Phát triển thủy sản ở Cà Mau

Nguyễn văn Thành 25/08/2015 20:51

Có nhiều lợi thế về địa lý tự nhiên, nhiều năm qua Cà Mau đã xác định thủy sản là một mũi nhọn kinh tế. Nhiều hộ gia đình nghèo đã có cuộc sống ổn định cũng là từ thủy sản.

Phát triển thủy sản ở Cà Mau

Nuôi thủy sản đem lại cuộc sống ổn định cho bà con nông dân

Năm Căn là một huyện của tỉnh Cà Mau có thế mạnh về nuôi trồng thuỷ sản, với diện tích trên 25.677 ha, sản lượng thuỷ sản bình quân đạt 26.000 tấn/năm. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực ngư - lâm - nông bình quân 8,83%/năm; chiếm 28,89% GDP của huyện. Đáng chú ý, việc phát triển thủy sản ở đây tương đối đa dạng, có sự lồng ghép hợp lý nên mang lại kết quả cao. Nhiều diện tích nuôi tôm đều được thả nuôi cá, cua, sò huyết. Chưa hết cùng với việc thả nuôi thủy sản, bà con còn trồng cây ăn trái trên bờ vuông, tăng thêm nguồn thu nhập. Nếu năm trước tổng sản lượng thuỷ sản của huyện đạt 28.178 tấn, thì năm nay Năm Căn phấn đấu đạt 33.000 tấn.

Thời gian qua, người dân các xã Hàm Rồng, Hàng Vịnh, Ðất Mới, Lâm Hải đã thu được lợi nhuận kinh tế khá cao do áp dụng mô hình nuôi tôm - sò huyết. Trung bình 1hecta thu được 60 triệu đồng. Tương tự, cách nuôi tôm - cua của bà con xã Hàng Vịnh, Ðất Mới thu nhập trung bình 50 triệu đồng/ha.

Theo người dân, sò huyết nuôi chung với tôm sú sẽ cho hiệu quả bền vững, đem lại giá trị kinh tế cao, do sò huyết có tính năng lọc chất bã hữu cơ dưới đáy ao. Con tôm từ đó ít bị dịch bệnh, phát triển tốt. Tại thời điểm này, huyện Năm Căn đang thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, nhân rộng những mô hình phát triển bền vững. Cùng với việc nuôi tôm công nghiệp là việc nuôi tôm quảng canh kết hợp trồng rau màu và cây ăn trái trên bờ vuông. Cùng với việc nuôi trồng thủy sản là việc sản xuất con giống mang lại kinh tế không nhỏ cho người dân. 350 cơ sở sản xuất con giống thuỷ sản, với gần 8.000 bể ươm, hằng năm sản xuất trên 3 tỷ con giống, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu con giống của nông dân.
Đối với huyện Ngọc Hiển, thủy sản cũng được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Nuôi tôm quảng canh và nuôi tôm sinh thái, nuôi hàu lồng, nghêu, sò và các loài thuỷ sản khác dưới tán rừng…; đó là những hình thức sản xuất được bà con tập trung đầu tư, mang lại hiệu quả thiết thực. Ngọ Hiển cũng chú trọng việc tạo nguồn cung cấp tôm sú giống bố mẹ nhiều và tốt.

Toàn huyện có diện tích nuôi trồng thuỷ sản 24.900ha. Sản lượng trong 5 năm qua ước đạt 55.000 tấn, trong đó tôm 16.700 tấn. Hiện mô hình nuôi tôm sinh thái phát triển mạnh. Với con hàu, bà con cũng đã nuôi trong lồng, thu lại lợi nhuận cao. Sông, rạch được tận dụng để nuôi hàu lồng, cho thu nhập quanh năm.

Trở lại với việc sản xuất tôm giống, huyện Ngọc Hiển được xem là “thủ phủ” trong ngành sản xuất tôm sú giống với 205 trại, chiếm khoảng 80% số lượng trại tôm giống toàn tỉnh Cà Mau. Ước tính, trong vòng 5 năm, các trại sản xuất tôm giống đã cung cấp cho thị trường khoảng 4 tỷ con tôm sú giống. Đây là điều rất quan trọng, bởi chất lượng con giống sẽ quyết định sự phát triển của nó. Tôm giống tốt sẽ cho thu hoạch cao do năng suất tăng lên. Từ đây, nhiều hộ nghèo khó có được cuộc sống ổn định.

Toàn huyện Ngọc Hiển có đội tàu trên 554 chiếc, trong đó khoảng 50% có công suất trên 90 CV, đủ sức bám biển khai thác dài ngày.Thời gian qua,131/247 phương tiện khai thác ven bờ đã chuyển sang khai thác xa bờ. Mục tiêu phát triển của huyện là: nuôi trồng, khai thác, chế biến, dịch vụ và hậu cần theo hướng sản xuất công nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020, tổng sản lượng khai thác thuỷ sản trên địa bàn đạt trên 60.000 tấn, trong đó tôm 20.300 tấn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển thủy sản ở Cà Mau

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO