Trồng dâu, nuôi tằm

Đ.Thùy 14/06/2018 16:34

Trấn Yên là huyện đầu tiên của tỉnh Yên Bái phát triển trồng dâu nuôi tằm, sau hơn 10 năm triển khai quy hoạch phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, đến nay đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trong huyện.

Trồng dâu, nuôi tằm

Thu hoạch dâu.

Ông Nguyễn Đức Mầu, Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: Để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, huyện Trấn Yên đã xây dựng Đề án “Phát triển dâu tằm tơ huyện Trấn Yên đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”. Mục tiêu của đề án nhằm mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, phấn đấu đến năm 2020 diện tích đạt trên 700 ha với sản lượng hơn 1.100 tấn, giá trị thu đạt từ 150 tỷ đồng trở lên, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Hiện Trấn Yên là vựa dâu tằm lớn nhất tỉnh Yên Bái cũng như ở miền Bắc với trên 300ha và hơn 870 hộ tham gia, trồng chủ yếu tại các xã Tân Đồng, Việt Thành, Báo Đáp. Năm 2017, sản lượng kén tằm đạt 425 tấn, tăng gần 70 tấn so với năm 2016 mang lại nguồn thu gần 50 tỷ đồng. Huyện đã phát triển vùng trồng dâu tập trung, tạo được mối liên kết giữa các hộ sản xuất, hình thành các tổ nhóm liên kết giữa sản xuất gắn với cơ sở thu mua kén tằm tập trung ở các xã Tân Đồng, Báo Đáp, Việt Thành.

Tân Đồng là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Trấn Yên, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn nhưng từ khi tập trung chuyển đổi đất trồng lúa, màu kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm nay đã trở thành nghề thu hút 265 hộ dân tham gia, sản lượng kén hàng năm bán ra thị trường trên 130 tấn, giá trị kinh tế mang lại đạt trên 20 tỷ đồng.

Nghề trồng dâu nuôi tằm đã và đang góp phần xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn, cây dâu, con tằm đang là cây, con chủ lực mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân. Trồng dâu nuôi tằm giờ không vất vả như xưa, bởi được áp dụng khoa học, kỹ thuật, các công đoạn sản xuất được chuyên môn hóa cao.

Bà Lê Thị Lưu, thôn 5, xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên (Yên Bái) chia sẻ: Trước đây gia đình bà có 4 xào ruộng trồng lúa mỗi năm chỉ đủ ăn, hiệu quả kinh tế không cao, nhưng từ khi chuyển đổi diện tích sang trồng dâu, mỗi năm cũng thu lãi khoảng 100 triệu đồng, đời sống, kinh tế gia đình được ổn định và khấm khá hơn.

Với mục tiêu xây dựng được làng nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển, bên cạnh việc quy hoạch vùng dâu tằm tập trung, huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng dâu, hỗ trợ làm nhà nuôi tằm, mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đặc biệt là xây dựng các tổ hợp tác dâu tằm tơ để khuyến khích người dân gắn bó lâu dài và làm giàu từ trồng dâu nuôi tằm, góp phần xây dựng nông thôn mới. Đến nay, huyện Trấn Yên có 11/21 xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2020 trở thành huyện đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới.

Người xưa có câu: “Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”, vì nghề nuôi tằm rất vất vả. Tuy nhiên, khi thành công thì tiền thu về khá lớn, mỗi lứa tằm chỉ nuôi hơn một tháng là có thể bán kén ra thị trường; tổng cộng một năm có thể nuôi được 10 - 13 lứa tằm.

Song cây dâu lại rất dễ trồng, chịu hạn tốt, một lần trồng có thể cho thu hoạch đến trên 10 năm. Trồng dâu nuôi tằm cũng không đòi hỏi vốn đầu tư lớn nên người dân có thể làm chủ kỹ thuật chỉ sau một vài năm nuôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trồng dâu, nuôi tằm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO