Mùa nước nổi

Quang Minh 17/08/2017 14:20

'Hai năm rồi không có lũ, nhiều người dân miền Tây như tụi tui thất thu đủ bề. Ngoài sản lượng thủy sản dồi dào, mùa nước nổi cũng là lúc kênh rạch, đồng ruộng đầy những súng, rau nhút, bông điên điển, lục bình mang lại nguồn thu đáng kể cho bà con nông dân' - ông Năm, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp chia sẻ về nỗi mong ngóng mùa nước nổi, khi mà mực nước sông ở ĐBSCL đang lên cao.

Đánh bắt cá linh.

Mưu sinh mùa nước nổi
Cũng theo lời ông Năm, lũ đẹp phải là khi nước sông lên ở mức BĐ3 và trên BĐ3, có nghĩa là mực nước lũ phải trong khoảng 3,8 - 4m. Khi đó nước về nhiều, mang theo phù sa bồi đắp cho đồng bằng, tôm cá tự nhiên nhiều tạo thêm sinh kế cho người dân mùa lũ.

Kinh nghiệm của những người dân ĐBSCL, “tháng bảy nước nhảy khỏi bờ”. Bắt đầu từ ngày rằm tháng 7 âm lịch hàng năm, nước lũ từ thượng nguồn sông Me Kong ở Campuchia đổ về miền Tây, qua An Giang, Đồng Tháp, men theo kênh rạch, lấn ra sông Cửu Long rồi xối thẳng ra biển. Thời điểm nước về cũng là lúc thiên nhiên hào phóng gửi tặng người dân miền Tây nhiều sản vật như chuột đồng, ếch, cá, tôm, điên điển…trong đó, nhiều nhất phải kể đến cá linh.

Con nước càng dâng cao, cá linh sẽ về càng nhiều. Ngày trước, cá linh nhiều đến nỗi chỉ cần dùng vợt lớn xúc ngược dòng nước cũng đủ ăn vài bữa. Bởi thế, người dân miền Tây thường ví “nhiều như cá linh”. Theo ông Năm, cá linh đẻ trứng từ biển Hồ (Campuchia) rồi theo dòng nước đổ xuống từ thượng nguồn dòng Me Kong. Tên cá linh do vua chúa ngày xưa đặt để bày tỏ niềm cảm kích với loài cá báo tin lũ cho người dân vùng sông nước.

Ngoài lưới đáy, phương tiện thông dụng nhất để săn cá linh là dớn hay đú, loại lưới cước có chiều dài từ 100-150m, được đặt trên những cánh đồng trong mùa lũ. Những hộ gia đình không đủ điều kiện sắm lưới đáy hay dớn thì trang bị những tay lưới, câu với chiếc xuồng cũng có thể đánh bắt được loài cá này. Hiện cá linh đầu mùa có giá 240.000 -250.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con nông dân.

Cá linh được chế biến ra nhiều món ăn mang đậm hương vị miền Tây. Trong đó, cá linh đầu mùa được xem là ngon, ngọt thịt nhất, chỉ bé như đầu đũa nên người dân gọi là cá linh non hay cá linh sữa, xương mềm, béo ngậy. Cuối mùa cá đã lớn bằng ngón tay cái, trở thành những món ăn đặc sản với lẩu cá linh, cá linh kho nước dừa, nấu chua… Ngon nhất vẫn là cá linh kho nước cốt dừa, vị béo ngậy của cá quyện với vị thơm ngọt của dừa khiến món ăn này vô cùng hấp dẫn.

Cá linh mùa nước nổi.

Tín hiệu lạc quan
Đến thời điểm này có thể nói, những cư dân ở vùng ven biển các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang…có thể thở phào khi không phải đối diện với hạn mặn khốc liệt như mùa khô năm 2016 khiến cuộc sống của họ lao đao, khốn khó. Những cơn mưa liên tục, lượng nước từ sông Mê Kông đổ về cao hơn những năm trước đã đẩy lùi nỗi lo hạn – mặn của cư dân.

Tại An Giang hiện mực nước trên sông Tiền hiện đạt mức 2,33m, trên sông Hậu tại Châu Đốc đạt 1,95m, cao hơn cùng kỳ năm ngoái từ 0,2 – 0,3 m. Dự báo, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên cao. Đây được xem là một tín hiệu lạc quan cho những người dân ở ĐBSCL đang ngóng con nước từ sông Mê Kông đổ về. An Giang là tỉnh thuần nông, người dân sống chủ yếu dựa vào đồng ruộng, vườn tược, ao cá. Mùa nước lũ tràn về cũng là lúc hàng ngàn hộ dân ở đây, đặc biệt là những gia đình nghèo, không đất, thiếu điều kiện sản xuất lại tất bật trên các cánh đồng đầy nước.

Hoa điên điển.

Những ngày qua, người dân đã bắt đầu đánh bắt các mẻ cá linh đầu mùa. Cùng lúc này điên điển trổ bông đã tạo ra món đặc sản, khoái khẩu mùa nước nổi cá linh kho lạc, kèm bông điên điển.

Thường Phước 1 (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) là một trong những xã nằm tiếp giáp biên giới với Campuchia. Theo lời người dân nơi đây, đất sản xuất lúa 3 vụ/năm đã bị bạc màu, nhiều người bỏ đất trống không làm lúa vụ 3, để chuẩn bị xả lũ đón con nước vào khu vực đê bao khép kín theo chủ trương của huyện Hồng Ngự. Bởi nước về sẽ rửa trôi và làm ngập chìm các nguồn sâu bệnh cho cây trồng nông nghiệp, cung cấp một lượng phù sa màu mỡ cho thổ nhưỡng trong toàn vùng.

Bắt đầu từ ngày rằm tháng 7 âm lịch hàng năm, nước lũ từ thượng nguồn sông Me Kong ở Campuchia đổ về miền Tây, qua An Giang, Đồng Tháp, men theo kênh rạch, lấn ra sông Cửu Long rồi xối thẳng ra biển. Thời điểm nước về cũng là lúc thiên nhiên hào phóng gửi tặng người dân miền Tây nhiều sản vật như chuột đồng, ếch, cá, tôm, điên điển… trong đó, nhiều nhất phải kể đến cá linh.


Người dân ĐBSCL đang ngóng từng con nước. Bởi mùa nước nổi những năm gần đây không còn mang nhiều sản vật cho những người dân sống bằng nghề đánh bắt thủy sản như những con nước ngày xưa nữa. Lũ cũng không còn nhiều như trước nữa. Những người làm nghề đánh bắt ở khắp miền Tây, cả Đồng Tháp, An Giang, Long An…phải ngược lên phía thượng nguồn để mưu sinh, vì vậy mà khu vực đầu nguồn nước sát biên giới Campuchia ở xứ Châu Đốc, An Giang đã thành nên những “xóm dớn”. Họ sống cùng với nhau, chia sẻ với nhau những sản vật của mùa nước nổi. Qua mùa nước lại trở về quê làm ruộng, làm vườn.

Người nông dân ĐBSCL đang mong ngóng một mùa lũ về, lũ tràn đồng để cung cấp thêm lượng phù sa cho đất, để nguồn thủy sản dồi dào và hoa súng, hoa điên điển đầy sông, tạo thêm nhiều sinh kế cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mùa nước nổi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO