Sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước

Tuấn Dương 17/04/2017 16:28

Ngày đất ngập nước thế giới năm nay có chủ đề “Đất ngập nước giúp giảm nhẹ thiên tai” đã được tổ chức ngày 5/2 tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Tại đây, vấn đề sử dụng chặt chẽ và bền vững các vùng đất ngập nước được đặt ra. Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cũng kêu gọi các cấp, các ngành và mỗi người dân tiếp tục tăng cường bảo tồn các vùng đất ngập nước…

Đất ngập nước giúp giảm nhẹ thiên tai. Ảnh: Vũ Long.

Ngày đất ngập nước thế giới (tiếng Anh là: World Wetlands Day, viết tắt là WWD) được tổ chức vào ngày 2/2, đánh dấu ngày ký Công ước về Đất ngập nước, còn gọi là Công ước Ramsar ngày 2//2/1971, tại thành phố Ramsar của Iran trên bờ biển Caspian. WWD được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1997.

Năm 1989, Việt Nam chính thức tham gia Công ước và là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á cam kết bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước.

Thực hiện một trong những trách nhiệm và nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước Ramsar, Việt Nam đã đề cử công nhận thành công 8 khu Ramsar gồm: Xuân Thủy, Bầu Sấu, Ba Bẻ, Tràm Chim, Cà Mau, Côn Đảo, U Minh Thượng và Láng Sen. Hiện nay có 169 quốc gia thành viên của Công ước Ramsar.

Khẩn trương thành lập khu bảo tồn đất ngập nước Thái Thụy

Vùng đất ngập nước ven biển huyện Thái Thụy (Thái Bình) nằm trong Khu Dự trữ sinh quyển thế giới đồng bằng sông Hồng, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và văn hóa (UNESCO) công nhận vào năm 2004, gồm 3 tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình.

Vùng đất ngập nước Thái Thụy có dải rừng ngập mặn với diện tích khoảng 3.500 ha tập trung tại các xã Thụy Trường, Thụy Xuân, Thái Thượng, Thái Đô, có tác dụng lớn trong phòng hộ đê biển, điều hòa khí hậu và có giá trị lớn về cảnh quan môi trường, bảo tồn hệ sinh thái ngập nước ven biển.

Những năm gần đây, do dân số đông gây sức ép lớn lên tài nguyên của vùng nên việc quản lý, giữ gìn nguồn tài nguyên quý giá là vấn đề cần thiết đối với vùng ven biển này.

Theo nghiên cứu của Hội Chữ thập đỏ Đan Mạch, diện tích rừng ngập mặn trưởng thành của huyện Thái Thụy trong 12 năm (từ 1986 - 1998) đã giảm 70%. Rừng đã bị suy thoái nặng nề do nhiều nguyên nhân: Khai hoang lấn biển, mở rộng đất canh tác và giãn dân; Khoảng 600 ha rừng ngập mặn trưởng thành đã bị phá trong quá trình đắp đê Xuân Hải vào đầu những năm 1980.

Bên cạnh đó, do sự phát triển mạnh mẽ của nghề nuôi tôm nước lợ ở vùng cửa sông ven biển nên người dân địa phương phá rừng ngập mặn để nuôi tôm…

Tại buổi mít tinh Ngày đất ngập nước thế giới năm nay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Phạm Văn Xuyên cho biết: Vùng đất ngập nước ven biển huyện Thái Thụy (Thái Bình) có tới 1.381 loài động, thực vật; đặc biệt, vùng đất ngập nước ven biển Thái Bình còn là nơi trú ngụ và sinh sống của một số loài chim nước di cư bị đe dọa trên toàn cầu được ghi trong Sách đỏ thế giới, như cò thìa, quắm đầu đen, rẽ mỏ thìa…

Những năm gần đây, do dân số đông gây sức ép lớn lên tài nguyên của vùng nên việc quản lý, giữ gìn nguồn tài nguyên quý giá là vấn đề cần thiết đối với vùng ven biển này.

Nhận thức được giá trị của đất ngập nước, Thái Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển vùng ven biển như: Cứng hóa toàn bộ hệ thống đê biển, xây dựng khu vực ven biển thành trọng điểm phát triển kinh tế, xã hội.

“UBND tỉnh Thái Bình đang khẩn trương thành lập khu bảo tồn đất ngập nước Thái Thụy với sự hỗ trợ của dự án Bảo tồn các khu đất ngập nước quan trọng và sinh cảnh liên kết do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ thông qua Chương trình phát triển Liên hợp quốc”- ông Phạm Văn Xuyên thông tin.

Bảo vệ, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước

Cũng tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết: Việt Nam có trên 10 triệu ha là đất ngập nước, chiếm tới 30% diện tích đất liền. Đa dạng sinh học của các khu vực này có ý nghĩa toàn cầu và hứa hẹn thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ hệ sinh thái trong khu vực. 1/5 dân số Việt Nam đang sống tại các vùng đất ngập nước và phụ thuộc trực tiếp vào việc khai thác, sử dụng các sản phẩm của hệ sinh thái này.

Các vùng đất ngập nước có lợi ích hết sức quan trọng về kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường, không chỉ cung cấp nước sinh hoạt, lương thực, thực phẩm, dược phẩm cho con người, mà còn là những vùng sản xuất quan trọng về thủy sản, nông nghiệp, là những điểm thu hút du lịch, là nơi chứa đựng nhiều giá trị đa dạng sinh học, và là điểm di trú của các loài chim nước, các loài thủy sinh quý, hiếm.

Đặc biệt, đất ngập nước đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm nhẹ các thiệt hại do thiên tai như bão, lũ, hạn hán, sạt lở đất ven biển; giúp duy trì chất lượng nước ở các sông hồ; lưu giữ nước; nạp nước ngầm; lưu trữ carbon; điều hòa khí hậu…

Tuy nhiên, hệ sinh thái đất ngập nước của Việt Nam đang bị đe dọa bởi các hoạt động kinh tế, đặc biệt là hoạt động chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, thậm chí chuyển đổi sang phát triển khu công nghiệp, dẫn đến khai thác quá mức tài nguyên sinh vật và ô nhiễm.

Để góp phần nâng cao sinh kế, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà kêu gọi các cấp, các ngành và mỗi người dân tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, giá trị và phương thức quản lý, bảo vệ, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước.

Thúc đẩy xây dựng và triển khai các mô hình về bảo tồn và phát triển bền vững đất ngập nước, chú trọng sự tham gia của nhân dân, gắn kết công tác bảo tồn với lợi ích thiết thực của người dân địa phương; tăng cường lồng ghép bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước vào các kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Giảm thiểu tác động xấu từ các hoạt động phát triển tới hệ sinh thái đất ngập nước nhằm bảo đảm phát triển bền vững và ổn định sinh kế của người dân sinh sống tại các vùng đất ngập nước...

Thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La

Đầu năm 2017, Chi cục kiểm lâm tỉnh Sơn La đã công bố thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La và ra mắt Ban quản lý Khu bảo tồn. Khu bảo tồn nằm trên địa phận 3 xã gồm Hua Trai, Nậm Păm, Ngọc Chiến. Nơi đây có địa hình cao dốc, mức độ chia cắt mạnh, nhiều đỉnh cao trên 1.000m dọc theo dãy núi Sam Sít. Tổng diện tích khu bảo tồn hơn 15.800 ha, gồm 3 phân khu, với hệ động thực vật phong phú, tính đa dạng sinh học cao. Trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích hơn 6.800 ha, nằm trên địa bàn 2 xã Hua Trai và Ngọc Chiến. Phân khu phục hồi sinh thái có diện tích hơn 8.900 ha, phân bố trên cả 3 xã. Phân khu du lịch hành chính có diện tích 35,5 ha.
Việc thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La nhằm quản lý, bảo vệ, sử dụng hiệu quả bền vững tài nguyên rừng, tính đa dạng sinh học và bảo tồn các nguồn gen động thực vật quý hiếm, nhất là loại vượn đen tuyền.
Theo số liệu thống kê, trong khu bảo tồn hiện có 622 loài thuộc 130 họ của năm ngành thực vật bậc cao, trong đó có 27 loài thực vật quý hiếm được ghi trong danh lục đỏ IUCN 2010, Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; sách đỏ Việt Nam 2007. Còn theo thống kê, hệ động vật có 323 loài thuộc 97 họ, 28 bộ của 4 lớp thú, chim, bò sát, lưỡng cư, trong đó có 51 loài quý hiếm, một số loài có giá trị bảo tồn cao như vượn đen tuyền, niệc cổ hung, niệc nâu…

H.Lan

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO