Nhỏ và to!

Ngọc Bảo 01/08/2016 16:00

Có dịp đi nhiều nơi, nhiều vùng sâu vùng xa, tôi càng thấm thía hơn lời của lớp cán bộ đi trước, họ đúc rút ra một câu rất chí lý từ lời của người dân sau những chuyến 3 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) rằng, “nói trời nói biển không bằng cái điện nhà bên”.

Cuộc sống của bà con vùng cao còn rất khó khăn.

Ý là, người dân vùng cao rất cần sự hỗ trợ nhưng sự hỗ trợ đó phải thiết thực, thiết thân, chứ không phải những điều quá to tát, vĩ mô, sách vở…Nên hiểu họ cần gì và cái gì cần cho họ, cho cuộc sống, cho vùng đất còn nhiều thiếu thốn và khó khăn. Nếu không những vật chất hỗ trợ - là sự chắt chiu, là tấm lòng của người trao lại lãng phí vô cùng.

Như tại một huyện nghèo của Hà Giang - vùng đất còn nhiều khó khăn và thiếu thốn. Cả một cao nguyên đá với diện tích bạt ngàn nhưng đất canh tác chỉ có vỏn vẹn trên hơn mười nghìn ha và hiếm có mảnh đất nào phẳng phiu để mà trồng, cấy. Đá, miên man là đá. Mùa tra hạt đến, cứ một gùi đất, một nắm hạt giống đạp chân trần trên đá mà trồng, mà cấy.

Người ta thống kê, nếu duới xuôi, một cân ngô có thể gieo được cả sào đất nhưng ở đây để gieo một cân ngô người ta phải cần 1 thậm chí là 2 đến 3ha đá núi. Và nói đến mảnh đất này là người ta chỉ nghĩ đến loại cây có thể trồng đó là lúa và ngô.

Thế nhưng, theo lời kể của một trưởng bản, mấy năm trước có một số tổ chức từ thiện lên đây thăm bà con, họ chọn ra một vài thôn, bản nghèo nhất để hỗ trợ. Quà ngoài một số vật dụng cần thiết như gạo, mì chính, đường…còn có một lượng khá lớn giống cây trồng. Thế nhưng do chưa tìm hiểu kỹ nên đoàn không biết rằng, những giống cây trồng này không thể “cắm” xuống mảnh đất toàn đá núi. Thế là thành ra tấm lòng của các nhà hảo tâm lại bị bỏ phí.

Hay như lời kể của một thầy giáo ở trường dân tộc bán trú tiểu học và THCS Trạm Tấu (Yên Bái), có một doanh nghiệp đã tặng điểm trường Tấu Trên một chiếc tivi, như một sự hỗ trợ cho người nghèo vùng cao. Thế nhưng, nếu ở vùng đất khác, khi cái điện đã được kéo về tới bản làng, sáng chiếc bóng đèn, sáng quyển sách cho em ê a học bài…thì đó là một món quà vô cùng quý giá. Thế nhưng chiếc tivi này lại tặng cho vùng đất chưa bao giờ có điện, chẳng khác gì cá treo mèo nhịn đói.

Một phụ huynh học sinh ở đây thật thà nói, ở những nơi heo hút, lạnh lẽo và còn nhiều thiếu thốn này thì gạo, muối, chăn áo ấm, mới là thiết thực nhất. Nhất là những ngày đông gió núi thổi ràn rạt như quất vào da thịt, con em mình tím tái đi vì lạnh. Đời sống của đồng bào mình vẫn còn nhiều khó khăn, giá như chiếc tivi ấy đổi được thành những chiếc áo ấm, hay vài chục bao gạo cho các cháu thì ấm lòng hơn lắm lắm. Thành ra, thiếu thì vẫn thiếu, thừa lại vẫn thừa.

Và với người dân vùng cao mộc mạc, chân chất, cho và nhận không xa xôi, mà cần cụ thể, thiết thực ngay trong cuộc sống hàng ngày. Nếu cái họ cần, chỉ nhỏ như cây kim, sợi chỉ hay như lít dầu đổ vào cây đèn để thắp sáng cũng quý hơn bất cứ lời hứa to tát hay một dự án vĩ mô nào đó mà thời gian hoàn thành đến tận năm nảo năm nào...

Thế mới có chuyện, một già làng khi được hỏi, nhà sáng rồi có biết ai cho điện không. Già làng bảo, thằng cháu ở thôn bên cho điện. Chả là thằng cháu ở xóm bên biếu cái bóng đèn trị giá 3.000 đồng. Với già, nhà được thắp sáng do cái bóng điện chứ không phải do nhà đèn đâu.

Mộc mạc, chân chất, người vùng cao có cái lý riêng của họ, cái lý được đúc rút từ cuộc sống thực tiễn, từ những gì họ cảm được, thấy được hàng ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhỏ và to!

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO