Gia tăng bệnh ung thư

Ngọc Hải 26/09/2017 09:05

Thống kê mới đây của ngành y tế cho thấy, tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 126.000 ca ung thư mới mắc và có khoảng 94.000 người chết vì bệnh này mỗi năm. Dự báo đến năm 2020 sẽ có tối thiểu 189.000 ca mắc ung thư mới mỗi năm. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, nếu không có biện pháp phòng ngừa, bệnh sẽ còn tiếp tục gia tăng.

Các thực phẩm chống oxy hóa có tác dụng ngăn ngừa ung thư.

Nguyên nhân

Theo các bác sĩ bệnh viện K Trung ương, có 4 nguyên nhân chính gây bệnh ung thư, trong đó 35% do thực phẩm chưa an toàn, 30% do thuốc lá, di truyền từ 5-10% và còn lại là các nguyên nhân khác. Trong đó chủ yếu do thói quen không có lợi cho sức khỏe như hút thuốc, lạm dụng rượu bia, chế độ dinh dưỡng không an toàn, ít vận động, ô nhiễm môi trường… Điều này khiến độc tố tích tụ, bủa vây và tấn công tế bào, tàn phá sức khỏe con người.

“Đột biến gen cũng như các yếu tố từ ngoài môi trường tác động khiến cơ thể chúng ta có các đột biến gen từ đó hình thành khối u. Tuy nhiên có một số nguyên nhân gây bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh được ví dụ như hạn chế tối đa hoặc bỏ hút thuốc lá và chế độ ăn uống” - Theo TS Phạm Cẩm Phương- Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu -Bệnh viện Bạch Mai.
Đặc biệt, thuốc lá được kể đến hàng đầu là nguyên nhân của 30% trong tổng số các loại ung thư ở con người, gồm ung thư phổi, dạ dày, thực quản, thanh quản, tụy, khoang miệng, bàng quang. Khói thuốc lá chứa đến hơn 40 loại hóa chất khác nhau gây ung thư. Người hút thuốc kèm theo nghiện rượu nguy cơ mắc bệnh càng cao hơn. Đáng lo ngại là những người không hút thuốc nhưng sống trong khói thuốc của những người khác chịu rủi ro cao hơn hoặc bị mắc các bệnh kinh niên và cấp tính về họng, tai và trí tuệ cũng như sức khoẻ thể chất bị ảnh hưởng.

Kế đến là thực phẩm. Chế độ ăn nhiều chất mỡ động vật, ít chất xơ làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại - trực tràng và ung thư vú. Ngoài ra, các chất bảo quản thực phẩm, các chất nhuộm màu thực phẩm có nguồn gốc hóa học, các chất trung gian chuyển hóa và sinh ra từ thực phẩm bị nấm mốc, lên men là nguyên nhân gây ra nhiều loại ung thư đường tiêu hóa như ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư đại tràng… Ước tính yếu tố này gây ra đến 35% trong tổng số các loại ung thư. Đặc biệt, ngày càng xuất hiện nhiều hóa chất nông nghiệp, hóa chất gia dụng, dược phẩm. Độc tố cũng có thể đến từ cây cỏ, thực phẩm như gạo, ngô, vi sinh vật, như vậy là có quá nhiều độc tố có thể gây bệnh.

Ngoài ra, khi chế biến thực phẩm như chiên, rán, xào nhiều người có thói quen đợi dầu thật nóng, bốc khói mới bắt đầu cho thức ăn vào, điều này rất nguy hiểm bởi nhiệt độ dầu lúc này đã lên đến 200 độ C, nếu cho thức ăn vào chế biến sẽ sinh ra chất gây ung thư, đồng thời chất dinh dưỡng trong thức ăn cũng bị mất đi rất nhiều. Do vậy các chuyên gia khuyên chỉ nên nấu ăn khi dầu ở nhiệt độ từ 150 đến 180 độ. Cách nhận biết đơn giản là nhúng đũa vào trong dầu, nếu thấy xung quanh đầu đũa xuất hiện nhiều bọt khí là lúc nên cho thức ăn vào chế biến.

Thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi.

Cảnh báo

Các chuyên gia y tế cho rằng, số ca ung thư sẽ không dừng lại mà còn gia tăng trong những năm tiếp theo. Dự báo có khoảng 200.000 ca vào năm 2020. Vậy làm gì để phòng chống ung thư? Chỉ có cách là chúng ta phải chủ động thải độc cơ thể, ngăn ngừa ung thư bằng cách tạo cho mình những thói quen ăn uống, sinh hoạt khoa học, loại bỏ những thói quen xấu như hút thuốc lá, rượu bia, luôn giữ một tinh thần thoải mái, vui vẻ và tập luyện thể thao đều đặn…

Lối sống lành mạnh có vai trò rất quan trọng trong việc phòng, chống bệnh ung thư. Nhiều nghiên cứu cho thấy, những người mắc và có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư thường là những người có nhiều thói quen không tốt cho sức khỏe như uống nhiều bia rượu, hút thuốc lá, ăn nhiều thức ăn có hại cho sức khỏe, lười vận động.

“Chúng ta nên có cuộc sống hài hòa cả trong ăn uống, trong các mối quan hệ với xung quanh, quan hệ với đồng nghiệp, tránh stress sinh ra các chất trung gian chính là các chất oxy hóa gây nên nhiều bệnh tật phức tạp; hài hòa cả trong vệ sinh. Phải ngăn chặn không tiếp xúc với yếu tố nguy cơ, cười nhiều hơn...” - , PGS.TS Phạm Duệ chia sẻ tại một buổi tư vấn trực tuyến về ung thư.

Lựa chọn thực phẩm tươi, sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được bảo quản tốt. Thường xuyên ăn các món luộc, hấp hơn là những món chiên, xào, nướng… Một chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân bằng, chứa đầy đủ các thành phần dinh dưỡng: protein, lipid, glucid, vitamin và chất khoáng để làm tăng sức đề kháng với các tế bào ung thư.

Các thực phẩm chứa nguy cơ gây ung thư cần hạn chế ăn như: Các món nướng ở nhiệt độ cao bị cháy khét, thực phẩm sử dụng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần, các thực phẩm phơi khô. Sử dụng các thực phẩm mốc như các loại đậu phộng, đậu hạt…; bánh gói lâu ngày bị mốc như bánh chưng, bánh ít…

Các bác sỹ cảnh báo người dân khi có các dấu hiệu như: sút cân nhanh, từ 4-5kg trong một tháng hay thấy có các biểu hiện chướng bụng (hay xảy ra ở phụ nữ bị K buồng trứng, K gan); ho/chảy máu bất thường, bởi mọi hiện tượng ra máu bất thường có thể là những dấu hiệu của ung thư cổ tử cung, ung thư tiết niệu... cần đi khám ngay để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Khám sức khỏe định kỳ cũng là cách tốt nhất để phát hiện ra rất nhiều loại bệnh, trong đó có bệnh ung thư, phát hiện ở giai đoạn sớm thì khả năng chữa khỏi sẽ rất lớn. Tốt nhất nên khám kiểm tra sức khỏe ít nhất mỗi năm 1 lần.

Các nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra rằng, những ai thường xuyên hoạt động chân tay sẽ ít bị mắc các bệnh ung thư hơn so với những người chỉ quen ngồi một chỗ.

Hiểu rõ về bệnh ung thư là cách phòng bệnh tốt nhất. Hãy tạo cho mình những thói quen ăn uống, sinh hoạt khoa học, loại bỏ những thói quen xấu như hút thuốc lá, rượu bia, luôn giữ một tinh thần thoải mái, vui vẻ. Bên cạnh đó nên có một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, bổ sung các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa có màu xanh sẫm, đỏ, vàng như nghệ, tỏi, cà chua, đu đủ và các loại cải lá xanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gia tăng bệnh ung thư

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO