Diện mạo mới của Chiêm Hóa

T.H. 01/05/2019 08:00

Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) là huyện có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 78%). Trong những năm qua, cùng với sự quan tâm của các cấp chính quyền, MTTQ và các tổ chức thành viên từ huyện đến cơ sở luôn chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động với phương châm tập trung hướng về cơ sở, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân, góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh, trật tự của địa phương.

Diện mạo mới của Chiêm Hóa

Nông thôn mới ở Chiêm Hóa.

Nhiệm kỳ 2014-2019, MTTQ huyện đã vận động nhân dân hiến hàng nghìn m2 đất làm đường bê tông nông thôn; kiên cố hoá kênh mương; bê tông hoá đường giao thông nội đồng; xây dựng được 58 nhà văn hóa thôn bản, tổ nhân dân. Đặc biệt, MTTQ huyện đã thành lập và duy trì hoạt động nhiều mô hình khu dân cư tự quản trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Tính đến nay, huyện có 62 mô hình phát triển kinh tế; 36 mô hình giúp nhau giảm nghèo bền vững; 327 mô hình bảo vệ môi trường; 353 mô hình bảo đảm an ninh trật tự; 205 mô hình bảo đảm an toàn giao thông; 319 mô hình khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập;...

Quỹ Vì người nghèo cấp huyện vận động được trên 6,2 tỷ đồng, cùng với sự hỗ trợ của Ban vận động “Quỹ Vì người nghèo” các cấp, các cơ quan, ban, ngành đã chi hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng số tiền trên 6,7 tỷ đồng; hỗ trợ làm mới và sửa chữa được trên 380 nhà ở để đạt tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư... nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện theo tiêu chí mới đầu nhiệm kỳ 51,68% đến cuối nhiệm kỳ giảm xuống còn 21,12%.

Cùng với Mặt trận các cấp, những người có uy tín trên địa bàn huyện cũng có những đóng góp không nhỏ vào công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh, trật tự của địa phương. Không chỉ vận động, tuyên truyền, họ còn là những người tiên phong trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, là những tấm gương để người dân học tập và làm theo.

Điển hình như ông Ma Văn Tái, thôn Pù Đồn, xã Minh Quang, luôn được biết đến là người gương mẫu, tích cực giúp người dân trong thôn thoát nghèo bằng việc thay đổi những phương thức sản xuất hiệu quả hơn. Ông vận động bà con tham gia những lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, đặc biệt đưa lạc vụ đông vào sản xuất. Năm 2018, thôn Pù Đồn đã giảm được 5 hộ nghèo, mục tiêu năm 2019 giảm thêm 7 hộ, đưa hộ nghèo giảm xuống còn 25/79 hộ.

Hay như ông Bàn Văn Đức, thôn Nà Khau, xã Hà Lang cũng là một cán bộ gương mẫu, điển hình trong nhiều hoạt động ở cơ sở. Trong thôn, gia đình nào có mâu thuẫn, ông đều đến tận nhà để lắng nghe tâm tư của từng thành viên, tìm ra mấu chốt vấn đề và giải quyết hợp lý, hợp tình góp phần hạn chế những xung đột, tranh chấp. Nhờ vậy nhiều năm liền trong thôn không xảy ra tranh chấp hay xung đột phải nhờ đến cấp xã giải quyết.

Theo ông Hoàng Văn Tấn - Trưởng phòng Dân tộc huyện Chiêm Hóa, những người có uy tín được người dân bình chọn là những người mẫu mực, có lối sống lành mạnh, có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống và có khả năng tuyên truyền, thuyết phục bà con thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chính sách dân tộc được ban hành. Người có uy tín còn là lực lượng nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động tại địa phương. Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới, người uy tín đã cùng chính quyền địa phương vận động nhân dân tham gia góp công, góp của xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn.

Nhờ những nỗ lực đó, hạ tầng nông thôn của huyện đã được thay đổi đáng kể, điều kiện sản xuất, môi trường, văn hóa không ngừng được cải thiện…đời sống của đồng bào các dân tộc cũng được nâng lên đáng kể, nhiều hộ nhờ phát triển kinh tế đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Diện mạo mới của Chiêm Hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO