Phòng bệnh mùa đông xuân

T.H. 26/03/2017 10:00

Thời tiết miền Bắc đang bước vào những ngày mưa, nồm ẩm ướt. Đây cũng là thời điểm sức đề kháng của cơ thể suy giảm, nên dễ nhiễm một số bệnh như thủy đậu, sởi, viêm phế quản…

Tiêm vắcxin là cách tốt nhất để phòng bệnh.

Sởi: Bệnh sởi thường gặp nhất vào mùa xuân, khi nhiệt độ và độ ẩm không khí cao, vi khuẩn dễ sinh sôi và phát triển. Tỷ lệ mắc bệnh 100% ở người chưa có miễn dịch. Hay gặp ở trẻ nhỏ 1 - 4 tuổi. Trẻ dưới 6 tháng ít mắc vì có miễn dịch của mẹ. Khoảng 10 - 12 ngày sau khi tiếp xúc với virut sởi, bệnh thường bắt đầu với một cơn sốt khá nhẹ, kèm theo những triệu chứng như ho, chảy mũi, mắt đỏ và đau cổ họng.

Hiện nay nhờ có vaccin sởi được tiêm phòng rộng rãi nên tỷ lệ mắc bệnh và tử vong đã giảm nhiều. Để phòng bệnh sởi, người dân cần lưu ý đưa trẻ đi tiêm vắcxin. Ngoài ra giữ gìn vệ sinh cá nhân, đảm bảo nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ; bệnh rất dễ lây vì thế không để trẻ đến gần các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh…

Bệnh cúm: Các bác sĩ cho biết, bệnh cúm mùa có quanh năm và ai cũng có thể mắc. Thường thì bệnh tự khỏi, hoặc khỏi sau quá trình uống thuốc. Nhưng cũng có số ít trường hợp cúm vẫn diễn biến phức tạp, phải điều trị và ảnh hưởng sức khỏe.

Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông - xuân. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Tại Việt Nam, các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.

Các triệu chứng ban đầu của bệnh cúm có thế là: Sốt, có cảm giác ớn lạnh; nhức đầu; đau nhức cơ bắp; chóng mặt; ăn không ngon; mệt mỏi; ho; đau họng; chảy nước mũi; buồn nôn; cảm giác yếu ớt không còn chút sức lực; đau tai; có thể xuất hiện triệu chứng tiêu chảy.

Sau 5 ngày, sốt và các triệu chứng khác thường biến mất nhưng ho và tình trạng mệt mỏi vẫn kéo dài. Nếu có các triệu chứng như kể trên thì nên đi khám để bác sĩ có phác đồ điều trị.

Hen phế quản: Những người có cơ địa dị ứng rất dễ bị hen do phế quản của họ rất nhạy cảm với mọi kích thích gây bệnh như phấn hoa, bụi sinh vật, nấm, mốc, vi khuẩn hay những thay đổi của môi trường bên trong cơ thể do ảnh hưởng của lạnh, ẩm.

Để phòng bệnh hen chủ yếu là phải loại trừ được các yếu tố gây bệnh như: tránh lạnh bằng cách mặc quần áo ấm, giữ ấm vùng cổ, ngực; tránh bụi bặm, vi sinh vật, nấm mốc, phấn hoa... bằng cách dùng khẩu trang che mũi, miệng khi đi ra ngoài.

Nếu bị hen cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được điều trị kịp thời, hiệu quả, cắt được cơn hen trong thời gian ngắn nhất, không để cơn hen phát triển thành ác tính.

Bệnh thủy đậu: Bệnh do siêu vi Varicella zoster gây ra với các biểu hiện của bệnh là các tổn thương dạng bóng nước trên da và niêm mạc.

Sau khi siêu vi xâm nhập cơ thể, phải qua thời gian khoảng 10-20 ngày (gọi là thời kỳ ủ bệnh) người bệnh mới xuất hiện các triệu chứng của một người nhiễm siêu vi (sốt, đau đầu, uể oải, chán ăn...).

Lúc này, trên da người bệnh có thể xuất hiện những hồng ban có đường kính vài milimet và sau 1-2 ngày mới xuất hiện nốt đậu. Đáng lưu ý là khi nốt đậu nổi nhiều là dấu hiệu cảnh báo bệnh có thể diễn tiến nặng.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, đa số trường hợp mắc bệnh thủy đậu đều tự khỏi nhưng vẫn có một số trường hợp gây ra biến chứng, thậm chí tử vong. Đặc biệt, người lớn mắc bệnh thủy đậu lại dễ bị biến chứng và có tỉ lệ tử vong cao hơn trẻ em.

Theo bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm -Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh hiện bệnh thủy đậu đang vào mùa dịch, do vậy việc xuất hiện ổ bệnh và lây lan rộng trong môi trường tập thể là điều bình thường. Thông thường, trẻ em mắc thủy đậu phổ biến hơn, tuy nhiên người lớn cũng có khả năng mắc bệnh nếu không được phòng ngừa đầy đủ.

Bệnh thủy đậu có thể ngừa bằng vắcxin, do vậy, các bác sĩ khuyến cáo cả người lớn và trẻ em chưa mắc thủy đậu nên đến Trung tâm y tế dự phòng tiêm vắcxin để giảm nguy cơ bị lây nhiễm bệnh này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng bệnh mùa đông xuân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO