Trồng rừng gắn với chế biến lâm sản

Đình Nam 09/12/2018 09:00

Thời gian qua, huyện miền núi Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các xã thực hiện chính sách trồng rừng gỗ lớn gắn với phát triển nghề chế biến lâm sản. Đồng thời, thu hút các công ty, doanh nghiệp vào đầu tư, xây dựng các khu công nghiệp sản xuất gỗ nhằm tạo việc làm cho người lao động.

Trồng rừng gắn với  chế biến lâm sản

Nghề chế biến lâm sản giúp người dân giảm nghèo.

Đến nay, huyện đã có 41 Công ty, nhà máy, xưởng chuyên sản xuất, chế biến lâm sản, các sản phẩm làm ra chủ yếu là gỗ ép công nghiệp, gỗ ván MDF, gỗ ván ép thanh, đồ mỹ nghệ được xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu. Nhờ đó, nhiều người dân đã có việc làm, góp xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Để phát huy hiệu quả kinh tế của nghề sản xuất lâm sản và giúp người dân giảm nghèo, UBND huyện Như Xuân đã vận động người dân tham gia trồng rừng để phát triển kinh tế, duy trì độ che phủ của rừng và có được nguồn nguyên liệu phục phụ cho sản xuất lâm sản. Bên cạnh đó, huyện cũng ưu tiên thành lập mới các doanh nghiệp, nhà xưởng, cở sở chế biến lâm sản.

Anh Hoắc Ngọc Nam, thôn Thanh Tâm, xã Hóa Quỳ cho biết, cách đây 8 năm gia đình anh rất nghèo, anh phải để vào Sài Gòn kiếm sống. Thời điểm này, anh đã phải ở nhiều công ty, trải qua nhiều nghề nhưng vẫn không kiếm đủ tiền lo cho gia đình. Năm 2010, anh quyết định về quê mở xưởng chế biến lâm sản đồ thủ công mỹ nghệ với vốn đầu tư 80 triệu.

Để có nguyên liệu phục vụ sản xuất, anh đã nhập gỗ, gốc và rễ cây từ rừng khai hoang, sau đó, anh nhập thêm nhiều nguyên liệu tại các xã lân cận. Nhờ sự cố gắng cộng với tay nghề điêu khắc tốt, cơ sở kinh doanh của anh đã có nhiều tiểu thương tìm đến mua hàng, hiện các sản phẩm do xưởng anh làm ra là đồ gỗ, bàn, ghế, tượng gỗ, đồ thủ công được bán cho người dân trong tỉnh, thu nhập mỗi năm của anh khoảng thu nhập 100 triệu/năm.

Xã Xuân Hòa là nơi đang phát triển mạnh nghề sản xuất và chế biến lâm sản, nhờ làm nghề này, nhiều người dân đã có cửa hàng riêng hoặc có việc làm ổn định trong nhà máy sản xuất lâm sản với mức lương 6-7 triệu/tháng. Điển hình là tại nhà máy chế biến gỗ ván ép của Công ty cổ phần gỗ Trường Sơn, hiện nhà máy hiện có 250 công nhân đang làm việc mới mức lương 5-7 triệu/người/tháng, đa số các công nhân đều là người địa phương.

Chị Lê Thị Hồng, thôn 8, xã Xuân Hòa cho biết, chị làm công nhân nhà máy đã 2 năm, ngày trước chị đi nương, làm rẫy, trồng rừng nhưng vẫn không đủ tiền lo cho các con ăn học. Nhưng kể từ khi vào làm công nhân cho nhà máy chế biến lâm sản của Công ty Trường Sơn với mức lương 6 triệu/tháng, chị đã có thể đủ tiền lo cho gia đình.

Ông Lê Đình Tuấn, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho hay, so với gần 3 năm trước, xã có 406 hộ nghèo thì tới nay còn 177 hộ, hiện xã đang trồng hơn 1.000 ha keo để lấy phục vụ nguyên liệu chế biến lâm sản.

Theo ông Nguyễn Quang Dự - Phó trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Như Xuân cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục vận động, kêu gọi các công ty vào đầu tư chế biến lâm sản, đồng thời vận động người dân thực hiện trồng rừng để có nguyên liệu chế biến lâm sản. Huyện sẽ ưu tiên phát triển những sản phẩm có giá trị kinh tế cao như gỗ ván ép công nghiệp, ván ghép thanh, hàng mộc cao cấp và sẽ phấn đầu từ giờ đến năm 2020 đưa nghề chế biến lâm sản thành nghề giúp người dân miền núi giảm nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trồng rừng gắn với chế biến lâm sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO