Quần đảo Solomon

T.Tuấn (Nguồn tham khảo: Wikipedia National Geographic) 22/08/2016 14:58

Cho tới bây giờ, cái tên Quần đảo Solomon không còn xa lạ, nhưng người ta vẫn cho rằng đây là quần đảo độc đáo bậc nhất thế giới. Solomon là một quần đảo với nhiều hòn đảo nổi tiếng, trong đó phải kể đến các đảo Choiseul, Shortland, New Georgia; Santa Isabel, Santa Ana, nhóm đảo Santa Cruz...

1. Nhiều hòn đảo trong quần đảo Solomon nằm cách xa nhau. Từ đảo xa nhất phía Đông đến đảo xa nhất phía Tây cách nhau 1.500 km. Ngay như người ở nhóm đảo Santa Cruz đến được với người ở hòn đảo gần nhất cũng phải vượt 200km đường biển.

Chơi vơi trong lòng đại dương, quần đảo Solomon ẩm trong cả năm, với nhiệt độ trung bình 27 °C. Từ tháng 6 đến tháng 8, trong khi nhiều nơi đang rất nóng thì ở đây lại lạnh. Nhưng cái lạnh của nó cũng chỉ đủ dể người ta “thưởng thức” chứ không cắt da cắt thịt. Cũng chính vì nền nhiệt ấy mà hệ thống rừng mưa trên quần đảo phát triển rất tươi tốt, dẫn tới hệ sinh thái đông- thực vật phong phú, đa dạng, có nhiều loài đặc hữu không đâu có được. Đây cũng là vùng địa lý thường xuyên hứng chịu những trận bào từ đại dương. Còn trên đảo, nhiều ngọn núi lửa tuy đã “chết” nhưng vẫn khiến người ta kinh hãi khi tưởng tượng ra những trận phun nham thạch dữ dội trong quá khứ.

Chợ nổi.

Bản sắc văn hóa của quần đảo Solomon là gì? Nhiều nhà nghiên cứu đã tranh luận về vấn đề này, nhưng nhiều thập kỷ trôi qua vẫn không ngã ngũ. Bởi do yếu tố địa lý và quá trình hình thành dân cư trên đảo là khá đặc biệt. Do nhiều hòn đảo nằm cách xa nhau, giao lưu của cư dân khó khăn, nên khó có sự giao thoa, tác động và ảnh hưởng văn hóa. Các nhóm cư dân trên từng hòn đảo lại có những nét văn hóa riêng, tập tục cũng riêng. Điều đó được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác một cách khá trọn vẹn, do cuộc sống của cư dân ít thay đổi.

Các hòn đảo trong quần đảo Solomon cũng là nơi nhiều tàu bè “lạ” ghé lại trú bão, hoặc là nghỉ ngơi sau một hải trình dài để tiếp thêm lương thực, hoặc nhiên liệu. Trong những chuyến “ghé thăm” ấy, có một số người đã ở lại đảo, sinh cơ lập nghiệp. Vì thế, Solomon có nhiều sắc tộc khác nhau cùng sinh sống. Họ mang tới đảo phong tục tập quán, cách ứng xử từ nơi họ đã ra đi. Và, họ cũng mang tới những vũ điệu, những lời hát của quê hương mình. Vì thế, văn hóa trên các nhóm đảo Solomon là rất đa dạng.

Trong quá trình hình thành nền văn hóa cho riêng mình trong sự đa dạng, quần đảo sóng gió này cũng đã sản sinh ra tiểu thuyết gia Rexford Orotaloa và John Saunana, cùng nhà thơ Jully Makini. Họ là những “nhân vật văn hóa” tiêu biểu của Solomon được cộng đồng kính trọng.

Em bé Solomon.

2. Ngược dòng thời gian, quần đảo Solomon bao gồm gần 1.000 hòn đảo, được cho là của người Melanesia. Đây là sắc dân “già” nhất, nhưng tới nay số lượng cũng không nhiều.

Tới năm 1890, người Anh đã thiết lập quyền cai trị của mình trên quần đảo. Cũng vì vị trí địa lý nên trong thế chiến lần 2, nhiều hòn đảo trong quần đảo Solomon là nơi đồn trú của binh lính, nơi tập trung khí tài, quân trang, quân dụng, và cũng là nơi trận mạc. Trong đó, trận Guadalcanal là khủng khiếp nhất.

Khẩu hiệu hãy giữ cho Honiara sạch. Ảnh: Hiệu Minh.

Tới nay, quần đảo là chốn an bình, được ví như thiên đường giữa đại dương. Khách du lịch phương xa đến đều được người dân trên đảo kể cho nghe câu chuyện của những người cách đây 30.000 năm đã đến chốn này. Họ được coi là những “ông chủ, bà chủ” của đảo. Đó thực chất là những người đánh cá dũng mãnh, can trường nơi đầu sóng ngọn gió. Họ cũng kể về người châu Âu đầu tiên khám phá quần đảo này: đó là nhà hàng hải người Tây Ban Nha Alvaro Mendana de Neira. Hải trình dằng dặc của ông không bắt đầu từ Tây Ban Nha mà là từ Peru. Đó là năm 1568. Kể từ đó, quần đảo Solomon được biết đến.

Những người đàn ông Solomon có biệt tài săn cá heo.

Là thiên đường trong lòng đại dương, nhưng Solomon cũng chịu nhiều nguy nan từ những trận động đất. Gần đây nhất, năm 2007, trận động đất kinh hoàng khiến người ta khiếp đảm. Đó là ngày 2 tháng 4 năm 2007, nhiều hòn đảo trong quần đảo chấn động bởi một trận động đất lớn và tiếp sau đó là một vụ sóng thần. Sóng thần từ ngoài xa lừng lững tiến vào đảo Gizo. Đây là hòn đảo nhỏ, không nhiều dân cư. Con sóng cao tới 30 mét nhấn chìm hòn đảo, kéo ra biển tất cả những gì nổi lên trên mặt đất. Không một người nào sống sót.

Đáng sợ là trận động đất kéo dài tới 3 ngày với quá nhiều dư chấn. Cho tới ngày cuối cùng (4/7), người ta ghi nhận tới 50 dư chấn mạnh, gây thiệt hại lớn về người và phá hủy nhiều công trình xây dựng.

Tới Solomon, hôm nay người ta vẫn thấy nhiều người đi chân đất và miệng thì bỏm bẻm nhai trầu. Người dân trên đảo sống giản dị, mộc mạc với nụ cười thường trực trên môi. Gặp người lạ, thường thì họ chủ động hỏi một cách thân thiện” Ông/ bà từ đâu tới? Hello, khỏe không?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quần đảo Solomon

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO