Hai nghi lễ quan trọng của người Dao

Miên Thảo (tổng hợp) 17/06/2016 19:15

Dân tộc nào cũng có những nghi lễ riêng, tập tục riêng. Theo thời gian, những hình thức văn hóa tinh thần ấy có sự thay đổi, cũng có tập tục, nghi lễ mất đi nhưng những gì còn lại thì đều rất đặc sắc. Với đồng bào Dao ở miền núi cao phía Bắc, tới nay bà con vẫn gìn giữ được nhiều tập tục, nghi thức, trong đó nổi bật là lễ mừng thọ và lễ cấp sắc.

Một nghi thức trên sàn trong lễ cấp sắc của đồng bào Dao đỏ ở Cao Bằng.

1. Với lễ mừng thọ, tùy theo từng vùng mà bà con người Dao tiến hành khác nhau, nhưng chung quy lại lễ này là để cầu mong sức khỏe, không gặp ốm đau bệnh tật đối với những người sắp (hoặc đã) bước vào tuổi 50. Đây cũng có thể là lễ trong mỗi gia đình, cũng có thể được dòng họ tổ chức và bao giờ cũng mời láng giềng, bà con trong bản cùng tham dự.

Với bà con người Dao Đỏ ở thôn Gốc Mít (xã Tân Thành, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang), quan niệm xưa cho rằng khi con người từ 49 tuổi trở lên thì hay đau ốm, hồn vía bị vơi đi, nên con cháu trong nhà sẽ làm lễ mừng thọ cho họ. Lễ này không phải là để xác nhận người đó bước vào tuổi già, mà là để cầu an, mong người đó mạnh khỏe mãi. Lễ được tổ chức vào ngày sinh nhật của người được mừng thọ. Cả đàn ông và đàn bà, đến tuổi đó thì đều được con cháu tổ chức lễ mừng thọ.

Để tổ chức lễ, bao giờ người ta cũng lập một đàn cúng trước sân nhà, mâm lễ gồm một thủ lợn, một con gà sống, một con gà luộc chín, 2 chai rượu nếp, 5 chén rượu... Lễ vật là để dâng lên Ngọc Hoàng, trình báo tổ tiên. Bao giờ lễ cũng được bắt đầu vào lúc bắt đầu sáng, khoảng 6 giờ. Với người Dao ở thôn Gốc Mít, bà con quan niệm phụ nữ có 9 vía, đàn ông 7 vía (phần hồn). Muốn vía mạnh thì ở đàn cũng bao giờ cũng bắc cầu giải hạn để vía về. Vai trò của thày cũng trong lễ mừng thọ là rất lớn, vì thầy xin Ngọc Hoàng xuống hạ giới để cùng với tổ tiên gia chủ chứng giám nghi lễ, đồng thời là giải hạn cho người được mừng thọ. Vì thế, lễ này hội tụ cả 2 yếu tố: giải hạn và mừng thọ. Thầy cũng thường khấn rằng:

Tôi là con Diều hâu, tôi nghe tin ở đây có người già yếu, tôi về đây đi lấy hồn, lấy vía của người này còn thất lạc ở trên trời về.
Tôi là con Hổ, tôi nghe tin ở đây có người già yếu, tôi về đây đi lấy hồn, lấy vía của người này còn thất lạc ở trong rừng về.
Tôi là con Ngựa, tôi nghe tin ở đây có người già yếu, tôi về đây đi lấy hồn, lấy vía của người này còn thất lạc ở trên đường về.
Tôi là con Rồng, tôi nghe tin ở đây có người già yếu, tôi về đây đi lấy hồn, lấy vía của người này còn thất lạc ở dưới nước về.

Chờ để được làm thủ tục cấp sắc.

2. Ngược với lễ mừng thọ dành cho người cao tuổi, thì lễ cấp sắc của người Dao đỏ lại dành cho thanh niên khi công nhận là trưởng thành. Với bà con người Dao đỏ ở Văn Chấn (Yên Bái), lễ cấp sắc được coi như một nghi thức thiêng liêng quan trọng trong cuộc đời một con người.

Lễ thường được tổ chức vào tháng 11, tháng 12 hoặc tháng Giêng hàng năm. Theo quan niệm truyền thống, bất cứ người con trai nào cũng phải qua lễ cấp sắc thì mới được coi là trưởng thành, mới trở thành người lớn. Do vậy, bất cứ người đàn ông Dao nào cũng phải làm lễ cấp sắc.

Vào đầu lễ, người ta tiến hành khai đàn để báo cáo tổ tiên biết lý do, sau đó là dâng đèn thông báo tên tuổi của người được cấp sắc cùng nhiều nghi thức khác, được tiến hành tuần tự, hòa theo nhịp điệu của tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng kèn… Người tham dự lễ bao giờ cũng ăn mặc đầy màu sắc, rất rực rỡ, lộng lẫy.

Trong nghi thức cúng tế của lễ cấp sắc, không bao giờ thiếu những tấm giấy dó để các thầy cúng viết chữ, vẽ tranh treo trong nhà hay ghi các câu bùa chú, ghi tên của người đàn ông được tham dự lễ cấp sắc, nhằm kính cáo với tổ tiên và các đấng siêu nhiên. Giấy dó được chọn lựa kĩ, làm theo phương thức thủ công, phải đạt được độ dai, nhẹ, xốp lại có mùi thơm thoang thoảng.

Sau lễ, bao giờ người ta cũng tổ chức ăn uống. Ẩm thực của đồng bào Dao đỏ cũng rất độc dáo, dù rằng thực phẩm chủ yếu là sẵn có nơi họ sống nhưng được chế biến khá cầu kỳ. Trong đó có thể kể đến món xôi ngũ sắc, gà xào gừng, nghệ, thịt lợn hầm đu đủ, cá suối nướng, khoai sọ, canh rau dớn, rau bò khai xào...

Nghi thức trong lễ mừng thọ.

Nhân đây, cũng xin được giới thiệu sơ lược lễ cấp sắc của bà con người Sán Chỉ xóm Khuổi Tặc (xã Hưng Đạo, huyện Bảo Lạc, Cao Bằng). Khi cháu trai lên 12 tuổi là đã có thể được thụ lễ. Trong lễ này, một vật dụng rất quan trọng là khăn “Lập Pẹ”, dài chừng một sải tay, dùng để buộc nối người thụ lễ với thầy cúng.

Lễ cấp sắc quả thật là ngày hội của thôn bản, không khí rất vui vẻ, trong lễ bà con cùng nhau múa điệu “Tành xanh”. Khi điệu múa kết thúc, thiếu niên được tranh nhau lấy bánh nếp nhân đường còn nóng trong chõ. Múa Tành xanh là vũ điệu dân gian gắn với sinh hoạt, lao động của nghề nông. Màn đầu mô tả việc đi tìm đất, đắp mương đưa nước về làm ruộng. Tiếp đó là phần múa phát rẫy, cày bừa, nhổ mạ, cấy lúa. Cuối cùng là gặt lúa, gánh lúa về nhà, xay giã gạo… làm ra bánh dâng lên tổ tiên và các thánh thần...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hai nghi lễ quan trọng của người Dao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO