Hồ tiêu xuống giá: Hệ lụy từ phát triển ồ ạt

Quang Huy 12/07/2017 09:10

Hiện giá tiêu hạt trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên liên tục giảm sâu, chỉ còn 80.000 - 82.000 đồng/kg, giảm từ 1.000 - 3.000 đồng/kg so với ngày trước đó và giảm 143.000 đồng/kg so với năm 2014. Đây là mức thấp nhất trong vòng 7 năm trở lại đây. Giá tiêu giảm sâu đã khiến nhiều nông hộ trồng tiêu ở vùng Tây Nguyên điêu đứng.

Giá hồ tiêu giảm sâu, bà con lao đao.

Mặc dù giá tiêu hạt giảm mạnh nhưng các hộ đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên vẫn mở rộng diện tích cây hồ tiêu. Gia đình bà Nguyễn Thị Đô, ở xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song (Đắk Nông) buồn rầu cho biết, mấy năm trước đây thấy nhiều gia đình trong xã chỉ qua vài vụ tiêu đã trở thành tỷ phú nên gia đình dồn hết vốn liếng, vay thêm ngân hàng 4 tỷ đồng để đầu tư trồng mới 10 ha tiêu (1 ha đầu tư trồng mới từ 350 đến 500 triệu đồng).

Theo tính toán ban đầu, với giá hồ tiêu từ 150.000 - 200.000 đồng/kg, chỉ cần sau 3 vụ, diện tích hồ tiêu hiện có cho thu hoạch thì không những trả hết nợ vay ngân hàng mà còn có lãi mỗi năm hàng tỷ đồng.

“Thế nhưng, trong vài năm trở lại đây, giá tiêu hạt liên tục lao dốc, gia đình bà như ngồi trên “đống lửa”, không biết bao giờ mới thu hồi lại vốn, nhất là phải lo trả cho ngân hàng. Nếu giá hồ tiêu không tăng thì có khả năng gia đình đành bán bớt đất để trả cho ngân hàng”, bà Đô ngậm ngùi nói.

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, giá tiêu hạt liên tục tăng cao trong nhiều năm, có lúc tăng lên 230.000 đồng/kg và lợi nhuận cao gấp 3, gấp 4 lần so với trồng cà phê, điều… Do đó, các nông hộ ở vùng Tây Nguyên bất chấp khuyến cáo của địa phương, ngành chức năng ồ ạt mở rộng diện tích cây hồ tiêu không theo quy hoạch, kế hoạch làm cho nguồn cung dư thừa góp phần làm cho hồ tiêu rớt giá.

Thậm chí, do chạy theo phong trào, nhiều nông hộ vùng Tây Nguyên còn đưa cây hồ tiêu vào trồng trên những chân đất không thích hợp và đất trũng nên dễ bị ngập úng, chua phèn, nghèo dinh dưỡng. Các nông hộ còn phá bỏ diện tích cà phê già cỗi chuyển sang trồng tiêu mà không xử lý mầm bệnh cũng như cải tạo đất nên chỉ trong thời gian ngắn cây hồ tiêu nhiễm bệnh chết hàng loạt…

Theo quy hoạch đến năm 2020, các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông mỗi tỉnh mở rộng diện tích cây hồ tiêu tăng lên 6.000 ha. Thế nhưng, hiện các tỉnh này đều vượt xa so với kế hoạch. Cụ thể, Đắk Lắk đã có diện tích cây hồ tiêu gần 28.000 ha, Đắk Nông có gần 25.000 ha và tỉnh Gia Lai có 15.697 ha…

Mặt khác, có hộ còn sử dụng các giống tiêu không rõ nguồn gốc, không chọn lọc, đã bị nhiễm bệnh đưa vào trồng đại trà gây nên tình trạng tiêu bị dịch bệnh chết hàng loạt hoặc năng suất thấp gây thiệt hại lớn…

Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã đề nghị các tỉnh khu vực này sớm rà soát lại quy hoạch và quản lý thực hiện sản xuất hồ tiêu theo đúng kế hoạch của từng địa phương, từng vùng. Đặc biệt, cần xây dựng thương hiệu hồ tiêu Tây Nguyên hoặc hồ tiêu từng vùng.

Từng địa phương nên nhân rộng các mô hình liên kết giữa các nông hộ trồng tiêu với các doanh nghiệp, nhà khoa học…nhằm góp phần phát triển bền vững ngành hồ tiêu Tây Nguyên.

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay các tỉnh Tây Nguyên đã có diện tích cây hồ tiêu tăng lên trên 71.000 ha; trong đó, trồng mới của năm 2016 trên 14.400 ha. 5 tỉnh trong khu vực (Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng) đều có diện tích cây hồ tiêu vượt khá xa quy hoạch…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hồ tiêu xuống giá: Hệ lụy từ phát triển ồ ạt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO