Tái cơ cấu nông nghiệp: Sản xuất theo thị trường

X.Tuyên 19/09/2016 09:15

Phát biểu tại buổi làm việc với Bộ NN&PTNT về tái cơ cấu nông nghiệp cuối tháng 8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp phải gắn với thị trường. 

Sản xuất nông nghiệp muốn phát triển phải bám sát nhu cầu thị trường.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nông nghiệp chính là lĩnh vực duy trì được sự phát triển và tăng trưởng khá ổn định. Tốc độ giá trị sản xuất toàn ngành tăng trung bình 3,41%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành tăng mạnh, giai đoạn 2013-2015 đạt 88,3 tỷ USD.

Theo thống kê, thu nhập bình quân hộ nông dân tăng từ 73,2 triệu đồng năm 2012 lên 97 triệu đồng năm 2015. Tuy nhiên, những kết quả đã đạt được mới chỉ là bước đầu và vẫn chưa tạo được chuyển biến rõ rệt. Tăng trưởng của ngành chưa vững chắc. Đáng chú ý, quý I/2016, lĩnh vực nông nghiệp có sự sụt giảm đáng kể.

Theo Phó Thủ tướng, trong thời gian tới, cần xác định rõ định hướng tái cơ cấu nông nghiệp phải gắn với phát triển thị trường, gắn với nhu cầu của thị trường. “Tái cơ cấu nông nghiệp để người nông dân không chỉ làm ra những gì có thể, mà làm những gì thị trường yêu cầu”, Phó Thủ tướng khẳng định thêm.

Muốn như vậy, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, phải xây dựng được các tiêu chuẩn sản phẩm mà thị trường trong nước, quốc tế yêu cầu. Bên cạnh đó, phải xác định được các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh nhằm tạo ra các sản phẩm có số lượng lớn, chất lượng cao.

Một yêu cầu quan trọng nữa đối với tái cơ cấu nông nghiệp là phải góp phần ứng phó hiệu quả hơn với biến đổi khí hậu. Đây là yêu cầu mới đặt ra, bởi có thể nói 3 năm trước, khi chuẩn bị đề án tái cơ cấu, chưa lường trước hết được những diễn biến tiêu cực của biến đổi khí hậu, chẳng hạn như tình trạng hạn, mặn ở Nam Bộ và Tây Nguyên.

Bên cạnh những yêu cầu nêu trên, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải gắn với phát triển kinh tế ngành, nghề ở nông thôn, để từ đó tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người nông dân. Cụ thể, với mức trung bình khoảng 0,3 ha đất cho một hộ gia đình như hiện nay, thì rõ ràng không thể công nghiệp hoá nông nghiệp một cách hiệu quả bởi người nông dân sẽ phải mua máy móc, khấu hao…, trong khi diện tích đất cho sản xuất quá ít.

“Giải pháp duy nhất là giảm lao động trong nông nghiệp. Phải khuyến khích phát triển các ngành nghề khác ở nông thôn để giảm lao động trong nông nghiệp, nhằm tăng diện tích đất/đầu người, từ đó mới có thể đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp”, Phó Thủ tướng nói.

Phát triển mạnh các hình thức hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã để thể hiện vai trò “bà đỡ” cho người nông dân. Hợp tác xã thực hiện tốt chức năng cầu nối giữa người dân với thị trường, hỗ trợ người dân trong việc cung cấp dịch vụ, tiêu thụ sản phẩm.

Về tổ chức sản xuất, phải tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, doanh nghiệp với hợp tác xã, doanh nghiệp với người dân; liên kết vùng, giữa các địa phương… tạo ra sản phẩm có số lượng lớn, chất lượng cao. Cũng cần đặc biệt chú ý trong việc lựa chọn, xây dựng sản phẩm, thương hiệu nông sản của các địa phương, khu vực, tránh tình trạng cạnh tranh lẫn nhau.

Bên cạnh đó, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, để mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, ngành nông nghiệp và các bộ, ngành liên quan cần xây dựng chương trình để tăng cường thông tin về các thị trường mới, những cam kết thương mại song phương, đa phương để người dân kịp thời nắm bắt được cơ hội, thách thức.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tái cơ cấu nông nghiệp: Sản xuất theo thị trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO