Lễ hội của người Khmer Nam Bộ

Miên Thảo  (Tổng hợp) 29/05/2016 13:45

Đồng bào Khmer Nam Bộ có nền văn hóa giàu bản sắc, được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Trong nền văn hóa ấy, lễ hội nổi lên như một điểm nhấn. Tại lễ hội của bà con Khmer Nam Bộ, người ta cảm nhận được rất nhiều khía cạnh khác nhau, và trên hết đó là sự cuốn hút khó cưỡng.

Lễ hội của người Khmer Nam Bộ

Thả đèn trong lễ hội Ok Om-bok.

1. Lễ Chol Chnam Thmey là Tết cổ truyền của người Khmer Nam Bộ. Đó là những ngày thật tưng bừng được diễn ra tại chùa và các phum sóc. Trong tiếng Khmer, “Chol Chnam Thmay” có nghĩa là “Mừng năm mới”.

Chol Chnam Thmay diễn ra vào giữa tháng 4 dương lịch. Lúc ấy, bà con dù đi đâu xa hoặc bận công việc làm ăn thì cũng đều về nhà, về phum sóc để dự lễ. Những ngày ấy, người ta đến nhà nhau thăm hỏi sức khỏe, chúc gặp may mắn và sức khỏe. Còn trong từng gia đình, bao giờ cũng được trang trí đẹp mắt, dọn dẹp sạch sẽ. Người người mua sắm lễ vật nhang đèn và hoa quả. Nhiều mâm lễ được đội vào chùa để làm lễ đón năm mới.

Lễ hội Chol Chnam Thmay diễn ra tong 3 ngày 14, 15 và 16 - 4, sau khi mùa màng thu hoạch. Tết này cũng có nghĩa là mở đầu cho một thời vụ mới. Trong ngày đầu của Lễ, các thành viên trong gia đình quây quần bên bàn thờ tổ tiên cúng vái tiễn Thần coi sóc cũ, đón Thần coi sóc mới.

Lễ hội của người Khmer Nam Bộ - 1

Vũ điệu Khmer.

Ngày thứ hai có tục “đắp núi cát”, mang ý nghĩa ngăn trở ma quỷ và những điều xấu, đồng thời nhắc nhở mọi người không ngừng tạo phúc ngày một cao vời, lớn lao như núi. Còn trong ngày cuối cùng, bà con tiến hành lễ tắm Phật. Đây là lễ rất lớn và trang trọng. Bà con dùng những nhánh hoa nhúng vào nước sạch vẩy lên tượng Phật, sau đó tắm cho các vị sư cao niên, các ngôi tháp đựng hài cốt các vị sư đã viên tịch,… Nghi lễ này mang theo niềm tin rằng sẽ được Phật tha thứ cho những lỗi lầm thiếu sót trong năm cũ, ban nhiều sức khỏe, phum sóc yên ổn.

Trong lễ tết Chol Chnam Thmay, người ta tổ chức nhiều cuộc vui văn nghệ với các điệu dù kê, rô băm, múa lâm thôn,... tại sân chùa.

2. Lễ Ok Om-bok được diễn ra vào đầu tháng 12 dương lịch hàng năm, nhằm tưởng nhớ và tạ ơn Mặt Trăng vốn được người Khmer Nam Bộ coi như một vị thần vận hành mùa màng. Trong lễ, không thể thiếu món cốm dẹp cùng với các loại củ, trái cây. Như vậy, đây có thể được coi là một lễ hội mùa màng của cư ân nông nghiệp vùng sông nước. Trong lễ hội, người ta cũng tổ chức nhiều cuộc vui, trong đó có đua ghe ngo, thả đèn nước, đèn trời.

Lễ hội của người Khmer Nam Bộ - 2

Một nghi thức trong Lễ Nhập hạ.

Lễ Ok Om-bok thường diễn ra vào đêm rằm tháng 10 âm lịch, tại sân chùa, sân nhà, hoặc một khu đất trống nào đó để cho Mặt Trăng luôn tỏa sáng. Sau khi người già cũng xong, lũ trẻ được sắp hàng dọc, được người lớn đút thức cúng vào miệng, hết em này đến em khác. Như vậy, đứa trẻ đã nhận được lộc của thần Mặt Trăng.

Cũng cần nói thêm về tục thả đèn gió và đua ghe ngo được tổ chức trong Lễ Ok Om-bok. Có 2 loại đèn: vuông và tròn, nhưng đèn tròn phổ biến hơn. Trong đêm, hàng chục chiếc đèn bay lên cao, người ta tin rằng những chiếc đèn đã mang đi tai ương, rủi ro bất trắc để phum sóc yên bình.

Còn cuộc đua ghe Ngo chính là môn thể thao dân gian truyền thống của bà con Khmer Nam Bộ. Mỗi ghe đua thường có 46 - 60 người chèo, thể hiện sức mạnh, sự dẻo dai và tinh thần thượng võ của đồng bào. Người ta đua ghe ngo không phải vì giá trị tiền thưởng mà vì danh dự và vinh quang của phum sóc.

3. Với đồng bào Khmer Nam Bộ, Lễ Nhập hạ cũng vô cùng quan trọng. Cứ đến ngày 15-6 âm lịch hàng năm, bà con lại tổ chức Lễ Nhập hạ, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, gia đình yên vui hạnh phúc. Lễ này cũng là dịp để bà con dâng các vật dụng sinh hoạt cho các chư tăng tại chùa.

Lễ Nhập hạ gồm 2 ngày chính. Ngày thứ nhất diễn ra vào buổi chiều, bà con sẽ đem lễ vật đến chùa để làm lễ. Người ta thắp những cây nến rất lớn trong chùa, những ngôi chùa trở nên lung linh huyền ảo. Ngày thứ hai, bà con đem cơm, nước, gạo... đến chùa dâng lên sư sãi để cầu siêu cho người quá cố và cầu bình an, hạnh phúc cho phum sóc.

Lễ hội của người Khmer Nam Bộ - 3

Đua bò ở Bảy Núi (An Giang).

Lễ Nhập hạ diễn ra trong 3 tháng (từ ngày 15-6 đến 15-9 âm lịch), đây cũng là thời điểm mùa mưa, thuận lợi cho việc gieo trồng và cày cấy. Đây cũng được coi là lễ thuần nông gắn với tư tưởng Phật giáo, phù hợp với cuộc sống truyền thống của người Khmer Nam Bộ.

4. Với lễ Dolta, bà con thường tổ chức vào ngày 29 - 8 âm lịch hàng năm, là lễ hội thể hiện rất rõ nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Khmer Nam Bộ.

Dolta còn được gọi là lễ cúng ông bà, tương tự như lễ Vu Lan của người Việt nên còn được gọi là lễ “xá tội vong nhân”. Lễ là dịp để mọi người tưởng nhớ công ơn ông bà, cha mẹ và người thân, tạ ơn những người đã khuất và cầu phúc cho những người đang sống.

Lễ Dolta được tổ chức trong 3 ngày, trong thời gian đó các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục, tập quán diễn ra đan xen. Ngày thứ nhất, là dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ tổ tiên và bày mâm cúng, khấn ông bà tổ tiên về dự lễ. Ngày thứ hai, mời linh hồn ông bà tổ tiên vào chùa nghe sư sãi tụng kinh, đến trưa thì đưa linh hồn ông bà về nhà. Ngày thứ ba, nhiều nhà mời bà con lối xóm, sư sãi đến nhà tụng niệm. Đến chiều tối, các hoạt động vui chơi, văn nghệ được tổ chức.

Trong lễ Dolta, hội đua bò là điểm nhấn đặc biệt thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Cũng giống như đua ghe ngo, người ta không tính nhiều đến giá trị tiền thưởng, mà coi trọng vinh dự khi cặp bò của mình thắng cuộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lễ hội của người Khmer Nam Bộ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO