Dang dở tái canh cây cà phê

H.H. 12/12/2015 09:30

Nhiệm vụ cấp bách được đặt ra, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ được ban hành, ngân hàng cũng nhập cuộc, nhưng nhiệm vụ tái canh cây cà phê vẫn dang dở với nhiều khó khăn.

Dang dở tái canh cây cà phê

Thu hoạch cà phê.

Chỉ riêng thủ phủ cà phê Tây Nguyên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích cà phê già cỗi cần phải tái canh ở đến năm 2020 là khoảng 120 nghìn ha. Nguồn vốn tín dụng dành cho tái canh cà phê trong giai đoạn 2015 - 2020 từ 12.000 - 15.000 tỷ đồng (khoảng 2.500 tỷ đồng/năm).

Với nhiều ưu đãi được đặt ra, khi thực hiện tái canh cây cà phê hộ dân, DN, HTX sẽ được ngân hàng cho vay tới 150 triệu đồng trên 1 hécta, thời hạn vay lên đến 8 năm, ân hạn trả gốc và lãi 4 năm đối với việc tái canh theo phương pháp chặt bỏ, trồng mới cây cà phê và đến 80 triệu đồng trên 1 hécta, thời hạn vay lên đến 4 năm, ân hạn trả gốc và lãi 2 năm đối với phương pháp ghép cải tạo cà phê. Hiện nay các ngân hàng cam kết đầu tư vốn tín dụng cho các dự án, tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của khu vực Tây Nguyên như: cho vay chăm sóc cà phê, cao su, cho vay xây dựng, thủy điện... với tổng số 28 dự án và số tiền cam kết đầu tư lên tới 23.899 tỷ đồng.

Chủ trương có, kế hoạch có nhưng để đẩy nhanh tiến trình tái canh cây cà phê xem chừng vẫn rất khó. Tiến trình tái canh cây cà phê ở Tây Nguyên đang diễn ra rất chậm. Nhưng gấp khúc nào khiến cho vốn khó đến với bà con, DN trong khi các cơ chế vốn hỗ trợ lại không hề thiếu.

Các lý do vẫn được đưa ra: các khâu thủ tục tiếp cận vốn rất rườn rà, phải có xác nhận diện tích cà phê đủ điều kiện tái canh. Cụ thể chỉ những diện tích cà phê nằm trong khu vực quy hoạch tái canh, bảo đảm thời gian luân canh, cải tạo đất ít nhất 2 năm trở lên mới được giải ngân vốn. Trong khi đó các hộ dân ở tây nguyên, không phải hộ nào cũng được triển khai cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các thủ tục gia hạn quyền sử dụng đất đối với các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sắp hết hạn để thuận lợi trong quá trình vay vốn cũng như tổ chức sản xuất của các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê.

Nếu những hộ dân có ý định thực hiện tái canh thì trong khoảng thời gian từ khi bắt đầu tái canh đến khi thu hoạch (4-5 năm đối với phương pháp trồng tái canh và 1-2 năm đối với phương pháp ghép cải tạo) họ không có nguồn thu nhập nào mà vẫn phải trả lãi ngân hàng. Điều này khiến họ chùn chân vay vốn.

Bên cạnh đó câu chuyện tái canh cây cà phê cũng cần đặt trong mối liên hệ với thu hút đầu tư chế biến sản xuất cà phê. Ông Trần Việt Hùng, với tư cách là Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng thừa nhận rằng, thu hút đầu tư của Tây Nguyên chưa tương xứng, bởi lẽ, các nhà đầu tư đang như kiểu “vừa chạy vừa xếp hàng”. Trong đó, có nhiều yếu tố làm các nhà đầu tư băn khoăn. Hệ thống đường giao thông chưa hoàn thiện và đi lại rất khó khăn, cũng như những thủ tục hành chính trong việc thu hút và cấp phép đầu tư khá phức tạp đã khiến cho đầu tư tại Tây Nguyên chưa như mong đợi.

Theo thống kê hiện cả nước có hơn 500 ngàn ha cà phê thì có đến 274 ngàn ha có độ tuổi từ 10-15 năm; gần 149 ngàn ha có độ tuổi từ 15-20 năm; 86 ngàn ha trồng năm 1988 đến nay đã trên 20 năm tuổi. Như vậy, trong thời gian 5 - 10 năm tới sẽ có trên 50% diện tích cà phê của Việt Nam đã hết thời kỳ cho sản lượng và chất lượng tốt, cần phải cưa đốn phục hồi hoặc phải trồng lại.

Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cũng cho biết, riêng dư nợ cho vay đối với ngành cà phê tại khu vực Tây Nguyên lên tới 32.526 tỷ đồng, chiếm 78,58% dư nợ cho vay cà phê toàn quốc. Thế nhưng con số này so với nhu cầu vốn phát triển cây cà phê ở Tây Nguyên vẫn chưa tương xứng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dang dở tái canh cây cà phê

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO