Khi chính quyền vào cuộc

Nguyễn Văn Huy (Tổng hợp) 23/12/2019 08:00

Để thoát nghèo, người dân nỗ lực hết sức mình. Tuy nhiên, sự vào cuộc, chung tay của chính quyền địa phương là hết sức quan trọng. Đó chính là chỗ dựa chắc chắn cho người dân. Những năm qua, nhiều nơi đã làm tốt việc đó, giúp người dân thoát nghèo.

Khi chính quyền vào cuộc

Phát triển chăn nuôi bò là hướng mở cho xóa đói giảm nghèo ở Mường Đăng (Điện Biên).

Tại Thừa Thiên-Huế, đời sống bà con vùng cao còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, được sự giúp đỡ tận tình của chính quyền các cấp, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, vươn lên khá giả.

A Lưới là huyện nghèo bậc nhất tỉnh Thừa Thiên-Huế. Nhưng với nhiều chương trình, chính sách, hình thức hoạt động, các cấp, các ngành huyện A Lưới đã thiết thực đồng hành cùng người nghèo. Tại thôn Quảng Ngạn, xã Sơn Thủy, bằng nhiều nỗ lực, tới nay cuộc sống của bà con đã có nhiều thay đổi. Đáng chú ý, hoạt động của Hội Nông dân xã là rất tích cực, nhất là trong việc vốn vay của bà con để phát triển sản xuất. Cùng với xã Sơn Thủy, các xã Phú Vinh, Hương Phong, A Ngo, Đông Sơn… cũng có nhiều thành tích trong công tác giảm nghèo. Cùng với chính quyền địa phương, các tổ chức Hội Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh của các xã tích cực hỗ trợ, khuyến khích hộ nghèo mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, du nhập các ngành nghề và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Theo bà con, nguồn vốn đầu tư được tạo điều kiện cho vay thuận lợi, quy trình sản xuất, hoạch toán kinh doanh được cán bộ Hội Nông dân và khuyến nông viên hướng dẫn đầy đủ, nên bà con đã mạnh dạn đầu tư mô hình chăn nuôi, nhiều hộ mở cửa hàng kinh doanh tạp hóa. Từ đó dần dần thoát nghèo một cách vững chắc.

Được biết, 4 năm qua, đã có hơn 4.300 lượt hộ nghèo huyện A Lưới được chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ cây, con giống, phân bón phục vụ sản xuất, hướng dẫn cách làm ăn; hơn 6.800 lượt hộ nghèo, cận nghèo được đào tạo nghề và giới thiệu việc làm. Chỉ tính riêng chương trình cho vay vốn đối với hộ nghèo, 9 tháng đầu năm nay, trên địa bàn huyện đã giải ngân cho gần 400 hộ vay với số tiền trên 14 tỷ đồng, đáp ứng kịp thời để bà con phát triển sản xuất. Từ nguồn vốn chính sách xã hội, huyện đã hỗ trợ cho trên 250 hộ gia đình có nhu cầu vay vốn để xây dựng công trình nước sạch và nhà vệ sinh, giải quyết cho gần 170 hộ gia đình được vay vốn để tạo việc làm cho lao động trên địa bàn.

Hiện thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ở A Lưới đạt gần 20 triệu đồng/năm, tăng 2,26 triệu đồng/người/năm so với năm 2016. Số hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2016-2019 từ 35,04% đến nay còn 21,5%.

Còn tại huyện Thông Nông (tỉnh Cao Bằng), nhiều năm qua chính quyền cũng đã cùng người dân vào cuộc, quyết tâm xóa đói giảm nghèo. Thông Nông là một trong những huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Cao Bằng, nằm trong nhóm 62 huyện nghèo nhất cả nước. Thời gian qua, nhờ chủ trương đầu tư đúng đắn của Chính phủ, sự chung tay, góp sức của cộng đồng quốc tế đã góp phần nâng cao trình độ dân trí và nhận thức của người dân, thúc đẩy các giải pháp sinh kế nông nghiệp bền vững. Nhờ có các dự án triển khai mà người dân địa phương đã đồng tâm hiệp lực, chung tay xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng như xây dựng đường bê tông, nhà văn hóa…, từ đó vươn lên thoát nghèo và cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thôn Cốc Cuổi (xã Đa Thông) là một trong những điển hình về thay đổi cuộc sống. Từ một thôn rất nghèo, khi dự án được triển khai, đến nay về cơ bản các hộ trong thôn đã thoát nghèo. Giống như ở thôn Cốc Cuổi, thôn Lũng Lừa (cũng ở xã Đa Thông), bà con đã mạnh dạn phát triển các mô hình kinh tế, bắt đầu tù việc tham gia các câu lạc bộ, sinh hoạt mỗi tháng 2 lần. Tại đây, bà con được hướng dẫn cách làm ăn mới, được cùng nhau chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm làm kinh tế gia đình. Từ đó đã tìm ra lối đi cho chính mình, từng bước vươn lên thoát nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi chính quyền vào cuộc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO