Đánh giá nền kinh tế trước hội nhập

Thành Luân 01/10/2015 21:30

Ngày 1/10, tại TP Hồ Chí Minh, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIII đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 14 để lấy ý kiến thẩm tra, thẩm định cho các báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, kế hoạch 2016 và giai đoạn 2016 - 2020.

TS Trần Du Lịch phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồng Phúc.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, việc thẩm tra lại các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội sẽ giúp Ủy ban Kinh tế đánh giá đúng được năm 2016 có vị trí như thế nào trong kế hoạch 5 năm tiếp theo.

Theo ông Giàu, cuối năm nay Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức có hiệu lực, ngoài ra thì từ 2016 - 2020 cũng là giai đoạn đầu mối theo dõi việc thực hiện các cam kết trong WTO, hay các công tác APEC và ASEM. Do đó, hiệu quả của cả giai đoạn này sẽ được đánh giá từ năm đầu thực hiện toàn bộ quá trình hội nhập.

Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng: Năm 2016 là năm đầu hội nhập sâu, cũng như hoạch định kế hoạch cho 5 năm tiếp theo và mọi điểm xuất phát từ năm này để tiến tới hội nhập và phát triển toàn diện với khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, ảnh hưởng tác động của kinh tế - xã hội 2015 cũng là không nhỏ.

Thứ nhất, là chúng ta vẫn duy trì và thực hiện tốt được 2 trụ cột là kiểm soát được lạm phát ở mức thấp và giữ được tăng trưởng tương đối đều.

Thứ hai, lĩnh vực khó khăn là cải cách hành chính thì năm 2015 cũng đã dễ chịu hơn, các luật lệ, thủ tục rườm rà được tập trung giải quyết. Năm qua chúng ta cũng đã có những kết quả tốt trong các hoạt động gìn giữ chủ quyền biển đảo; công tác ngoại giao giúp cho vị thế quốc tế được nâng lên.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này thì “mảng tối” của năm 2015 thì vẫn nổi lên như: Cổ phần hóa còn rất chậm;cơ cấu lại nền kinh tế thì kết quả chưa rõ, kể cả cơ cấu trong DN, nợ công. Tiếp đến là nợ công vẫn “nhùng nhằng”, rồi tiến trình hội nhập cũng ký được nhiều hiệp định, nhưng chuẩn bị, cũng như điều kiện đảm bảo để thực hiện khi vào AEC thì chưa làm được.

Một vấn đề rất lớn là nông nghiệp chưa có đột phá, chưa bật lên mà đây lại là chỗ dựa, là pháo đài của Việt Nam để vươn ra bên ngoài.

Đóng góp tham vấn của mình, TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM thì có cái nhìn lạc quan hơn khi cho rằng: Năm 2015 đã thấy “khỏe” hơn nhiều. Tăng trưởng kinh tế ổn định và đều hơn (2012: 5,1%; 2013: 5,14%; 2014: 5,53%; 2015 dự kiến sẽ 6,5%).

Theo ông Lịch thì hạ tầng đến nay chưa thật đồng bộ nhưng hết 2015 thì các quốc lộ, cao tốc sẽ hoàn thành và sẽ mở ra được nhiều cho kinh tế phát triển, được dự báo sẽ ổn định ở mức 6,6 – 6,8%. Tuy nhiên, nếu đi sâu vào vấn đề chất lượng thì TS Trần Du Lịch chỉ ra 9 điểm còn bất cập, tồn tại cần lấy ra để rút kinh nghiệm cho năm 2016 - Năm đầu hội nhập.

Cũng theo chuyên gia này, vấn đề bội chi hiện nay cũng rất nhức nhối khi tình trạng bội chi lớn hơn đầu tư. Cụ thể, năm 2015 bội chi 226.000 tỷ và chi thường xuyên, đầu tư 185.000 tỷ.

Liên quan đến ngân hàng, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ lo lắng thực sự khi 9 tháng đầu năm nay tình hình dư nợ thì tăng cao hơn huy động nhưng mà lạm phát thì quá thấp, lãi suất không còn giảm được nữa. TS Trần Du Lịch chỉ ra nguyên nhân của tình trạng trên: Nhiều năm liên tiếp trái phiếu Chính phủ không có cạnh tranh công bằng; Ngân hàng không còn khả năng giảm lãi suất hơn nữa...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đánh giá nền kinh tế trước hội nhập

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO