Tổ bảo vệ rừng ở thôn, bản

Nguyễn Thanh 01/06/2017 09:45

Để giữ rừng, thời gian qua, tại Lai Châu, nhiều tổ xung kích chuyên trách bảo vệ và phát triển rừng ở thôn bản đã được thành lập, góp phần phát huy tinh thần chủ động trong công tác tuần tra, kiểm soát và bảo vệ rừng ở địa phương; nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng của đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhờ đó, rừng đã được giữ an toàn, mang lại cuộc sống ấm no cho bà con dân bản.

Cùng với giữ rừng thì công tác trồng rừng cũng luôn được đảm bảo.

Góp sức giữ màu xanh cho rừng

Những năm qua, khu vực Tây Bắc liên tục xảy ra các trận lũ quét, sạt lở đất gây hậu quả nghiêm trọng, khiến nhiều người chết và mất tích. Một trong những nguyên nhân chính là do rừng bị phá gây ra ô nhiễm môi trường, bão lụt, lũ quét, lở đất... Hiểu được việc giữ rừng quan trọng như thế nào nên tỉnh Lai Châu đã thành lập 990 tổ chuyên trách bảo vệ và phát triển rừng.

Tổ chuyên trách này trước đây là tổ xung kích được thành lập tại các xã bản, số lượng thành viên giới hạn khoảng từ 10 đến 15 người. Thời gian qua cùng với việc được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tổ chuyên trách bảo vệ và phát triển rừng đã được thành lập với số lượng thành viên đông hơn, điều quan trọng hơn là người dân đã gắn quyền lợi của bản thân mình vào rừng, từ đó phát huy được tinh thần tự chủ động trong công tác tuần tra, kiểm soát và bảo vệ rừng.

Nói về hiệu quả của tổ bảo vệ rừng thôn, bản, anh Sùng A Giảng, Phó Trưởng bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường 12 cho biết, bản Chu Va 12 có 96 hộ đều là đồng bào dân tộc Mông, sống nhờ nương rẫy và phụ thuộc vào rừng.

Trước đây, bà con chưa ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng, tuy nhiên sau một vụ cháy rừng tại khu rừng Quốc gia Hoàng Liên thì mọi việc hoàn toàn thay đổi, người dân bản Chu Va 12 đã dần ý thức được việc cần phải bảo vệ rừng. Bà con trong bản chia Tổ chuyên trách của bản thành 5 tổ nhỏ để thay nhau canh gác rừng.

Để đảm bảo công tác bảo vệ rừng hiệu quả, bản Chu Va 12 cũng xây dựng 2 chòi canh kiên cố để cử các thành viên thay phiên nhau thường xuyên quan sát rừng, thường trực 24/24 vào thời gian cao điểm mùa khô dễ xảy ra cháy. Và chính nhờ làm tốt việc bảo vệ rừng, 3 năm trở lại đây, khu vực bản Chu Va 12 đã không còn xảy ra cháy rừng.

Tại bản Nhiều Sang, vào mùa khô, hầu như hộ nào cũng có một người là thành viên trong tổ để trực rừng khi tới phiên. Bản quy định khi đốt nương phải chờ lửa tắt mới được ra về. Nhờ phân công cụ thể công việc cho từng thành viên bảo vệ rừng mà 10 năm trở lại đây, những cánh rừng tại bản đã không xảy ra cháy.

Theo chia sẻ của trưởng bản Lù A Đâu, bản có quy chế rõ ràng đối với người dân trong bản cũng như những việc mà Tổ bảo vệ rừng đảm nhiệm. Chẳng hạn, đốt nương rẫy thì phải đốt lúc sáng sớm, lửa tắt mới được về, chiều không được đốt nương. Tổ bảo vệ rừng mỗi ngày có 3 - 4 người cùng đi kiểm tra và xử lý kịp thời những vấn đề liên quan đến phòng cháy, chữa cháy rừng.

Ông Nguyễn Đình Thượng, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tam Đường, cho biết hiện nay huyện có 138 tổ chuyên trách bảo vệ và phát triển rừng. Số diện tích rừng được nhận khoán bảo vệ là trên 31 nghìn ha với 75.000 hộ.

Nhiệm vụ của tổ ngoài tuần tra, bảo vệ rừng thì tuyên truyền và vận động nhân dân trong bản ký kết thực hiện các quy định về bảo vệ phát triển rừng, phòng cháy rừng và thực hiện các chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; xây dựng kế hoạch tuần tra, phân công ứng trực 24/24 trong thời gian cao điểm mùa hanh khô.... được đặc biệt chú trọng.

Người dân đã gắn quyền lợi của bản thân mình vào rừng.

Thoát nghèo từ rừng

Cùng với việc thành lập tổ bảo vệ rừng, qua hơn 5 năm triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã trở thành động lực giúp người dân mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế cũng như nâng cao hiệu quả bảo vệ, phát triển rừng theo hướng bền vững.

Bản Nhiều Sang nằm dưới chân núi Hoàng Liên có nhiều cánh rừng già. Bản có 54 hộ là đồng bào dân tộc Dao; tỷ lệ hộ nghèo chiếm khoảng 20%. Thời gian qua, nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đời sống của đồng bào dân tộc Dao đã bớt khó khăn. Thu nhập bình quân của các hộ nhận khoán bảo vệ rừng rừng đạt 2 – 2,6 triệu đồng/năm. Đời sống nhân dân được cải thiện, nhiều hộ đã sử dụng tiền chi trả DVMTR để mua cây giống, gia súc, đầu tư cho con cái ăn học.

Xã Tá Bạ (huyện Mường Tè) năm 2015 đã nhận được 1,26 tỷ đồng tiền chi trả DVMTR từ nguồn của thủy điện Hòa Bình, Sơn La và các thủy điện nhỏ. Theo ông Phùng Xi Che, Bí thư Đảng ủy xã, xã đã thành lập tổ chuyên trách của từng bản, từng dòng họ làm nhiệm vụ BVPTR. Đồng thời, phát động phong trào “4 tại chỗ”, phát hiện lửa từ xa, tổ chức cứu chữa kịp thời.

Cùng với đó, giao trách nhiệm quản lý đến tận khu rừng, vận động thực hiện hương ước, quy ước về rừng. Nhờ đó, số vụ cháy rừng và diện tích rừng bị thiệt hại do cháy giảm rõ rệt (từ 19 vụ năm 2011 xuống còn 3 vụ năm 2015). Trên địa bàn huyện không có tụ điểm lớn về phá rừng, kinh doanh lâm sản trái pháp luật.

Hiện tại ở Lai Châu có trên 68.600 chủ rừng được nhận tiền từ Quỹ dịch vụ môi trường rừng với tổng số diện tích là khoảng 422 nghìn hécta rừng; bình quân mỗi chủ rừng được nhận trên 2 triệu/hécta/năm; Mường Tè và Nậm Nhùn là hai huyện có diện tích rừng được chi trả lớn nhất.

Ông Nguyễn Trọng Lịch, Giám đốc Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lai Châu cho biết: với trên 990 tổ chuyên trách bảo vệ và phát triển rừng tại hầu hết các bản trên địa bàn Lai Châu đã giảm rõ rệt tỉ lệ cháy rừng qua từng năm.

Các tổ, đội xung kích tuần tra bảo vệ rừng ở các bản được trang bị cuốc xẻng, đèn pin, áo mũ,... có nhiệm vụ cùng Công an xã, Kiểm lâm cắm địa bàn tuần tra 24/24h, nhất là những khu vực rừng già, rừng phòng hộ; tuyên truyền, vận động người dân không canh tác gần rừng, khi đốt nương phải thông báo cho chính quyền xã để cử người túc trực, nhiều bản còn đưa việc bảo vệ, phát triển rừng vào quy ước, hương ước để thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tổ bảo vệ rừng ở thôn, bản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO