Đằng sau tin tức là số phận con người

Cẩm Anh 21/06/2021 09:00

Khoảnh khắc cháu bé rơi từ ban công toà nhà ở Linh Đàm (Hà Nội) và người đàn ông tên Mạnh trèo lên mái tôn giơ tay ra đỡ không một nhà báo nào có mặt, nhưng thông tin đã lan truyền chỉ trong tích tắc. Khi mà bất kỳ ai chỉ cần có smartphone cũng có thể là người truyền tin trên mạng xã hội, khi mà vai trò đưa tin không còn là lợi thế của báo chí truyền thống, báo chí sẽ phải làm gì?

Các nhà báo tác nghiệp trong vùng dịch. Ảnh: Quang Vinh.

Khi ai cũng có nền tảng để “xuất bản” thông tin

Tất cả những gì thuộc về lý thuyết được dự đoán trước đó, giờ đây đã trở thành hiện thực. Trong vô vàn sự kiện xảy ra trong thời gian qua, báo chí truyền thống đã đánh mất lợi thế ở khía cạnh đưa tin. Đã đến thời mỗi người đều có kênh “xuất bản” là nền tảng mạng xã hội và mỗi người đều có công cụ để sản xuất thông tin là chiếc điện thoại thông minh (smartphone) gọn nhẹ trong lòng bàn tay.

Trở lại với sự việc cháu bé rơi từ ban công toà nhà ở Linh Đàm xuống và khoảnh khắc anh Mạnh chạy băng qua đường, trèo lên mái tôn giơ tay đỡ cháu bé đã không một nhà báo nào có mặt, trực tiếp chứng kiến. Mà chính là một người phụ nữ ở toà nhà đối diện vừa cầm điện thoại quay vừa hét lên những tiếng thất thanh. Và rất nhanh, đoạn clip lan toả trên mạng xã hội. Những hình ảnh và tiếng hét thất thanh ấn tượng hơn bất cứ lý thuyết báo chí nào. Tất cả các tờ báo chính thống sau đó đều phải sử dụng thông tin từ đó.

Nói gì thì nói, những sự việc như vậy, đặt ra cho báo chí truyền thống và các nhà báo những câu hỏi sống còn về sự tồn tại của chính mình.

Cuộc chạy đua với mạng xã hội

Khoảng mười lăm, hai mươi năm trước, khi mà internet chưa phát triển mạnh, mạng xã hội chưa, hoặc mới manh nha ra đời thì báo chí là phương tiện chính đem thông tin đến cho người đọc. Người đọc trả tiền để có được thông tin nhanh nhạy, hấp dẫn. Nhà báo, về cơ bản, sống được bằng nghề. Và cũng vì vậy, nhà báo được xã hội tôn trọng. Một bài báo phải đính chính, một nhà báo bị xử lý kỷ luật luôn là một sự kiện gây xôn xao dư luận.

Xã hội ngày càng phát triển, báo chí cũng phát triển mạnh hơn. Nhiều tờ báo ra đời và số lượng những người hoạt động báo chí cũng tăng lên. Báo chí truyền thông, trong nghĩa nguyên thuỷ nhất, là đưa tin. Nhưng ngày nay, áp lực phải đưa tin nhanh hơn người khác không phải chỉ dừng lại ở việc cạnh tranh giữa các toà soạn, các cơ quan truyền thông mà cuộc đua tốc độ đang ngày càng bị đẩy lên cao. Các nhà báo, các tờ báo còn phải chạy đua với một “đối thủ khổng lồ” là mạng xã hội. Và có một sự thật không thể chối cãi, báo chí đã phải chật vật chạy theo mạng xã hội về tốc độ đưa tin và trong rất nhiều trường hợp đã phải “ăn theo” mạng xã hội.

Việc các phóng viên đã lấy tin bằng cách “lướt” mạng xã hội không còn xa lạ nữa. Những cập nhật trên facebook qua các hình ảnh, video, nội dung ngắn được chia sẻ của “những người đang có mặt tại hiện trường” được chuyển thành “tin nóng”. Có những nhà báo chỉ ngồi một chỗ xào xáo thông tin trên mạng xã hội thành bài viết của mình.

Đâu là chỗ của nhà báo?

Nghe như vậy chả lẽ báo chí hết thời hay sao? Sự thật là cho dù sức mạnh thông tin trên mạng xã hội là vô tận, thì nó vẫn tồn tại dưới dạng thô sơ và “vô tổ chức”. Khi bất cứ tin nào cũng được “xuất bản” thì tính xác thực là chưa thể được kiểm chứng. Mạng xã hội giống như một biểu hiện khác của tin tức vỉa hè, có thể đúng, có thể chỉ là một kiểu tin đồn. Vì vậy báo chí chỉ cạnh tranh nổi với mạng xã hội khi lợi thế của các cơ quan báo chí và của mỗi nhà báo là thông tin phải trở thành chuẩn xác, tin cậy. Ngay cả trong các dạng thông tin mà người “xuất bản” trên mạng xã hội đã trực tiếp chứng kiến, đã có hình ảnh, clip sống động, thậm chí đã livestream, báo chí vẫn có đất của mình khi thay vì đưa tin sơ khai, phải sắp xếp sự việc lại một cách hệ thống, đưa ra cái nhìn toàn cảnh và đào sâu các lớp thông tin khác nhau.

Nói về việc này, nhà báo Lê Thọ Bình - Phó Tổng biên tập phụ trách tạp chí điện tử Viettimes cho rằng: “Thời gian qua báo chí có vẻ như đã “tận dụng” thái quá nguồn tin từ mạng xã hội để rồi cuối cùng rối loạn vì những thông tin không chính xác. Những bức ảnh với những chú thích sai, những con số trồi sụt không ngừng vì thiếu nguồn tin đã được kiểm chứng. Sai lầm, sơ xuất trong nghề nghiệp nào cũng vậy, là điều không thể tránh khỏi. Điều đáng nói đối với báo chí ngày nay là sự lơ là, quên đi tầm quan trọng của việc phải xác minh thông tin và tuân thủ các nguyên tắc báo chí “một cách nghiêm túc, có đạo đức” mới chính là thủ phạm của việc đưa tin sai lệch.”

Cũng theo ý kiến nhà báo này, thì báo chí muôn thuở vẫn phải chạy đua thời gian về xuất bản nhưng các nhà báo cần nhớ rằng việc có được nguồn tin chính xác quan trọng hơn nhiều so với việc đưa tin sớm nhất. Hãy cân nhắc vì lợi ích lâu dài, chứ không nên “ăn xổi”.

Tận dụng mạng xã hội để làm cho báo chí mạnh hơn

Mạng xã hội là công cụ hữu hiệu cho nghề báo, không thể và không nên chối từ. Đón nhận một cách tích cực, sử dụng nó để “hành nghề” là xu hướng của các nhà báo ngày nay. Tuy nhiên nếu công cụ ấy bị sử dụng vào những mục đích xấu thì lại khác. Và thời nay người ta không còn lạ gì những dòng thông tin “ờm ờ” từ không ít trang cá nhân của các nhà báo. Nhà báo càng nhiều thông tin nóng, độc càng nhanh nổi tiếng. Và thời đại của xây dựng tên tuổi bằng những bài báo nhọc nhằn đã qua rồi, ngày nay chỉ cần viết vài dòng giật gân trên mạng xã hội, một tài khoản có thể đã nhận được hàng ngàn lượt chia sẻ, hàng triệu lượt like.

Mạng xã hội đã và đang có ảnh hưởng lớn tới hoạt động báo chí: Từ việc phát hiện đề tài, nắm bắt xu hướng, khai thác thông tin... Nghĩa là mạng xã hội ảnh hưởng tới cả quy trình làm báo. Nhiều tờ báo đã nắm lấy cơ hội này để tích hợp thêm các công cụ hỗ trợ độc giả. Nhiều bài báo nhờ được chia sẻ trên mạng xã hội mà sức lan tỏa rất lớn. Cho nên, bây giờ có lẽ không cần phải quá câu nệ vào việc đối lập giữa mạng xã hội và báo chí chính thống mà nên sử dụng nó như nào để mạng xã hội trở lên hữu ích không chỉ đối với người làm báo mà cả đối với độc giả. Khi mà ai cũng biết với cách sử dụng mạng xã hội để thông tin như hiện nay, thì đồng nghĩa với việc bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của mạng xã hội. Vì thế báo chí trong cuộc cạnh tranh với mạng xã hội thì không chỉ chạy theo tin tức, mà là trách nhiệm xã hội, định hướng dư luận và giữ uy tín, đạo đức của nghề.

Báo chí là một loại hàng hóa mang tính xã hội. Các nhà báo có trách nhiệm không phải chỉ truyền tải thông tin nhanh nhất mà thời buổi ngày ngày sức mạnh của báo chí chính là ở những khía cạnh “hơn cả tin tức”. Đó là trách nhiệm với công chúng, với nhiều lợi ích xã hội khác nhau, trong đó “đằng sau tin tức là những số phận con người”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đằng sau tin tức là số phận con người

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO