Đời sống đồng bào Khmer ngày càng khởi sắc

Ngọc Thạch 06/05/2018 08:00

Tỉnh Trà Vinh có hơn 320.000 người dân tộc Khmer, chiếm khoảng 32% dân số của tỉnh. Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ cho đồng bào Khmer nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Nhờ đó, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên khá giả.

Đời sống đồng bào Khmer ngày càng khởi sắc

Từ nguồn vốn vay, bà con Khmer đã phát triển nhiều mô hình sản xuất để thoát nghèo.

Điển hình như xã Tập Sơn, huyện Trà Cú có 81% đồng bào Khmer sinh sống, cũng là nơi có nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu như: gia đình chị Thạch Ngọc Truyền ở ấp Bến Trị.

Từ 24 triệu đồng vốn vay, gia đình chị đã mở rộng diện tích trồng khổ qua và đậu bắp. Hay như gia đình bà Kim Thị Tha cùng ấp cũng sử dụng 10 triệu đồng vốn vay theo diện hộ nghèo để nuôi bò sinh sản đạt hiệu quả kinh tế rất tốt.

Đời sống của người dân khởi sắc, bộ mặt nông thôn mới nhờ đó cũng đổi thay đáng kể. Dọc về các ấp Thốt Nốt, Bến Thế, Đôn Chụm, Đồn Điền, Đồn Điền A... những tuyến đường bê tông chạy thẳng đến các ấp vùng sâu, cải thiện rất nhiều việc thông thương hàng hóa cũng như đi lại của người dân.

Ấp Kim Câu (xã Kim Hòa), diện mạo phum, sóc cũng ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của bà con Khmer được nâng lên rõ rệt. Ngày càng xuất hiện nhiều những mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, nuôi bò sinh sản, nuôi heo và nuôi gà bằng điệm lót sinh học hay mô hình trồng bông lài trên đất giồng cát... đã giúp đời sống của bà con phát triển đáng kể.

Kim Câu đã trở thành ấp văn hóa, trường học, đường nông thôn, điện thắp sáng... đều được Nhà nước đầu tư đến phum, sóc. Nhiều hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở, đất sản xuất, tạo điều kiện vay vốn để thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Đề án thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh có tổng kinh phí 458,85 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ gần 63 tỷ đồng, vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội gần 390 tỷ đồng, số tiền còn lại do ngân sách địa phương đối ứng. Theo đó, gần 16.000 lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo trên địa bàn tỉnh sẽ được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt và vay vốn tín dụng ưu đãi phát triển sản xuất.

Trong năm 2018, tỉnh triển khai nguồn vốn gần 242 tỷ đồng để hỗ trợ đất ở cho 227 lượt hộ, chuyển đổi nghề cho 4.676 lượt hộ, 324 lượt hộ được hỗ trợ đất sản xuất, hỗ trợ tín dụng ưu đãi đối với 325 lượt hộ…Sau khi người dân nhận vốn vay, chính quyền xã cùng Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thường dành thời gian đến động viên và kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay của bà con để đồng vốn vay được phát huy hiệu quả thiết thực.

Được sự quan tâm đó, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi hàng nghìn héc-ta đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu, đậu phộng, bắp lai, trồng cỏ và chăn nuôi đại gia súc…, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, cao gấp hai đến ba lần so với trước đây. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh giảm nhanh từng năm.

Theo ông Kiên Ninh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh, đồng bào DTTS nói chung, Khmer nói riêng ở tỉnh Trà Vinh đã được thụ hưởng nhiều chính sách của Ðảng và Nhà nước: Cơ sở hạ tầng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ngày càng hoàn thiện; hàng nghìn hộ đồng bào DTTS nghèo được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, vốn sản xuất…

Cùng với đó, các lĩnh vực văn hóa xã hội vùng đồng bào DTTS được quan tâm khá đồng bộ, toàn diện. Các chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách an sinh, xã hội được ưu tiên thực hiện; bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Khmer được giữ gìn và phát huy…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đời sống đồng bào Khmer ngày càng khởi sắc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO