Đắk Lắk: Chuyển cao su sang cây trồng khác hiệu quả hơn

Quang Huy 31/01/2018 12:46

Những năm gần đây, do giá thu mua mủ cao su liên tục giảm mạnh nên nhiều nông hộ trồng cao su ở Đắk Lắk đã chặt bỏ vườn cây để chuyển đổi đất sang cây trồng khác nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Đắk Lắk: Chuyển cao su sang cây trồng khác hiệu quả hơn

Từng bước chuyển đổi cây cao su sang loại cây trồng khác hiệu quả hơn

Chỉ riêng từ 2015 trở lại đây, các nông hộ trồng cao su tiểu điền của tỉnh Đắk Lắk đã chặt bỏ gần 3.100 ha đó; trong đó, năm 2017, các nông hộ chặt bỏ 1.338 ha. Diện tích cao su tiểu điền bị chặt bỏ tập trung nhiều nhất ở các huyện Ea Súp, Cư M’gar, Ea H’leo, Krông Năng.

UBND xã Ea Tar (huyện Cư M’gar) cho biết, từ năm 2016 trở lại đây, trên địa bàn xã đã có 22 nông hộ chặt bỏ hơn 163 ha cao su tiểu điền để chuyển đất sang trồng cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Gia đình anh Lê Ngỡ, ở thôn 1, là một trong những nông hộ trồng nhiều diện tích cao su tiểu điền ở xã Ea Tar từ năm 1990, với 25 ha. Do giá mủ cao su giảm liên tục, thua lỗ nhiều năm liền nên anh Lê Ngỡ đã chặt bỏ toàn bộ diện tích và chuyển sang trồng cà phê, hồ tiêu, hoa màu.

Tại huyện Ea Súp, nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình đã chặt bỏ hàng trăm héc-ta cao su trên đất rừng khộp do chậm phát triển hoặc không hiệu quả để lấy đất chuyển sang trồng các loại cây ăn quả, hoa màu khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Gia đình anh Nguyễn Tiến Long, Phan Văn Thọ đều ở xã Ea Lê (huyện Ea Súp) mỗi gia đình có 4 ha cao su tiểu điền được trồng trên đất rừng khộp. Qua hơn 10 năm, nhưng cây cao su vẫn còi cọc, không phát triển nên các gia đình đành chặt bỏ, chuyển đất sang trồng ngô lai, mía mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn…

Theo thống kê của UBND huyện Cư M’gar, đến thời điểm hiện nay, nông dân trên địa bàn xã Ea Tar đã phá bỏ hơn 200 ha cao su liên kết với Công ty cao su Đác Lắc và bán cho các hộ từ nơi khác đến.

Các đơn vị chức năng tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật sử dụng thuốc kích thích mủ, kỹ thuật mở miệng cạo, quản lý khai thác vườn cao su kinh doanh…. nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người dân. Riêng đối với những vườn cao su được trồng trên những địa bàn không thích hợp, nhất là trên các vùng đất rừng khộp, đất dốc, ngoài vùng quy hoạch cây cao su kém phát triển, các đơn vị chức năng cũng khuyến cáo người dân cần chủ động chuyển đổi sang trồng các loại cây khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, nguyên nhân diện tích cao su giảm mạnh là do giá cao su xuống thấp, ít mang lại hiệu quả kinh tế nên nhiều hộ trồng cao su tiểu điền chặt bỏ, chuyển sang cây trồng khác hoặc một số diện tích cao su già cỗi hết chu kỳ kinh doanh thanh lý, nhổ bỏ, chưa tái canh.

Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk chỉ còn 37.368 ha cao su, giảm 1.338 ha so với năm 2016, sản lượng mủ khai thác cũng chỉ đạt 27.997 tấn, giảm 3.310 tấn so với năm 2016.

Theo quy hoạch phát triển cây cao su tỉnh Đắk Lắc giai đoạn 2014-2020, đã xác định phát triển diện tích cao su trên địa bàn huyện Cư M’gar là 10.601 ha và đến thời điểm hiện tại, diện tích cây cao su của huyện đạt 8.741 ha.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đắk Lắk: Chuyển cao su sang cây trồng khác hiệu quả hơn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO