng phải đúng liều lượng.

Như vậy, có thể thấy, xương sông không có độc chất và trên thực tế loại cây này vẫn được sử dụng làm gia vị và thực phẩm trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, dù làm thức ăn hay làm thuốc vẫn cần phải có liều lượng nhất định, nhất là khi dùng để chữa bệnh. Gần đây, có trường hợp dùng một rổ lá xương sông trồng trong vườn nhà, giã nát, vắt lấy nước uống để chữa chứng ho lâu ngày và đã bị phỏng rộp toàn thân, phải đưa đến bệnh viện cấp cứu rất vất vả và tốn kém mới bảo toàn được tính mạng.

Mặc dù theo đông y lá xương sông có vị cay thơm, tính ấm, có tác dụng khử mùi tanh hôi, tiêu thực, tiêu đàm, tiêu máu ứ, thông tiểu, trị cảm ho, viêm họng, tưa lưỡi, nghẹt mũi, nhức đầu, đau bụng. Tinh dầu xương sông có vị cay tính ấm nên có tác dụng giảm hàn tà, thông kinh lạc. Với tính chất khử mùi, làm ấm bụng và tiêu thực, xương sông có mặt trong nhiều món ăn. Tinh dầu xương sông có vị cay tính ấm nên có tác dụng giảm hàn tà, thông kinh lạc...

Tuy vậy khi lạm dụng như do dùng một lượng xương sông quá lớn, vượt xa liều 20g được phép sử dụng, y học cổ truyền có quan điểm “thái quá sinh bất cập”, nghĩa là dù tốt và lành đến mấy nhưng khi dùng quá mức thì vẫn sinh tai họa.

Dưới đây là vài món ăn chữa bệnh từ cây xương sông

* Giải cảm: Nấu cháo cá xương sông cho thêm gừng, hành ăn trong ngày.

* Trừ cảm ho: Nấu canh xương sông với rau tần dày lá, thêm thịt heo. Tác dụng bổ chính khu tà, thêm phổi heo để làm mát phổi, chữa ho


* Kháng khuẩn, sưng họng, viêm amiđan, khản tiếng: Nước xương sông ngậm trong miệng.

* Chữa khí huyết trì trệ, máu nhiễm mỡ: Thường xuyên ăn lá xương sông.

* Tê nhức tứ chi: Uống nước sắc hạt xương sông mỗi ngày 15 – 20g chữa đầu ngón tay chân tê dại và mất cảm giác, lạnh tay chân…

* Viêm họng: Sắc hạt xương xông ngậm và uống hàng ngày.

* Lưu thông khí huyết, giúp trẻ lâu: uống nước hãm (hoặc nước sắc loãng) hạt xương sông. Không dùng lâu vì có tác dụng phụ như khô háo trong người, táo bón…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công dụng từ lá xương sông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO