Sinh tồn ở Dallol

B.Loan 13/01/2017 09:00

Thị trấn Dallol ở sa mạc Danokil, đông bắc Ethiopia giữ kỷ lục là nơi có nhiệt độ trung bình hàng năm cao nhất thế giới. Bất chấp những điều kiện khí hậu khắc nghiệt, sự sống vẫn sinh sôi trên vùng đất này.

Nguồn cung cấp nước duy nhất từ sông Awash.

Vùng đất “huỷ diệt”

Thị trấn Dallol ở sa mạc Danokil, phía đông bắc Ethiopia (châu Phi) giữ kỷ lục là nơi có nhiệt độ trung bình hàng năm cao nhất từng được ghi nhận. Nơi đây, ánh nắng mặt trời đốt cháy cả nền đất vốn đã nứt nẻ vì khô cằn, không khí khô và bụi như muốn hút cạn cả hơi ẩm từ miệng và mắt. Bất chấp những điều đó, người Afar vẫn sinh sống một cách đơn giản.

Theo tiếng địa phương Afar, Dallol có nghĩa là “hủy diệt”. Đúng như tên gọi của nó, người Afar phải chịu đựng mức nhiệt độ trung bình khoảng 37 độ C quanh năm, có khi đỉnh điểm lên tới 63 độ C. Bên cạnh đó, lượng mưa ở Dallol hàng năm cũng rất ít, chỉ vỏn vẹn 100 - 200 mm. Đây cũng là vùng thấp nhất thế giới, ở vị trí dưới mực nước biển 125m.

Dallol là nơi khắc nghiệt nhất thế giới có người sinh sống.

Tất cả các nhân tố trên hợp lại đã biến Dallol thành nơi có điều kiện sống khắc nghiệt nhất thế giới. Tuy nhiên, cũng chính vì vậy mà Dallol lại hình thành nên những cảnh quan tuyệt đẹp. Sự kết hợp của những con suối nước nóng, lưu huỳnh, axit, oxit sắt và lớp muối ẩn bên dưới, cùng với một số khoáng chất khác tạo nên một địa hình độc đáo cho khu vực này.

Điều này cũng giải thích cho sự pha trộn của những màu sắc tươi sáng và rực rỡ như màu trắng, vàng, đất son, xanh lá cây và đỏ nơi đây. Những du khách đến thăm quan đều không ngờ rằng, nơi cô quạnh ít người sinh sống này này lại là một tuyệt tác của thiên nhiên.

Người dân sinh sống nhờ hoạt động khai thác muối.

Sống nhờ vào... muối

Người dân Afar sống du canh du cư. Vì vậy, họ thường ở trong các túp lều để dễ dàng dịch chuyển và chăn nuôi gia súc như dê, lừa hay lạc đà.

Khai thác muối là nguồn thu nhập chính của cư dân nơi đây. Các mỏ muối được hình thành theo thời gian từ những trận lũ gần Biển Bỏ tràn qua vùng này. Sức nóng khủng khiếp tại sa mạc làm nước lũ bốc hơi nhanh chóng và để lại những lớp muối kết tinh.

Chuyên chở muối bằng lạc đà.

Đối với người dân ở Dallol, muối giống như tiền vì toàn bộ nền kinh tế nơi đây phụ thuộc vào hoạt động khai thác và buôn bán muối khoáng. Để có muối, họ thường sử dụng phương pháp và công cụ truyền thống như cuốc, dây thừng để gỡ, đóng gói các tảng muối. Sau đó, họ dùng lạc đà hay lừa chuyên chở muối ra khỏi sa mạc để bán.

Mỗi chuyến đi có khi kéo dài một tuần lễ. Công việc khai thác muối khá nguy hiểm vì nhiệt độ cao có thể gây tử vong và đôi khi những trận động đất bất ngờ xảy ra làm lở đất, nuốt chửng cả người lẫn lạc đà.

Cấu tạo địa chất tạo nên địa hình độc đáo.

Ở Dallol, nước cực kỳ khan hiếm và trở thành mặt hàng quý giá. Con sông Awash là nguồn cung cấp nước duy nhất cho người Afar và các đàn gia súc của họ.

Đây cũng là một trong những con sông đặc biệt nhất thế giới vì không bao giờ chảy ra biển. Nó xuôi dòng từ cao nguyên Ethiopia xuống các hồ nước khu vực này.

Hiện tại, Dallol là nơi các nhà khoa học nghiên cứu về quá trình phát triển của sự sống trên các hành tinh khác. Các suối nước nóng nơi đây là sinh sống của vi khuẩn chịu cực hạn (sống trong điều kiện khắc nghiệt)- mối quan tâm đặc biệt của giới chuyên gia sinh vật học vì chúng có thể giúp lý giải cách hình thành và phát triển của sự sống ngoài trái đất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sinh tồn ở Dallol

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO