Uống rượu - coi chừng mất mạng

Ngọc Hải 10/03/2017 14:58

Một vụ ngộ độc rượu lớn đã xảy ra tại bản Tà Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ (Lai Châu) khiến 8 người tử vong và hàng trăm người bị ảnh hưởng. Các nạn nhân hầu hết là nam giới tuổi trung niên, người dân tộc Hà Nhì. Cơ quan chức năng đã thu hồi và tiêu hủy gần 5.000 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ ở 8 xã biên giới, trong đó người dân tự nộp và tiêu hủy gần 1.000 lít.

Bệnh nhân ngộ độc rượu cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu. Ảnh: Công Hải - TTXVN.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lai Châu, khi người dân ở bản Tà Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ đến ăn cơm, uống rượu tại đám ma một người dân địa phương thì đến chiều cùng ngày, nhiều người trong đó có biểu hiện đau đầu, buồn nôn phải đưa đi cấp cứu. Ngoài ra nhiều người dân có sử dụng rượu ở ngoài đám tang cũng có biểu hiện nghi ngộ độc thực phẩm do rượu, được đưa vào cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu, Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ và các Trạm Y tế xã.

Sau khi sự việc xảy ra, tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo lực lượng Y tế, Công an, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND huyện Phong Thổ tập trung lực lượng, phương tiện, phối hợp tổ chức cấp cứu các trường hợp đang điều trị tại bệnh viện tỉnh, huyện, khu vực, đồng thời tiếp tục theo dõi các trường hợp đã được cho về nhà, tập trung làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Trạm y tế xã Ma Ly Chải đã cử cán bộ tới thu các mẫu thực phẩm như rượu, nước lọc, thịt chó, đậu phụ, rau cải, kẹo... để kiểm tra. Qua xác minh của cơ quan chức năng cho thấy có tới 126 người ở 5 xã của huyện Phong Thổ là: Ma Ly Chải, Vàng Ma Chải, Sì Lở Lầu, Mồ Sì San và Dào San có dấu hiệu của ngộ độc rượu và 9 người đã tử vong.

Lãnh đạo Sở Y tế Lai Châu cho biết, sau khi hội chẩn, liên hệ với Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), xác định nguyên nhân ban đầu các nạn nhân tử vong và phải cấp cứu nghi do ngộ độc methanol. Cơ quan y tế đã lấy các mẫu bệnh phẩm, mẫu máu của các bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh gửi về cơ quan chuyên môn ở Hà Nội để xét nghiệm. Đồng thời, phổ biến phác đồ cấp cứu ngộ độc methanol cho các bác sỹ cả tuyến huyện, tuyến xã và tuyến cơ sở áp dụng.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Mai Trọng Khoa - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, đã từ lâu, rượu, bia được coi là đồ uống không thể thiếu trong mỗi dịp liên hoan, cưới hỏi, lễ Tết, thậm chí là trong đám ma. Tuy nhiên uống nhiều rượu bia trong một thời gian dài gây ra các vấn đề về sức khoẻ, tinh thần thậm chí dẫn đến tử vong do ngộ độc rượu. Ngộ độc rượu được biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ (không kiềm chế kiểm soát được cảm xúc, dễ tức giận, nổi nóng, đi đứng không vững…) đến ngộ độc nặng (nôn nhiều, vã mồ hôi, hôn mê, mạch nhanh, thở nông, hạ huyết áp, có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời).

Ngành y tế cùng các ban, ngành ngay lập tức tổ chức tìm kiếm những người có uống rượu cùng các nạn nhân đã về các bản, đi làm, đi chơi mà chưa biết để cứu chữa và khám, xét nghiệm đối với những người có uống rượu hôm đó và có triệu chứng rối loạn thị giác, nhìn mờ, mệt mỏi...Đoàn công tác của Bộ Y tế, Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai và một số đơn vị y tế Trung ương được tăng cường lên Lai Châu cùng Sở Y tế giải quyết, xác định nguyên nhân vụ ngộ độc.

Cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cũng đã thu giữ, tiêu hủy và vận động nhân dân tiêu hủy gần 4.800 lít rượu không rõ nguồn gốc tại 8 xã trên địa bàn huyện Phong Thổ, trong đó người dân tự tiêu hủy trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương gần 1.000 lít.
Liên quan đến vụ ngộ độc tập thể tại bản Tả Chải, hiện nay đã có một số nạn nhân xuất viện trở về địa phương, lao động sản xuất bình thường. Ngoài ra, chính quyền huyện Phong Thổ cũng khẳng định là trên địa bàn không có dịch bệnh; đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương tiến hành vận động, tuyên truyền người dân sớm ổn định cuộc sống, giao nộp rượu không có nguồn gốc xuất xứ.

Nguyên nhân của vụ ngộ độc, theo GS Mai Trọng Khoa - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, người trực tiếp đưa đoàn bác sỹ Bạch Mai lên tỉnh Lai Châu hỗ trợ cho các bệnh nhân ngộ độc rượu vừa qua thì methanol là nguyên nhân chính. Xét nghiệm rượu trong máu của các bệnh nhân cho thấy nồng độ methanol cao hơn nhiều lần; xét nghiệm các mẫu rượu tại hiện trường cũng cho kết quả nồng độ methanol cao gấp hàng nghìn lần. Đặc biệt, việc sử dụng phác đồ điều trị methanol cho các bệnh nhân có hiệu quả rõ rệt.

Theo các chuyên gia y tế, thông thường hàm lượng methanol từ 20 mg/dl máu trở lên đã là ngộ độc, từ 40 mg/dl trở lên là ngộ độc rất nặng, nhưng một số bệnh nhân trong vụ ngộ độc này có hàm lượng methanol trong máu lên đến 326 mg/dl. Methanol rất độc, thường gây tử vong hoặc để lại di chứng não, mắt người sử dụng. Đây là chất do người sản xuất cố tình cho để trục lợi nên rất khó kiểm soát.

“Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo chính quyền, các ban ngành, đoàn thể của xã tập trung vận động nhân dân các dân tộc trên địa bàn không dùng rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ và chấm dứt việc dùng rượu tại các đám ma và đưa vào hương ước, quy ước của bản” - ông Dương Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu.

Bởi vậy, để phòng ngừa ngộ độc rượu, bia, các chuyên gia khuyến cáo người dân không uống cồn công nghiệp, rượu có hàm lượng methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong. Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày. Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân. Không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị. Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu, bia.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Uống rượu - coi chừng mất mạng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO