Dọc dòng sông Bé

Đoàn Xá 19/09/2016 13:05

Sông Bé là dòng sông lớn nhất của tỉnh Bình Phước uốn lượn dọc miền biên giới Tây Nam trước khi đổ vào dòng Đồng Nai danh tiếng. Mỗi lần đi qua sông Bé, tôi đều thấy dòng sông này đỏ quạch và dữ dằn. Chắc do dọc chiều dài hơn ba trăm cây số của mình, sông Bé đi qua những vùng đất đỏ bazan miền Đông. Thế nhưng, kỳ lạ hơn khi biết rằng, ngoài việc mang đến phù sa màu mỡ cho hàng triệu cây cao su xanh ngát, dòng sông có vẻ ngoài dữ dằn ấy lại bao dung đến lạ.

Dòng sông Bé.

Những mảnh đời trên sông

Cũng như nhiều dòng sông khác, sông Bé là nơi che chở và mang đến nguồn sinh kế cho hàng trăm người, chủ yếu là những cư dân hai bên bờ. Những cư dân nghèo nhưng một đời “chung thủy” với dòng sông vì tình yêu, nguồn lợi thủy sản hoặc giản đơn, do đây dường như là sinh kế cuối cùng.

Một trong số những người như thế, ông Trần Văn Thọ, 61 tuổi, ở xã Thiện Hưng (huyện Bù Đốp, Bình Phước), người đã có mấy chục năm đánh cá trên sông Bé cũng như chứng kiến hết thảy những thăng trầm của “đời sông” cùng sông Bé. Ngồi cùng chúng tôi trên chiếc ghe mỏng mảnh được gá bằng đủ thứ gỗ tạp nham, ông cười cười chỉ tay về hướng thượng nguồn bảo: “Mùa này mưa nhiều, hồ Cần Đơn (huyện Bù Đốp) thường xả nước nên rất thuận lợi để giăng lưới đêm. Như đêm qua, tôi kiếm được hơn chục kg cá các loại. Bây giờ, đó là khá nhiều rồi”.

Ông bảo, cả đời gắn bó với dòng sông này, hồi trẻ thì rong ruổi từ vùng Cần Đơn cho tới tận hạ lưu ở dưới Phước Hòa, Vĩnh Hòa (tỉnh Bình Dương) hàng tuần liền để đánh bắt. Rồi có khi từ đó, men theo sông ngược lên tới vùng thượng nguồn Bù Gia Mập, Thác Mơ. Thế nhưng từ khi dòng sông bị “chặt” ra từng khúc để làm thủy điện, hải trình của ông chỉ còn khoảng hai chục cây số, từ hồ Cần Đơn cho tới hồ Sok Phú Miêng (huyện Lộc Ninh) mà thôi.

“Mà mình giờ cũng già rồi, chả còn sức mà đi xa nữa, quanh quẩn ở đây kiếm con tôm con cá, sống với dòng sông cho đỡ nhớ mà thôi. Với lại, sông thì ngắn nhưng hồ thủy điện lại rộng minh mông minh mang, đi hết một vòng hồ Sok Phú Miêng có khi hết cả mùa con nước rồi chứ chả cần đi xa xuôi ngược nữa”, ông lại nhìn ra xa xa dòng nước ngầu đục mà tự an ủi mình.

Những mảnh đời trên sông.

Về cuộc sống hiện tại, ông Thọ chẳng giấu giếm gì, bảo: “Mình bây giờ ở trên sông nhiều hơn ở trên bờ. Chỉ khi nào mưa gió lớn quá mới buộc ghe bên cầu tỉnh lộ, gọi thằng cả chạy xe ra đón về mà thôi. Mang tiếng người ở đây, có khi ra thị trấn còn bị lạc đường nữa. Bình thường, cứ rong ghe mà thả lưới để sáng sớm bà vợ ra lấy cá bán cũng là lúc tiếp tế cơm nước, cà phê hay cút rượu nhạt.

Nói thì vậy nhưng thực ra sống trên sông rất vui, lại mát mẻ thanh thản. Mà ở đây không chỉ riêng tôi, có bố con nhà bác Hạ, gia đình bác Sáu, vợ chồng bà Năm, vợ chồng anh Chiến… Mỗi người một hoàn cảnh, đều là dân lang bạt thương hồ nhiều năm, bây giờ chọn khúc sông Bé giữa 2 hồ thủy điện này để mưu sinh, và đùm bọc, nương nẫn vào nhau. Sông nước bất trắc nhưng tình người trên sông nước thì đậm đà chân thiết”.

Trong những ngày rong ruổi dọc dòng sông Bé và những hồ thủy điện nơi đây, tôi nhận thấy rằng, đây là dòng sông bao dung và hào phóng đến kỳ lạ. Ngoài những mảnh đời lam lũ gắn bọ trọn vẹn đời mình với sông Bé mà tôi đã gặp, thì ngày nay, hàng trăm mảnh đời sông nước khác, là những người Việt kiều khi cụt đường sinh kế phía bên kia biên giới cũng đã tìm tới đây.

Họ sum vầy nhau thành những xóm nhỏ, nghèo khó nhưng yên ả để nương nhờ dòng sông, cùng nguồn thủy sản nơi đây. Có lẽ, không bao giờ những “xóm Việt kiều” lại xuất hiện nhiều như vậy trên dòng sông Bé như những ngày mùa mưa năm 2016 này. Từ hồ thủy điện Thác Mơ cho tới hồ Cần Đơn, hồ Sok Phú Miêng hay tận đập Phước Hòa… Hay dọc dòng sông Bé, hàng chục những xóm Việt kiều lam lũ nương tựa vào dòng sông, với một tương lai tuy bấp bênh nhưng có thể chấp nhận được với đời sông nước.

Dòng sông “ánh sáng”

Tuy nhiên, sông Bé không chỉ có những mảnh đời nhỏ bé, lam lũ trên mà còn nhiều điều kỳ lạ và ám ảnh tôi. Đó là những khúc cua giữa bạt ngàn đồi núi miền biên ải Lộc Ninh, Bù Nho, Bù Đốp. Những khúc cua khiến dòng sông như dựng đứng, với ầm ào dòng nước như thác mùa mưa. Có lẽ, vì thế mà ngoài những ngư dân như trên, ít phương tiện đường thủy nào di chuyển được trên sông Bé.

Ngoài ra, thật hiếm có dòng sông ở vùng Nam Bộ nào mà có nhiều hệ thống hồ thủy điện như sông Bé. Bắt đầu từ thượng nguồn khai sinh ra dòng sông này, dưới chân núi Bà Rá linh thiêng là hồ thủy điện Thác Mơ hùng vĩ. Rồi hồ thủy điện Cần Đơn, hồ thủy điện Sok Phú Miêng hay thậm chí cả hồ thủy điện Trị An cũng mang dấu ấn của dòng sông kỳ lạ này.

Thủy điện Thác Mơ ở đầu nguồn sông Bé.

Tất cả đều hóa vào dòng lưới điện quốc gia từ hơn 20 năm qua. Hàng triệu người dân đã được hưởng lợi từ dòng sông này, bằng nguồn ánh sáng văn minh bởi địa hình đồi núi, dốc cao khiến tiềm năng thủy điện được khai thác tối đa. Thậm chí, nhiều người còn gọi vui sông Bé là dòng sông “ánh sáng” vì nguồn điện năng giàu có mà nó mang lại. Đây là điều khác biệt so với tất cả các dòng sông khác ở Nam Bộ, và gần giống nhưng dòng sông ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, chi phí làm thủy điện cũng di mang nguồn đi tới người tiêu dùng ở sông Bé ít hơn nhiều sơ với vùng Tây Nguyên xa xôi.

Ngoài ra, sông Bé còn tạo ra nhiều giá trị, nhiều điều quan trọng khác. Có lẽ, không có nơi nào ngắm nhìn dòng sông Bé trọn vẹn bằng việc đứng trên đỉnh núi Bà Rá (thị xã Phước Long, Bình Phước) dõi mắt ra xa xa. Nơi đây, ngoài là điểm đầu nguồn của dòng sông Bé, nơi có 2 con suối nhỏ từ Đắc Nông và bên kia biên giới Campuchia hợp lưu thành thì cũng là hồ thủy điện rộng lớn, nơi có hàng trăm người đang sinh sống, mưu sinh nhờ vào nguồn lợi thủy sản.

Không những vậy, với địa hình chập trùng, nhiều đảo nhỏ được tạo ra bởi những quả núi trước kia, hồ Thác Mơ cũng là một điểm du lịch lý thú. Một khung cảnh huyền hoặc trong chập trùng mù sương trên vùng rừng núi một buổi sáng mà tôi không bao giờ quên.

Đặc biệt ở hầu khắp những nơi mà dòng sông này chảy qua, là những cánh đồng cao su bạt ngàn một thời từng đem lại nguồn lợi kinh tế khổng lồ. Có nhiều lý do để vùng đất Bình Phước, Bình Dương được coi là “vương quốc” cao su của cả nước nhưng một trong những nguyên nhân chính, đó chính là dòng sông bé này. Dòng song cuồn cuộn chảy với một màu nước đỏ quạch kia đã mang đến phù sa, nguồn nước để những vườn cao su cho ra những dòng nhựa trắng.

Tôi luôn tin rằng, sông Bé không chỉ che chở, mang đến sinh kế, nguồn điện năng hay các nguồn lợi khác cho người dân nơi đây mà dòng sông này còn là khởi nguồn của văn hóa, tín ngưỡng và những làng mạc, nhất là cộng đồng người dân tộc thiểu số sinh sống đâu đó ven dòng sông. Đã có hàng trăm các cộng đồng người S’tiêng, người Tà Mun, người Thượng từ xa xưa định cư trên dải đất ven sông Bé này, một minh chứng cho ý nghĩa lịch sử xa xôi của dòng sông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dọc dòng sông Bé

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO