Tây Nguyên: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số

Quang Huy 03/10/2018 10:00

Nói về chất lượng nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số của khu vực Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum), ông Điểu Mưu - Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương II (Ủy ban Dân tộc) cho rằng, hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là trình độ học vấn trong lực lượng lao động còn ở mức thấp so với chỉ số chung của cả nước; lao động chưa qua đào tạo vẫn còn nhiều; nhận thức, kỹ năng, khả năng thích ứng với môi trường mới, tác phong, kỹ luật lao động… còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu ph

Tây Nguyên: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số

Hiện Tây Nguyên có trên 1,5 triệu học sinh các dân tộc.

Ông Điểu Mưu đã đề nghị các ngành, địa phương chú trọng đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe nhân dân các dân tộc gắn với mục tiêu, chất lượng nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên. Trước mắt, đảm bảo ổn định dân số trên địa bàn, có biện pháp hạn chế di cư từ vùng này sang vùng khác của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số góp phần phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số một cách bền vững. Ngành Y tế các tỉnh Tây Nguyên chủ động phối hợp với các cấp chính quyền, đoàn thể triển khai có hiệu quả trong việc mở rộng dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân miễn phí cho thanh niên dân tộc thiểu số, quản lý thai, khám thai định kỳ, bổ sung vi chất cần thiết cho bà mẹ người dân tộc thiểu số trong giai đoạn mang thai. Bên cạnh đó nghiên cứu, sửa đổi theo hướng nâng cao định mức hỗ trợ đội ngũ y tế, cô đỡ hay nữ hộ sinh ở thôn, buôn, bon, làng người dân tộc thiểu số, vận động, khuyến cáo hộ người dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện…

Ngoài ra ông Mưu cũng kiến nghị các bộ, ngành và các địa phương vùng Tây Nguyên thực hiện có hiệu quả chủ trương quy hoạch, kế hoạch xây dựng, mở rộng các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú ở các huyện nghèo, gắn với việc tổ chức liên thông trung học cơ sở, trung học phổ thông tại các trường này, đồng thời, tăng cường củng cố, mở rộng các trường (hoặc khoa) dự bị đại học, chú trọng việc nâng cao chất lượng đào tạo hệ dự bị đại học cho học sinh dân tộc thiểu số.

Ngoài ra nghiên cứu cơ chế, chính sách để mở rộng phạm vi, đối tượng cử tuyển (học sinh người dân tộc thiểu số sinh sống tại các xã khu vực I, II hoặc vùng ven thành thị…) và chính sách đặc thù, ưu tiên trong việc đào tạo, bồi dưỡng, xét tuyển, thi tuyển, bố trí, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số vào làm việc tại các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị, xã hội… Nhà nước cũng cần giải quyết hài hòa giữa quá trình đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên sau đào tạo, quan tâm xuất khẩu lao động cho đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Những năm qua, các tỉnh Tây Nguyên đã đầu tư phát triển mạnh hệ thống giáo dục từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông từ tỉnh đến thôn, buôn, bon, làng. Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có trên 3.285 trường học các cấp, với trên 1,5 triệu học sinh các dân tộc theo học ở các cấp. Toàn vùng cũng đã có 57 trường phổ thông dân tộc nội trú (tăng 13 trường so với năm học trước) với gần 15.000 học sinh dân tộc thiểu số học tập. Tỷ lệ trẻ em các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên trong độ tuổi huy động đến trường đạt từ 85 đến 90%... Nhờ vậy, số lượng, tỷ lệ người dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông đã tăng lên đáng kể.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tây Nguyên: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO