Dạy chữ, dạy nghề ở miền núi

Phạm Văn Công 19/12/2019 14:18

Trong những năm qua, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước thông qua các chủ trương, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển. Vì thế, hệ thống trường lớp ngày một mở rộng tới tận bản làng xa xôi. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nên việc phát triển giáo dục ở vùng đồng bào DTTS, miền núi vẫn rất cần sự nỗ lực nhiều hơn nữa.

Dạy chữ, dạy nghề ở miền núi

Phụ nữ dân tộc Dao thôn Bản Bang (xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) học nghề may.

1. Tới nay, bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, hệ thống trường lớp vùng DTTS, miền núi ngày càng khang trang; số phòng học tranh tre nứa lá hầu như không còn. Tỷ lệ học sinh đến trường tăng cao, học sinh lưu ban, bỏ học ngày càng giảm. Hệ thống giáo dục chuyên biệt (trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học) ngày càng phát huy hiệu quả tích cực. Chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên và người học là người DTTS được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định.

Tuy thế, mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt ở một số trường chuyên biệt vùng DTTS, miền núi. Chất lượng giáo dục đào tạo ở khu vực này nhìn chung còn thấp so với yêu cầu…

Chính vì thế, để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo vùng DTTS, miền núi cần có những đột phá.

Trước tiên là việc hoàn thiện cơ cấu hệ thống và mạng lưới cơ sở giáo dục, đa dạng hoá hình thức tổ chức dạy học. Từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện linh hoạt các chương trình giáo dục phù hợp với điều kiện học tập của người học. Trong đó, việc phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là rất quan trọng… Tất cả những điều đó để hướng tới thực hiện mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 25% trẻ em người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ và 75% trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non; Tỷ lệ trẻ em nhập học đúng độ tuổi cấp tiểu học của từng DTTS trên 94%; Tỷ lệ trẻ em hoàn thành chương trình tiểu học của từng DTTS trên 94%; Tỷ lệ học sinh người DTTS đi học đúng tuổi cấp trung học cơ sở 93%.

Về xóa mù chữ đối với các DTTS: Tỷ lệ người từ 15 tuổi đến 60 tuổi biết chữ của từng DTTS trên 92%. Tỷ lệ học sinh người DTTS trong độ tuổi đạt trình độ học vấn trung học phổ thông và tương đương 50%.

Phấn đấu đến năm 2020, số sinh viên người DTTS (đại học, cao đẳng) đạt từ 130 đến 150 sinh viên/vạn dân (người DTTS), nhóm dân tộc có chất lượng nguồn nhân lực rất thấp đạt tối thiểu 130 sinh viên/vạn dân; năm 2030 đạt từ 200 - 250 sinh viên/vạn dân. Tỷ lệ người DTTS trong độ tuổi lao động được đào tạo các chương trình giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020 đạt trên 30%, nhóm dân tộc có chất lượng nguồn nhân lực thấp đạt tối thiểu 25%.

Như vậy, thời gian không còn nhiều cho mục tiêu ấy. Vì vậy, cần có sự nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành và của từng xã bản cụ thể.

Dạy chữ, dạy nghề ở miền núi - 1

Phụ nữ bản Khe Nghè (xã Lục Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) duy trì nghề dệt thổ cẩm. Ảnh: Đức Quang.

2. Với vùng đồng bào DTTS, miền núi, cùng với việc học phổ thông thì đào tạo nghề cũng rất cần thiết. Việc thu hút lao động, tạo việc làm cho đồng bào DTTS rất quan trọng để có thể thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình 135, Ủy ban Dân tộc, đối với việc thu hút lao động, tạo việc làm cho đồng bào DTTS, từ năm 2016 đến cuối năm 2018, có khoảng 480.000 người DTTS được học nghề, trong đó: 130.000 người (chiếm 8%) học trung cấp, cao đẳng (trong đó có 62.748 người DTTS được hỗ trợ học trung cấp, cao đẳng nội trú theo Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ); 350.000 người DTTS (chiếm 21%) được hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng theo chính sách của đề án 1956.

Số người lao động DTTS học nghề sơ cấp và dưới 3 tháng có việc làm 80% chủ yếu là tiếp tục làm nghề cũ, số người chuyển đổi sang phi nông nghiệp còn hạn chế. Số lao động người DTTS được đào tạo nghề còn thấp (chủ yếu thuộc hộ nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp), số được đào tạo chỉ chiếm 14% trong tổng số người DTTS trong độ tuổi lao động, chủ yếu học nghề ngắn hạn. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở vùng DTTS và miền núi còn mỏng.

Xung quanh vấn đề này, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện chính sách dân tộc cuối năm 2018, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, hiện chúng ta có 116 chính sách khác nhau, trong đó có 7 chính sách hỗ trợ thanh niên dân tộc miền núi học nghề và nâng cao trình độ đào tạo từ bồi dưỡng, đến sơ cấp, trung cấp. Theo Bộ trưởng, việc liên kết đào tạo với doanh nghiệp để thực hiện đào tạo nghề theo đơn đặt hàng là một hướng đi phù hợp.

Những năm qua, tuy còn bất cập nhưng một số địa phương cũng đã triển khai hiệu quả việc dạy nghề đối với lao động vùng DTTS, miền núi. Ví dụ như tại tỉnh Thanh Hóa, có 11 huyện miền núi và 6 huyện giáp ranh, với dân số 621.436 người người, gồm 6 dân tộc chủ yếu là: Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú. Có 7 huyện nghèo, 115 xã đặc biệt khó khăn và 197 thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Để giải quyết, tỉnh chủ trương đối với 11 huyện miền núi, trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ tập trung dạy các nghề chủ yếu như trồng và khai thác rừng, kỹ thuật trồng luồng hỗn giao; bảo vệ rừng; sản xuất, kinh doanh cây giống lâm nghiệp; kỹ thuật nông lâm kết hợp; chăn nuôi gia súc, gia cầm; chế biến nông lâm thủy sản; nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Trong lĩnh vực phi nông nghiệp sẽ tập trung dạy các nghề chủ yếu sau: sửa chữa cơ khí, nguội lắp ráp cơ khí; sửa chữa máy bơm điện; quản lý điện nông thôn, điện dân dụng; mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ…

Chính từ chỗ xác định mục tiêu rất cụ thể nên Thanh Hóa đã làm tốt việc đào tạo nghề cho lao động bà con DTTS, miền núi; góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dạy chữ, dạy nghề ở miền núi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO