Trên rẻo cao Bình Liêu

Nhật Đăng 12/06/2019 08:00

Bình Liêu là một huyện nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, cách Hà Nội khoảng 270km. Với khí hậu mát mẻ, trong lành, địa hình, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và có cửa khẩu Hoành Mô nên Bình Liêu được ví như “Sa Pa thu nhỏ” của Quảng Ninh. Mấy năm gần đây, với nhiều lễ hội văn hóa hấp dẫn, Bình Liêu đã trở thành điểm đến thú vị…

Trên rẻo cao Bình Liêu

Độc đáo ngày hội “Kiêng gió”

Hằng năm, tại xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh bà con người Dao Thanh Phán lại tổ chức Ngày hội “Kiêng gió” (tiếng Dao là Mì seèng phẩy hây dảo) hay còn gọi là “chợ tình Đồng Văn” thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Trong tiếng Dao, hội Kiêng gió được bà con gọi là “mì seèng phẩy hêy dảo” (nghĩa là: Đi chơi chợ mùng bốn tháng tư). Người Dao quan niệm rằng, vào ngày mùng 4/4 không nên làm bất cứ công việc gì.

Hội Kiêng gió bắt nguồn từ phong tục tránh thú rừng, thiên tai và cầu mùa màng bội thu, ấm no của đồng bào Dao Thanh Phán. Người Dao ở Bình Liêu quan niệm, ngày kiêng gió là ngày mà thần gió sẽ vào nhà và mang đi những rủi ro, phiền muộn. Thần gió cũng sẽ rửa sạch không khí và đem vào nhà những điều tốt lành, ấm no, sung túc.

Đồng thời, lễ hội còn là nơi các nam nữ thanh niên trong vùng tìm hiểu, kết duyên vợ chồng. Trước đây Hội chỉ có sự tham gia của người Dao và do người dân các bản tự quy định và tổ chức với nhau. Để duy trì và phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc từ lâu đời, năm 2009, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức ngày hội Kiêng gió với tên gọi “Ngày hội văn hóa các dân tộc xã Đồng Văn”.

Trong ngày hội, người Dao Thanh Phán thường tụ tập tại địa điểm thường là những nơi râm mát, thoáng đãng, phong cảnh nên thơ như bìa rừng hay ven suối, thác nước. Tại đây, sau những ngày lao động vất vả, họ được tâm tình, hát cho nhau nghe làn điệu Sán Cố, bàn tiếp câu chuyện sản xuất của mùa tới...

Năm nay, quy mô hội Kiêng gió đã được nâng lên thành cấp huyện, thêm nhiều đồng bào dân tộc khác tham gia. Trong 2 ngày 7 và 8/5 (tức ngày 3- 4/4 âm lịch) kết hợp với Ngày hội văn hóa các dân tộc xã Đồng Văn. Lễ khai mạc rộn ràng trong câu hát Pả Dung, tái hiện tục đón dâu của người Dao Thanh Phán, nghi lễ Then cổ giải hạn của người Tày... Trong ngày hội, đồng bào tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao như: Thi kéo co, đẩy gậy, ném còn, bắn nỏ, lày cỏ, thêu trang phục bằng tay của phụ nữ người Dao… Đây là dịp để mọi người được chiêm ngưỡng, thưởng thức nét văn hóa đặc sắc của người Dao, hòa mình trong màu sắc văn hóa của một tộc người còn giữ được nhiều nét văn hóa gần như nguyên bản.

Nét đặc sắc của hội Kiêng gió là vào ngày này, người Dao Thanh Phán không thực hiện các hoạt động sản xuất, không ra ruộng, không cuốc đất... vì họ quan niệm làm bất cứ việc gì thần gió cũng sẽ xô đổ, không có thành quả. Tuy nhiên, vào ngày này, phụ nữ Dao Thanh Phán không rời khỏi chiếc kim, chỉ thêu. Họ thêu bất cứ lúc nào khi đôi tay rảnh. Những em bé vẫn ngủ ngon lành, đợi lúc mặt trời khuất bóng thì trở về nhà theo mẹ.

Trên rẻo cao Bình Liêu - 1

Một tiết mục biểu diễn của bà con người Dao Thanh Phán tại Ngày hội “Kiêng gió”.

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn

Bình Liêu nằm cách thành phố Hạ Long 108 km, cách thị trấn Tiên Yên 28 km. Với khí hậu mát mẻ, trong lành, địa hình, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp nên đến Bình Liêu mùa nào du khách cũng cảm nhận được vẻ đẹp riêng. Mùa xuân ở đây có các lễ hội như: Đình Lục Nà từ 16-18/1 âm lịch, Hội hát Soóng Cọ giao duyên ngày 16/3 âm lịch, ngày “Kiêng gió” ngày 4/4 âm lịch, các ngày hội đều đậm chất “chợ tình” vùng cao. Đặc biệt, vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 Bình Liêu mùa hoa trẩu tuyệt đẹp.

Trong mùa hè và mùa thu ở Bình Liêu là mùa của những thác Khe Vằn, Khe Tiền, Sông Moóc đầy nước, ruộng bậc thang xanh và mùa lúa vàng gặt tháng 7 và tháng 12 với nhiều loại hoa rừng khoe sắc.

Vào tiết cuối thu và đầu đông, Bình Liêu mùa hoa sở trắng bát ngát cùng sắc lúa chuyển vàng, lễ mừng cơm mới, bạn cũng nên đi du lịch Bình Liêu. Từ năm 2014 đến nay, cứ vào tháng 12, huyện Bình Liêu lại tổ chức Lễ hội hoa sở thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước tham dự. Nếu đến Bình Liêu vào những ngày cực rét, du khách có thể gặp cảnh tuyết rơi.

Bình Liêu cũng có nhiều điểm vui chơi hấp dẫn, như cầu treo Nà Làng nằm ngay QL18C, cạnh thị trấn Bình Liêu. Nơi nối bản Nà Làng với thị trấn. Lưu ý là hiện nay thay cây cầu này đã xuống cấp chỉ cho phép đi bộ qua đây. Ở Bình Liêu có rất nhiều bản làng cổ, với nét văn hóa độc đáo như: Ngàn Vàng, Ngàn Chuồng, Pắc phe… Bên cạnh đó, du khách cũng có thể trải nghiệm cảm giác lạ ở thác Khe Vằn -thác nước rất đẹp với 3 tầng thác.

Với giới trẻ, đến thăm cột mốc biên giới ở Bình Liêu là một hành trình thú vị. Là huyện biên giới, Bình Liêu có nhiều cột mốc thiêng liêng được các bạn trẻ đi qua check-in đó là 1300, 1302, 1305 và 1327. Từ thị trấn chạy về hướng Hoành Mô trên QL18C khoảng 3-4 km thì rẽ phải vào bản Ngàn Chuồng. Từ bản Ngàn Chuồng bạn rẽ trái phía mốc 61 khoảng 7-8km là hướng mốc 1300, 1302, thời gian di chuyển chừng 1 tiếng.
Mốc 1327 về hướng về Đồng Văn: Từ trạm biên phòng cửa khẩu Hoành Mô du khách nên gặp bộ đội biên phòng hỏi đường ra mốc 1327 chỉ đường cho dễ. Qua chốt biên phòng 1 đoạn bạn rẽ phải chạy thẳng về hướng chợ Đồng Văn khoảng 20km (lưu ý đây không phải chợ Đồng Văn - Hà Giang).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trên rẻo cao Bình Liêu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO