Cuộc sống tiện nghi và sức đề kháng của cơ thể

MỸ HIỀN 28/08/2015 15:51

Khoa học phát triển, nhất là lĩnh vực Y tế, nhưng con người vẫn rất mong manh. Một loài virus bé nhỏ cũng có thể làm chết hàng trăm ngàn người khi bùng phát thành dịch. Một con muỗi truyền mầm bệnh theo đường máu từ người này sang người khác cũng bỗng chốc trở thành nguy cơ… Và, không chỉ thế, chúng ta vẫn từng ngày phải đối mặt với bao điều.

Nguồn ánh sáng nhân tạo xóa nhòa ranh giới ngày và đêm cũng gây ra bệnh mất ngủ

Giới khoa học cho rằng, chính cuộc sống hiện đại, nhiều tiện nghi lại khiến cơ thể chúng ta yếu đi. Ví dụ, người xưa có hàm răng trắng đẹp và khỏe khoắn một cách tự nhiên, cho dù không được chăm sóc kĩ lưỡng như người hiện đại. Hay là câu chuyện cận thị: xưa mấy người bị bệnh về mắt, mà trái lại nhãn lực của họ có thể coi là tuyệt vời. Nếu không có cặp mắt tinh tường thì làm sao họ có thể tránh được những con thú săn mồi đang lặng lẽ tấn công.
Không phủ nhận cuộc sống tiện nghi nhưng làm gì để hạn chế tác động xấu của nó là vấn đề phải được quan tâm. Giới khoa học đã đưa ra một số kết luận. Ví dụ như hầu hết các căn bệnh như sâu răng hay cận thị… rất ít xuất hiện ở cơ thể người trong quá khứ. Sự phổ biến của căn bệnh ngày hôm nay bắt nguồn từ lối sống hiện đại nhiều tiện nghi của con người.
Bệnh sâu răng nhiều người đang gặp phải là do sự bùng phát trong chế độ ăn uống. Cụ thể nhất là với đường. Loại phụ gia ngọt ngào này đã hiện diện rất nhiều trong các loại thực phẩm và đó chính là nguyên nhân đầu tiên gây ra bệnh sâu răng. Bình thường cơ thể con người có cơ chế tự trung hòa acid nhưng nếu ăn nhiều đường, các vi khuẩn sinh sôi nhanh chóng tạo ra lượng acid vượt quá khả năng tự cân bằng của cơ thể và kết quả là dẫn đến sâu răng.

Cận thị thành dịch bệnh bởi việc đọc quá nhiều nhưng ít vận động ngoài trời. Tại các nước Âu-Mỹ, cận thị đã bùng phát trong vòng 40 năm trở lại đây. Nhưng càng ngày lại càng không giảm, lý do là bởi con người ngày càng dán mắt vào máy tính, vào màn hình TV, vào các thế hệ điện thoại thông minh… Tới nay, cận thị đã là căn bệnh của hầu hết các châu lục, trong đó số người cận thị ở châu Á gia tăng nhanh chóng.

Ít tiếp xúc với nguồn sáng tự nhiên được coi là nguyên nhân cơ bản dẫn đến cận thị.
Giảm thính lực vì rằng thế giới ngày càng có nhiều tiếng ồn. Giảm thính lực được xem là một trong những rủi ro nghề nghiệp hàng đầu thế giới. Theo thống kê, có phân nửa người Mỹ trên 75 tuổi bị giảm thính lực. Một trong những nguyên nhân quan trọng gây giảm thính lực là con người ngày nay phải tiếp xúc với nhiều loại máy móc tạo tiếng ồn lớn. Các loại tiếng ồn tạo ra từ vũ khí, tai nghe, máy nghe nhạc hay loa công suất lớn gây rối loạn chức năng các tế bào tai của con người, dẫn tới tổn thương vĩnh viễn.
Mất ngủ là do phát minh ánh sáng nhân tạo. Chính nguồn ánh sáng nhân tạo này đã làm nhòa ranh giới ngày và đêm, khiến cho khái niệm “đêm về” để ngủ dần mất đi, vì đâu đâu cũng có ánh sáng. Trong các bước sóng ánh sáng thì bước sóng màu xanh có tác động mạnh nhất khiến cho con người tăng sự tỉnh táo, ức chế tiết melatonin (hormone gây buồn ngủ).

Sử dụng tai nghe âm nhạc với cường độ âm thanh cao làm cho thính giác suy giảm

Giới khoa học còn cho rằng chính vì thói quen đi giày cũng làm chân của chúng ta dễ bị đau hơn. Hai bàn chân chịu áp lực lớn của cơ thể, nhưng khi chúng bị bó lại lâu ngày bởi những đôi giày thì việc tự hồi phục của nó rất hạn chế, dẫn đến những căn bệnh bắt nguồn từ đôi bàn chân mà ít người để ý đến.
Thói quen sinh hoạt hàng ngày nếu không để ý kĩ cũng đễ làm cơ thể chúng ta tổn thương. Ví dụ như việc đứng làm việc khiến tĩnh mạch chân bị giãn. Một nghiên cứu năm 2013 đã chỉ ra rằng, sử dụng bàn đứng làm cho tim đập trung bình nhanh hơn 10 nhịp/phút so với khi ta ngồi. Điều này tương đương với việc bạn đốt cháy thêm 50 calo/giờ. Vậy với trung bình 3 giờ đứng mỗi ngày, 5 ngày/tuần thì ta sẽ đốt thêm từ 306 - 750 calo mỗi tuần. Đặc biệt, việc giữ cơ thể đứng thẳng trong một thời gian dài làm khối cơ bị căng cứng, gây đau cổ, vai. Đứng nhiều - trọng lực sẽ dồn máu xuống chân, phần nào gây cản trở cho sự tuần hoàn máu, gây nên hiện tượng giãn tĩnh mạch chân.
Với nước ép hoa quả loại bỏ hết chất xơ, nếu uống thường xuyên răng sẽ có khả năng bị sâu vì nó có chứa acid. Các acid này hòa tan men răng ra khỏi bề mặt của răng và các loại vi khuẩn sẽ lên men đường trong miệng, tạo ra các acid phá hủy răng.
Người ta cũng đã xác nhận rằng, uống quá nhiều vitamin cũng gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Điều này trái ngược với cách nghĩ của nhiều người là càng bổ sung nhiều vitamin thì cơ thể càng có thêm sức đề kháng. Trên thực tế, khi uống vitamin ở liều cao, người ta có thể sẽ gặp triệu chứng buồn nôn và tiêu chảy. Bổ sung vitamin với các liều lượng khác nhau phải tùy theo độ tuổi và tình trạng sức khỏe.
Trong một chuyên luận mới nhất được Livescience giới thiệu, thì nguy cơ đối với thể trạng của con người ngày càng rõ rệt và đến từ nhiều phía. Khi con người quá thích thú và quá phụ thuộc vào cuộc sống tiện nghi thì sự cân bằng tự nhiên trong cơ thể sẽ mất dần. Tác động xấu của môi trường ô nhiễm cũng là hệ lụy lâu dài, trong khi sự đề kháng của cơ thể giảm sút thì điều đó lại càng rơi vào trạng thái nguy cơ cao. Vì thế, giới khoa học Y tế cảnh báo, con người cần phải sống gắn với thiên nhiên hơn, để cơ thể có dịp “trải nghiệm” trong môi trường, chứ không chỉ bó mình trong ngôi nhà tiện nghi, trong những chiếc ô tô hay là trong phòng làm việc hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc sống tiện nghi và sức đề kháng của cơ thể

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO