Nà Khuổi chuyển mình

Nông Hương 03/03/2018 09:00

Nà Khuổi, theo tiếng người Tày ở Bắc Kạn là ruộng nước, vì là miền đất trù phú, có điều kiện để phát triển kinh tế. Ấy thế mà những năm về trước, do tập quán canh tác, do trình độ dân trí thấp, đặc biệt chưa có sự chú trọng của lãnh đạo nên đất này nghèo lắm.

Nà Khuổi chuyển mình

Nhiều hộ gia đình Nà Khuổi đã ngói hóa và làm nhà kiên cố.

Thế nhưng ngày nay, nếu có điều kiện quay trở lại, nhất là sau khi phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai, người ta đã cảm thấy rõ rệt sự chuyển mình đến nhanh chóng của người dân Nà Khuổi.

Xóa nghèo để nâng văn hóa

Ngày xưa, lên Bắc Kạn, rồi “đánh đường” vào huyện Ba Bể, rồi lên tiếp xã Thượng Giáo để vào Nà Khuổi người ta ngại lắm. Con đường vào cái huyện du lịch, nơi có quần thể hồ Ba Bể, Sông Năng, Ao Tiên, Núi An Mã, Pò Già Mải… khó đi. Đường lại càng vất vả hơn nếu tiếp tục chặng để lên Nà Khuổi. Đường sá xộc xệch, cua gấp liên hồi làm mọi người đều ái ngại. Và khi được tận mắt chứng kiến cuộc sống nghèo khó của người dân nơi đây thì người ta thấy nản vô cùng.

Lần lên này, khi đưa ra đề xuất tìm vào một nơi nghèo đói, nhưng nay đã có những “sức bật” ngoạn mục để viết bài phản ánh, chúng tôi được giới thiệu vào với Nà Khuổi. Đắn đo thì các lãnh đạo ở đây lên tiếng: Nà Khuổi nay đã khác hẳn với những ngày trước các anh vào.

Ngoài danh hiệu Làng văn hóa tiêu biểu cấp tỉnh đã giữ liên tục trong 8 năm nay, Nà Khuổi còn là một trong những nơi có tỷ lệ xóa nghèo nhanh nhất tỉnh. Đối chiếu với con số nghèo của toàn tỉnh trên 30%, ngay cả huyện Ba Bể tỷ lệ này còn 50% trong khi đó Nà Khuổi chỉ còn 13% thì đây là một điều quả thực hấp dẫn.

Kinh tế phát triển, con đường xộc xệch dạo nào vào với Nà Khuổi nay đã thực sự dễ đi. Bà Nông Thị Hẹ, trưởng thôn Nà Khuổi là người chúng tôi gặp đầu tiên. Khuôn mặt lam lũ một thời của bà trưởng thôn này đã có những nét rạng rỡ. Biết chúng tôi là người làm báo của Mặt trận, nơi khởi phát phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, nắm tay chúng tôi bà bịn rịn: Nhờ phong trào của Mặt trận, Nà Khuổi chúng tôi đã có những định hướng để đi lên.

Theo lời bà Hẹ, khi phong trào được triển khai, lãnh đạo ở đây đắn đo nhiều. Muốn xây dựng được đời sống văn hóa, trước tiên là phải xây dựng được đời sống vật chất vì hai cái này có liên kết găn bó với nhau. Xóa nghèo để nâng văn hóa đã được xác định. Nhờ sự hỗ trợ của các cấp ngành, mới đầu phong trào xóa nghèo được đưa ra với một nơi mà có lúc tỷ lệ đói nghèo lên đến quá 50% này cũng thật không dễ. Người dân hồ nghi lắm, vì lâu nay người ta đã quá quen với đói, với nghèo còn đủ ăn và giàu có là cái ở đâu rất xa.

Các phong trào nhỏ nằm trong tổng thể của một phong trào lớn “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được Nà Khuổi lựa chọn, lồng ghép đưa vào để phát triển kinh tế. “Lấy sức dân để tổ chức đời sống cho dân”, rồi “Người người lao động, nhà nhà sản xuất”… được đưa ra. Với sự hỗ trợ của ban ngành đặc biệt là cán bộ mặt trận các cấp, các lớp tập huấn, những mô hình phát triển kinh tế ở những vùng có điều kiện tự nhiên và xã hội tương tự như Nà Khuổi đã được đưa ra và chuyển đến với dân.

“Mưa dầm thấm lâu” cứ vận động, tuyên truyền và tập huấn như vậy, nhiều người dân trong thôn đã vỡ vạc được cái đầu, họ đã ý thức được cái nghèo và việc cần thoát nghèo của mình. Đồng tâm, hợp lực và hưởng ứng, đất đai được định hình, cái chân cái tay không được nghỉ nữa. Người này làm, người kia học và làm theo. Chiêm mùa đổi vụ, đất không được nghỉ, người không ngơi tay, năng xuất và tổng sản lượng lương thực được nâng lên trong từng năm. Khi “bụng ấm” người dân tìm đến các mô hình kinh tế lớn hơn để làm giầu.

Từ nghèo, sang khá, từ khá, sang giầu; từ kinh tế đến văn hóa, những logic của sự phát triển này đã nhanh chóng giúp cho Nà Khuổi chuyển biến nhanh chóng. Từ một vùng đất nghèo, nay Nà Khuổi đã bừng bừng những khí thế của một sự phát triển, nhiều mô hình kinh tế, nhiều hộ gia đình giầu có đã xuất hiện trong thôn.

Lên Nà Khuổi đợt này, với sự “đưa đường” của bà Hẹ, chúng tôi cũng đã gia đình Hoàng Văn Ngôn. Trước đây, cũng như các gia đình khác trong thôn, nhà anh Ngôn cũng là một hộ nghèo, sống chủ yếu vào các nguồn hỗ trợ. Ấy thế mà khi các phong trào được đưa ra, anh Ngôn đã hiểu, đã có “tự trọng” về cái nghèo của mình.

Anh Ngôn cùng gia đình lao vào sản xuất và phát triển kinh tế. Ngoài ruộng, nương, anh còn tìm đến với những mô hình kinh tế khác như trồng rừng, chăn nuôi gia súc. Hiện nay, ngoài việc no đủ cho gia đình mỗi năm anh còn bỏ ra được vài chục triệu đồng để làm vốn.

Nà Khuổi chuyển mình - 1

Luân canh và áp dụng khoa học kỹ thuật đã giúp tăng thu nhập cho người dân.

Thôn dẫn đầu

Đến Bắc Kạn, rồi vào Ba Bể, đâu đâu cũng thấy người ta đưa Nà Khuổi ra làm mô hình, làm niềm tự hào của một miền quê mới của thời kỳ mới. Kinh tế phát triển, đời sống văn hóa và xã hội ở Nà Khuổi cũng có những chuyển biến lớn lao. Từ một thôn mà nhiều năm về trước luôn được nhắc đến với những cái đói, cái nghèo là điển hình thì nay Nà Khuổi lại luôn được nhắc đến về sự vượt trội về phát triển kinh tế - xã hội và đời sống văn hóa của mình.

Kinh tế, văn hóa được nâng cao là tiền đề cho một sự ổn định về xã hội. Từ nghèo và “đuối” về văn hóa cũng như các công tác phong trào, đến nay Nà Khuổi luôn vinh dự được xếp vào diện làng văn hóa cấp tỉnh. Với 70 hộ, khoảng 300 nhân khẩu, phần lớn là diện đói nghèo những năm trước, nay Nà Khuổi chỉ còn 9 hộ nghèo, chiếm 13% thôn. 15 năm nay Nà Khuổi không có gia đình nào sinh con thứ 3 và nạn tảo hôn đã bị “tuyệt diệt” ở một vùng đất thuần đồng bào thiểu số sinh sống này.

Ngoài kinh tế, xã hội, văn hóa, Nà Khuổi còn là một thôn tiêu biểu của tỉnh Bắc Kạn về công tác giáo dục. Trong thôn, các trường mẫu giáo, trường học đã được xây dựng. Nhờ trường lớp và sự phát triển kinh tế nên 100% trẻ em trong độ tuổi đi học ở đây được cắp sách đến trường. Và Nà Khuổi càng chuyển mình hơn khi thôn nhỏ bé này đang có tới 15 thanh niên đang theo học đại học, cao đẳng và các trường chuyên nghiệp trong cả nước.

Kinh tế phát triển, người dân đủ ăn và có tích lũy đã giúp việc huy động sức dân những hiệu quả rõ rệt. Bằng việc tự nguyện đóng góp của dân trong mỗi năm mà đường làng, ngõ xóm ở đây đã được bê tông hóa. Hiện Nà Khuổi đã hết những con đường nhầy nhụa bùn đất vào mùa mưa cùng những mối nguy hại về vệ sinh. Đường làng, ngõ xóm đã phong quang, cùng với sức dân và sự đóng góp của dân, các công trình công cộng như bể nước, mương dẫn nước, nhà văn hóa cũng đã được bê tông hóa cơ bản. Nhờ một cuộc sống vệ sinh này mà lâu nay bệnh Nà Khuổi không còn phải đối mặt với bất cứ một dịch bệnh nào.

Dời Nà Khuổi, một miền nghèo khó dạo nào, trên đường về tôi nghĩ: Ở đâu đó, đói nghèo vẫn là căn bệnh không hướng giải thoát thì có lẽ Nà Khuổi sẽ là một trong những miền quê điển hình để học tập. Khi lòng dân, sức dân được huy động và “đánh thức” dưới sự quan tâm của các cấp lãnh đạo thì có lẽ đói nghèo không phải là cái khó tuyên chiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nà Khuổi chuyển mình

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO