Nghề dệt thổ cẩm

Văn Dân 12/04/2020 08:00

Đồng bào các dân tộc thiểu số có nhiều nghề truyền thống, trong đó có nghề dệt thổ cẩm. Từ lâu, thổ cẩm của bà con đã nức tiếng xa gần. Điều đó cho thấy tài năng, sự kiên nhẫn của bà con, nhất là các mẹ, các chị.

Nghề dệt thổ cẩm

Nghề dệt ở Lâm Bình (Tuyên Quang).

Cuối tháng 9/2019, tại Khu Bảo tồn văn hóa làng Teng (xã Ba Thành) UBND huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi đã công bố quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công nhận nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người H’rê xã Ba Thành là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Từ lâu đời, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào H’rê ở làng Teng đã tạo nên những sản phẩm phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày, như may trang phục váy, áo cho phụ nữ; khố, áo cho đàn ông; khăn đội đầu, tấm đắp, tấm địu con, túi đựng đồ dùng và các sản phẩm khác làm từ thổ cẩm, là những sản phẩm cần thiết cho sinh hoạt của các gia đình, giữ được nét văn hóa truyền thống và mang lại giá trị kinh tế cho các hộ gia đình làm nghề dệt này. Hoa văn trên đồ dệt thổ cẩm là họa tiết gắn liền với thiên nhiên, núi rừng, sông nước, cây cối, hoa lá và các hoa văn hình học cách điệu như những đường viền màu song song, hình tam giác cân hay các hình vuông được xếp cạnh nhau với màu sắc đen, đỏ, trắng làm chủ đạo. Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc H’rê được hình thành từ lâu đời, đến nay vẫn còn lưu giữ được nhiều giá trị truyền thống, mang đậm nét đặc trưng văn hóa của người H’rê.

Tại tỉnh Quảng Trị, dệt thổ cẩm cũng là một nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Pa Cô -Vân Kiều sống trên địa bàn huyện miền núi Đakrông. Nghề dệt thổ cẩm từ lâu đã gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của bà con nơi đây. Theo thời gian, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của huyện ngày càng nổi tiếng, được mọi người biết đến bởi nét độc đáo riêng.

Xã A Bung, huyện Đakrông được biết đến như “cái nôi” của ngành dệt truyền thống của đồng bào dân tộc Pa Cô. Những tấm thổ cẩm đầy màu sắc được dệt nên bằng sự cần mẫn, chăm chỉ của các mẹ, các chị, góp phần giữ gìn bản sắc riêng của người Pa Cô - Vân Kiều được truyền lại từ bao thế hệ cha ông. Theo tập quán, người con gái Pa Cô trước khi lấy chồng phải tự tay dệt được những tấm vải đẹp thì mới được đánh giá là người con gái giỏi giang. Đặc biệt, bộ váy cưới chính là kết tinh cao nhất khi người con gái Pa Cô gửi gắm tất cả tình yêu và sự hy vọng về một tương lai tốt đẹp. Chính vì vậy, nghề dệt thổ cẩm không chỉ đơn thuần là dệt ra những mảnh vải đẹp để dùng trong cuộc sống và sinh hoạt, nó còn chứa đựng cả linh hồn của người Pa Cô từ bao đời gửi gắm vào đó.

Trong Lễ hội Văn hóa - Thể thao - Du lịch các dân tộc huyện Đakrông, các gian hàng trưng bày nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Pa Cô - Vân Kiều luôn thu hút đông đảo người dân đến chiêm ngưỡng, mua sắm. Hiện nay, những bộ trang phục thổ cẩm truyền thống ngày càng xuất hiện nhiều trong các hội chợ khắp nơi không chỉ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, còn xuất hiện cả trong và ngoài nước. Được biết, huyện Đakrông có 3 xã chuyên dệt nghề thổ cẩm, trong đó, hai xã chuyên dệt trang phục truyền thống người Pa Cô và một xã chuyên dệt trang phục truyền thống đồng bào Vân Kiều.

Còn tại huyện Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang) song song với việc tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, huyện còn tuyên truyền, vận động nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số giữ gìn nghề dệt thổ cẩm. Nghề dệt thổ cẩm đã góp phần tạo việc làm cho lao động tại địa phương, giúp người dân nâng cao thu nhập và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào. Các sản phẩm chủ yếu của cơ sở dệt hiện nay gồm: yếm thêu của người Dao Quần Trắng; váy, yếm, mũ, khăn, quấn chân của người Mông… , tùy theo đơn hàng.

Nghề dệt thổ cẩm vừa để giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa đồng thời đã đem lại thu nhập khá cho bà con.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghề dệt thổ cẩm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO