Mặt trận giúp dân thoát nghèo

Ngọc Ba 19/06/2017 08:10

Cùng với sự quan tâm giúp đỡ của Nhà nước; các phong trào, các cuộc vận động từ các đoàn thể- xã hội; sự giúp đỡ của cộng đồng và nỗ lực vươn lên của chính hộ nghèo, công tác xóa đói, giảm nghèo ở huyện Ba Bể (Bắc Kạn) thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. Trong đó, không thể không nói đến vai trò của MTTQ các cấp trong huyện, những người cán bộ luôn gần dân, sát dân và lắng nghe dân.

Nhờ phát huy thế mạnh về chăn nuôi, trồng trọt, đời sống của người dân ở Ba Bể đang từng bước thoát nghèo.

Những mô hình kinh tế thoát nghèo

Mặc dù có tiềm năng phát triển về kinh tế, du lịch nhưng đến nay Ba Bể vẫn là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh Bắc Kạn. Chính vì vậy, các giải pháp giảm nghèo nhanh, bền vững luôn được tỉnh, huyện quan tâm. Trong đó, nhiều mô hình phát triển kinh tế có sự hỗ trợ, đầu tư của nhà nước đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo, nâng cao mức sống của người dân.

Điển hình trong có thể kể đến là những mô hình chăn nuôi và trồng trọt của hợp tác xã Phương Đức ở Bản Mới, xã Hà Hiệu. Có lợi thế là đồng đất rộng, nguồn nước tưới, các thành viên trong HTX đã liên kết, hợp tác trong trồng trọt, chăn nuôi. Từ những hộ gia đình khó khăn, đến nay nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất, 12 gia đình là thành viên HTX Phương Đức đều đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Theo ông Chu Đức Phương, Chủ nhiệm HTX Phương Đức thì sản xuất theo mô hình HTX hơn hẳn cách thức chăn nuôi theo hộ gia đình đó là: Giảm chi phí về vật tư, thức ăn chăn nuôi, sản lượng hàng hóa cao hơn, ổn định về đầu ra. Nguồn thu nhập của người dân cao hơn hẳn.

Một yếu tố để các mô hình kinh tế tập thể ở huyện Ba Bể thành công đó chính là biết nắm bắt nhu cầu thị trường. Trong khi nhiều nơi, rau bẩn, thực phẩm bẩn khiến người tiêu dùng hoang mang lo lắng, thì việc chọn sản xuất thực phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn là hướng đi đúng, trúng của các HTX ở Ba Bể.

Gà đồi ở Bản Mới, bí xanh, hồng không hạt của huyện Ba Bể trở thành hàng hóa có sức cạnh tranh bằng thương hiệu với số lượng lớn, được người tiêu dùng ưa chuộng. Những mô hình kinh tế này đã giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định, thoát nghèo.

Cùng với đó, nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính Phủ; Chương trình 134, 135; Chương trình dự án quan hệ đối tác vì người nghèo trong phát triển Nông - Lâm nghiệp, gọi tắt là dự án 3PAD; Chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, huyện Ba Bể đã đầu tư, xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, hỗ trợ, giúp người dân triển khai, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế.

Sự đồng hành của Mặt trận

Bên cạnh những mô hình phát triển kinh tế có sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước đã và đang phát huy hiệu quả, MTTQ các cấp trên địa bàn huyện Ba Bể cũng luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội làm tốt công tác xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Không chỉ phát huy vai trò nòng cốt giúp người dân ổn định đời sống, phát triển kinh tế, MTTQ các cấp huyện Ba Bể luôn đa dạng hóa các hình thức tập hợp, phát huy vai trò của các tổ chức thành viên, Ban công tác Mặt trận, già làng, trưởng thôn, bản, người có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; thực hiện hương ước, quy ước thôn, bản.

Triển khai thực hiện những chủ trương chính sách dân tộc và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn nhằm chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào và đảm bảo các lợi ích chính đáng của các dân tộc thiểu số.

An cư mới lạc nghiệp, để giúp người nghèo thoát nghèo bền vững, 5 năm qua, từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương MTTQ Việt Nam, MTTQ tỉnh, các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm MTTQ huyện đã hỗ trợ xây dựng được 421 ngôi nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo và gia đình chính sách, sửa chữa 28 nhà tình nghĩa, hỗ trợ làm nhà theo Chương trình 167 của Thủ tướng Chính phủ được 419 nhà cho hộ nghèo. Những ngôi nhà được dựng lên đã giúp người nghèo ổn định cuộc sống và tập trung làm kinh tế để thoát nghèo.

Bà Đỗ Thị Láng – Chủ tịch MTTQ huyện Ba Bể chia sẻ: “Những căn nhà Đại đoàn kết mà Ủy ban MTTQ huyện là cầu nối giúp cho các hộ nghèo đã thể hiện tinh thần đoàn kết, sự tương thân tương ái. Về chất lượng của những ngôi nhà thì rất bảo đảm, chắc chắn được gia đình, xã hội đánh giá rất cao. Nhiều hộ nghèo sau khi được tặng nhà đã yên tâm lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo và giúp đỡ những hộ còn khó khăn hơn mình.

Thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh MTTQ các cấp đã nỗ lực tuyên truyền, vận động nhân dân làm kinh tế, tham gia đóng góp về vật chất và ngày công để xây dựng đường, trường, trạm giúp cho bộ mặt thôn bản ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn.

Điển hình như Chu Hương là xã nằm ở phía Nam của huyện Ba Bể với 19 thôn, bản gồm 3 dân tộc Kinh, Tày, Dao cùng sinh sống, nghề nghiệp chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp. Thực hiện cuộc vận động do MTTQ phát động, người dân trong xã luôn nâng cao ý thức trong việc phát triển kinh tế gia đình, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong lao động, sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tăng thu nhập như: Mô hình trồng hồng không hạt, đào ao thả cá thu nhập 50-60 triệu đồng/năm; nhân rộng mô hình nuôi vịt siêu trứng, gà thả vườn cho thu nhập cao...Đời sống kinh tế phát triển, bà con càng tự giác hơn trong việc thực hiện các cuộc vận động, phong trào do MTTQ các cấp phát động.

Bà Đỗ Thị Láng chia sẻ thêm: “MTTQ huyện luôn đa dạng hóa các hình thức tập hợp, chủ động tuyên truyền các tầng lớp nhân dân cùng nhau đoàn kết, hăng hái thi đua lao động sản xuất thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ chủ trì và tổ chức thực hiện thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Đặc biệt, mô hình khu dân cư 3 không “Không tội phạm, không ma túy, không tệ nạn xã hội” tại thôn Nà Mô 2, Đon Dài, Bản Mới, Nà Ché, thôn Tẩn Lượt và thôn Nặm Cắm do MTTQ huyện làm điểm đã phát huy hiệu quả rất tích cực, góp phần đem lại hiệu quả thiết thực”.

Cùng với việc vận động nhân dân thực hiện tốt các phong trào, cuộc vận động, MTTQ huyện Ba Bể còn làm tốt công tác phối hợp với chính quyền các cấp, già làng, trưởng thôn bản, người có uy tín tiêu biểu tham gia phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, đặc biệt trong việc cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người phạm tội ở tại gia đình và cộng đồng dân cư, MTTQ vận động nhân dân tích cực phối hợp với lực lượng vũ trang tuần tra, kiểm soát phòng chống đấu tranh với các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, chia rẽ khối đại đoàn kết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mặt trận giúp dân thoát nghèo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO