Hậu Giang: Tạo điểm tựa cho những hoàn cảnh khó khăn

Nguyễn Văn Thành 06/07/2015 11:31

Nhiều năm qua, công tác chăm lo đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn cũng như thoát nghèo được Hậu Giang quan tâm, với nhiều giải pháp cụ thể, đem lại hiệu quả cao, bền vững. Từ đó, các đối tượng thuộc các khu vực này đã có điều kiện nền tảng vươn lên trong cuộc sống, đem lại sự phát triển tốt đẹp chung cho toàn tỉnh.

Hậu Giang: Tạo điểm tựa cho những hoàn cảnh khó khăn

Chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang)

Công tác chăm lo cho các đối tượng bảo trợ xã hội tại Hậu Giang đã được tiến hành thường xuyên, liên tục trong suốt thời gian qua. Tại huyện Long Mỹ, gia đình ông Phạm Văn Phủ (ở ấp 1, xã Thuận Hòa)- một trong những gia đình nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin có thể coi là ví dụ điển hình về việc được hỗ trợ, từ đó vươn lên ổn định cuộc sống. 2 trong số 4 người con của vợ chồng ông Phủ bị ảnh hưởng chất độc da cam, cuộc sống gia đình rất khó khăn. Kể từ năm 2012, gia đình ông đã được hỗ trợ 4 con heo giống và chi phí thức ăn cho đợt nuôi, tương đương 20 triệu đồng. Kể từ đó, nguồn sống của gia đình tốt hơn. Nói như bà Lữ Thị Tư, vợ ông Phủ, thì từ nguồn hỗ trợ ấy mà gia đình bà đã vượt qua khó khăn, vui mừng khôn xiết. Hiện nay, ngoài chăn nuôi heo, gia đình ông Phủ còn canh tác 3 công ruộng, kinh tế gia đình đã ổn định.

Tương tự, gia đình bà Huỳnh Ngọc Ngoan (khu vực 2, phường V, TP Vị Thanh) cũng đã nhận được sự hỗ trợ quý báu: Đó là một căn nhà tình thương được cất từ năm 2014. Con gái bà Ngoan bị tật từ nhỏ, vì thế bà không thể đi làm, mọi chi tiêu trong gia đình đến từ việc làm thuê của chồng bà là ông Phan Thanh Tuấn. Cháu bé tàn tật cũng được hỗ trợ một chiếc xe lăn (từ năm 2012) nên tuy rằng cuộc sống gia đình vẫn nhiều khó khăn nhưng niềm vui cũng đã được nhóm lên.

Hậu Giang hiện có 24.478 đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp thường xuyên. Với tấm lòng và tinh thần trách nhiệm, những người làm công tác bảo trợ xã hội của tỉnh luôn đi sát các đối tượng, nhằm thực hiện đầy đủ các chính sách đối với họ, như: cấp phát thẻ bảo hiểm y tế, cấp phát tiền trợ cấp hàng tháng, chúc thọ mừng thọ người cao tuổi, hỗ trợ sửa chữa nhà tình thương, thực hiện giáo dục hòa nhập… Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hậu Giang cũng tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, kêu gọi sự giúp đỡ ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… nhằm chăm lo tốt hơn cho các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội. Từ đó, nhiều gia đình thuộc diện này đã có lực đẩy, có chỗ dựa, nỗ lực hơn trong việc vươn lên chiến thắng hoàn cảnh. Đó không chỉ là nguồn lực vật chất mà còn là động lực tinh thần vô cùng cần thiết.

Riêng với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, Hậu Giang chú trọng giải pháp xây dựng và nhân rộng các mô hình trợ giúp dựa vào cộng đồng, với trọng tâm là hỗ trợ dạy nghề cho thanh, thiếu niên một cách thiết thực. Năm nào cũng vậy, nhiều suất học bổng, suất quà được trao tận tay các em. Bên cạnh đó là việc hỗ trợ dụng cụ học tập, xe đạp… để các em vui bước tới trường. Riêng với những em dưới 18 tuổi vì lý do nào đó không thể đến trường, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kết hợp với địa phương hỗ trợ kinh phí để các em học nghề. Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB,XH, tuy rằng số các em này được học nghề chưa nhiều nhưng chất lượng là khá tốt, nhiều em đã tự nuôi sống bản thân với nghề mình được trang bị.

Hậu Giang luôn nhắm tới mục tiêu tất cả trẻ em đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục. Mới đây, tỉnh vừa chi hơn 780 triệu đồng để tiếp tục thực hiện Chương trình quốc gia bảo vệ chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh năm 2015, trung vào 4 dự án: truyền thông, giáo dục, vận động xã hội; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em; xây dựng và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; và xây dựng và nhân rộng mô hình hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hậu Giang: Tạo điểm tựa cho những hoàn cảnh khó khăn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO