Dữ dội thời tiết

Nguyễn Thanh Đức (Tổng hợp) 05/10/2017 09:20

Hơn 300 người chết vì lở bùn ở Sierra Leone (châu Phi); nhiều quốc gia châu Á bị mưa lũ đe dọa; trong khi đó châu Âu lại đang trải qua một mùa hè nắng nóng kỷ lục... Biến đổi khí hậu toàn cầu đã khiến thời tiết khắc nghiệt hơn- cảnh báo đó đã dần thành sự thực.


Mưa lớn kéo dài khiến người dân châu Á gặp khó khăn.

1.Các đợt lụt lớn kéo theo bùn đất xảy ra trong các ngày 13 và 14/7 đã làm thủ đô Freetown của Sierra Leone rơi vào tình thế nguy hiểm.
Chỉ sau một đêm mưa lớn, đến rạng sáng 14/8, một phần quả đồi nhìn ra khu phố Regent, phía nam Freetown đã đổ sập vào khu dân cư. Lúc đó, nhiều người vẫn chìm trong giấc ngủ nên cái chết đến với họ là hết sức bất ngờ. “Chúng tôi không hề hay biết gì. Chỉ đến khi nghe tiếng gào thét dữ dội mới hốt hoảng tháo chạy”- một người dân Freetown thoát chết trong gang tấc nói với phóng viên Hãng AP. “Dòng bùn nước đã cuốn trôi nhiều nhà cửa và tất cả những gì bên trong, ngôi nhà của chúng tôi cũng bị mất hút”- vẫn người này cho biết.

Hội Chữ thập đỏ thành phố Freetown cho biết, trận lũ bùn này đã giết chết gần 340 con người. Một số người bị bùn đất cuốn trôi, bị ngạt thở mà chết. Nhiều người thì bị chôn vùi lập tức dưới những núi bùn khổng lồ. Khoảng 2.000 ngôi nhà đã bị bùn đất vùi lấp hoặc phá hủy nghiêm trọng. Người ta dắt díu nhau lần bước trên những con đường ngập ngụa bùn để mò tìm thi thể người thân. Những con đường đã biến thành những dòng sông bùn. Thành phố Freetown chìm trong tang tóc.

Sierra Leone được biết đến là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Phi. Theo Liên hợp quốc, khoảng 60% dân số nước này đang sống dưới mức đói nghèo. Còn Thủ đô Freetown là một thành phố nhỏ hẹp nhưng có tới 1,2 triệu người sinh sống. Tại đây, mỗi năm mưa tới 6 tháng, ngập lụt thường xuyên diễn ra. Tháng 9-2015, một trận lũ đã làm chết 10 người và 9.000 người khác mất nhà cửa.

Còn tại châu Phi, lũ lụt đã trở thành một trong những thảm họa thiên nhiên chết chóc nhất. Có tới 6.000 người đã chết trong khoảng từ tháng 10/1997 đến tháng 1/1998 ở khu vực Đông Phi; 764 người chết và 125 người mất ích tại Algeria vào tháng 11/2001; ít nhất 377 người chết trong mùa mưa năm 2010 tại khu vực Tây Phi.


Nắng nóng dữ dội, nhiều trẻ em châu Âu phải tìm cách tự “giải nhiệt”.

2.Tại châu Á, mùa hè năm nay cũng cho thấy đó là một mùa hè “nhiều nước” nhất trong lịch sử. Mưa trút xuống liên miên trên diện rộng, bao phủ nhiều quốc gia. Nhưng nghiêm trọng nhất là mưa tại Nhật Bản, Myanmar, Ấn Độ. Những nơi này phải chịu đựng những trận mưa xối xả gây úng ngập, lũ lụt.

Ngày 24/7 của chính quyền tỉnh Akita (Đông Bắc Nhật Bản) cho biết, mưa lớn kéo dài trong 2 ngày cuối tuần đã khiến gần ngôi 500 nhà bị ngập, hơn 20.000 cư dân phải sơ tán. Lượng mưa đo được ở mức hơn 300mm tại nhiều nơi, trong đó có 2 thành phố Akita và Yokote. Dịch vụ tàu siêu tốc tại tỉnh Akita đã bị gián đoạn do đường ray bị hư hại. Còn các trường mẫu giáo phải đóng cửa. Mưa lớn còn khiến vùng Tohoku (miền Đông Bắc) và vùng Hokuriku ven biển ngập nặng.

Tại Myanmar, lũ dâng cao khiến hàng chục nghìn người phải rời nhà cửa và khiến một số ngôi chùa ở miền Trung nước này bị ngập. Trong tháng 7, hơn 90.000 người đã phải sơ tán do lũ lụt khắp miền Trung và Nam của đất nước. Khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất là Magway (miền Trung) với hơn 60.000 người phải sơ tán.

Tương tự tại Ấn Độ, mưa trên diện rộng tại 3 bang gồm Gujarat ở miền Tây, Odisha và Tây Bengal ở miền Đông khiến mực nước những dòng sông dâng lên nhanh chóng, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Tại bang Assam, đã có 52 người đã thiệt mạng và hơn 1,75 triệu người bị ảnh hưởng do mưa lũ. 26/33 huyện của bang bị ngập nước.


Lũ bùn tại Sierra Leone.

3.Tại châu Âu, tháng 6 đối với khu vực tây Âu được cho là khủng khiếp nhất trong vòng 100 năm qua. “Lý do là bởi biến đổi khí hậu” - người châu Âu đồng loạt đưa ra kết luận.
Với nhiều người ở châu lục này, họ thèm cái nắng vùng nhiệt đới nhưng khi cái nắng khủng khiếp đến với họ thì lập tức gây ra sự xáo trộn. Trên nhiều đường phố, người dân đổ ra đường, chui vào siêu thị... tránh nóng. Những vòi phun nước công cộng lập tức trở thành “điểm hẹn” lý tưởng của rất nhiều người. Cả người già lẫn trẻ em đều muốn được nhúng mình vào nước.

Tại một vòi phun nước công cộng của thành phố Nantes nước Pháp, người ta xếp vòng trong vòng ngoài. “Chúng tôi đang phải trải qua một mùa hè nóng bỏng theo đúng nghĩa đen của nó”- một bà cụ đang cố cho tay vào vòi nước nói. Theo bà, chưa bao giờ Nantes lại nóng đến như vậy, “giống như trong một cái bếp lò”.

Nắng nóng làm nhiều cánh rừng trên khắp châu Âu bốc cháy. Nhất là ở Bồ Đào Nha, rừng cháy dữ dội khiến nhiệt độ càng tăng cao, khói bụi mịt mờ. Đã có những người bị thiệt mạng và bị thương. Chính quyền các nước Pháp, Thụy Sĩ và Hà Lan đã buộc phải kích hoạt kế hoạch khẩn cấp. Theo các nhà khí tượng, nhiệt độ tại khu vực phía tây châu Âu trong tháng 6-2017 cao hơn hơn mức trung bình mùa hè trong vòng 100 năm tới đến 3 độ C.

Với người Anh - xứ sở của vương quốc sương mù thì ngày 21-6 vừa qua được xác định là ngày nóng nhất của tháng 6 trong vòng 40 năm qua. Nhiệt độ đo được tại Heathrow là 35,4 độ C. Cũng trong đêm 21-6, người Pháp coi là “một đêm nóng kỉ lục” khi mà mọi người phải chui vào nhà có điều hòa vì đường phố nóng hầm hập.

Theo giới khoa học thuộc World Weather Attribution - một liên minh khoa học gia quốc tế, hiện tượng ấm lên toàn cầu khiến nguy cơ nắng nóng cao gấp nhiều lần tại châu Âu. GS Geert Jan van Oldenborgh (Viện Khí tượng hoàng gia Hà Lan) nhận xét: “Chúng tôi nhận thấy liên hệ rất mạnh mẽ và rõ ràng giữa cái nóng kỷ lục với sự biến đổi khí hậu do con người gây ra”. Còn nhà nghiên cứu Robert Vautard nhận định: Đến giữa thế kỷ này, việc nắng như đổ lửa sẽ là chuyện thường ở tây Âu trừ khi chúng ta có những biện pháp cấp thiết để giảm thải khí gây hiệu ứng nhà kính”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dữ dội thời tiết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO