Dành quỹ đất cho nhà ở xã hội

31/03/2022 12:59

Chưa lúc nào vấn đề phát triển nhà ở xã hội để giữ chân công nhân, người lao động cho các khu vực sản xuất của TP HCM lại quan trọng như thời điểm này. Hơn 2 năm gánh chịu nhiều thiệt hại bởi dịch Covid-19, đô thị lớn nhất nước đã chứng kiến một lượng lớn lao động về quê tránh dịch, khiến nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, cả khu công nghệ cao rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng.

Một dự án nhà ở xã hội tại phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức (TP HCM) đang trong giai đoạn hoàn thành và bàn giao cho người dân.

Thiếu nhà ở, lao động khó “mặn mà”

Trở lại bình thường mới từ tháng 10/2021, TP HCM đối diện với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng, với phần lớn là nguồn lao động phổ thông. Theo ông Trần Văn Phương - chuyên gia trong lĩnh vực lao động - việc làm tại TP HCM, việc phải giãn cách kéo dài đã khiến nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng và cho đến hết quý I/2022 vẫn chưa thể ổn định trở lại.

Tại nhiều thời điểm đầu năm nay, một số doanh nghiệp thiếu từ 20-30% nhưng cũng không thể bù đắp ngay được bằng nguồn lao động mới tuyển dụng.

“Những khó khăn về sức khỏe, đời sống trong hơn 5 tháng xảy ra dịch, cộng thêm mức hỗ trợ eo hẹp từ các doanh nghiệp đã khiến cho làn sóng người lao động rời bỏ TP HCM về quê trở thành một cuộc khủng hoảng lao động chưa từng có tiền lệ”, ông Phương chia sẻ, đồng thời chỉ ra một phần nguyên nhân là do thiếu các chính sách đãi ngộ, chăm lo, nhất là về nhà lưu trú, nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động.

Về vấn đề này, Thạc sĩ xã hội học Nguyễn Công Hoài Lương từng thực hiện một khảo sát tại KCX Tân Thuận (Quận 7, TP HCM), trong đó phỏng vấn sâu các trường hợp quyết định trở về địa phương tránh dịch trong khi nhà máy tạm đóng cửa.

“Anh Đỗ Ngọc Quỳnh, 35 tuổi công nhân công ty Hong Ik Vina. Trước dịch, dù không tăng ca đêm, chỉ làm hành chính nhưng mức thu nhập giúp anh duy trì các chi phí tại thành phố. Thế nhưng, đợt dịch bùng phát khiến mọi thứ bị đảo lộn, nhất là phải chi trả thường xuyên tiền thuê nhà trọ trong khi mức hỗ trợ hàng tháng chỉ đủ để duy trì cho sinh hoạt của cả gia đình. Đây là một trong nhiều trường hợp trở lại quê ban đầu chỉ với mục đích tránh dịch nhưng cho đến nay đã quyết định lập nghiệp tại quê hương” - ThS Hoài Lương thông tin về một mẫu khảo sát.

Cùng với các khó khăn về vật chất và rủi ro về sức khỏe, nhiều công nhân, người lao động cũng lựa chọn nghỉ việc về quê vì nhiều lý do khác nhau, khiến thị trường lao động lớn nhất nước bị thiếu hụt trầm trọng, nhất là nguồn lao động phổ thông.

Tại buổi tọa đàm "Tác động của Covid-19 tới lao động ngành dệt may, da giày" mới đây, đại diện một số doanh nghiệp tiếp tục phản ánh những khó khăn trong tuyển dụng lao động mới do quá trình đào tạo lại để quen việc kéo dài thêm 2-3 tháng. Không ít doanh nghiệp ngành dệt may, da giày với đặc thù cần lượng lớn lao động phổ thông đã buộc phải cắt giảm các đơn hàng, trong đó có một số thị trường truyền thống như EU, Mỹ, Nhật.

Ngoài thiếu lao động, các đơn vị này cũng thừa nhận, chưa đủ vốn để xây dựng các khu lưu trú cho công nhân, người lao động để giải quyết vấn đề lâu dài cho họ.

Giữ chân người lao động

TP HCM là địa phương có nhu cầu rất lớn về lao động để cung cấp cho các KCN, KCX và khu công nghệ cao. Thành phố cũng giúp giải quyết công ăn việc làm cho hàng vạn lao động của khu vực Đông Nam bộ cũng như Đồng bằng sông Cửu Long hàng năm.

Dù vậy, một thực tế đang được TP HCM rất quan tâm, chỉ đạo là vấn đề “giữ chân người lao động”, xuất phát từ yêu cầu trực tiếp của giai đoạn “hậu Covid-19”.

Theo đại diện Sở Xây dựng TP HCM, Sở này vừa đề xuất UBND TP HCM về việc quan tâm dành 109 ha đất để xây dựng nhà ở xã hội cũng như nhà lưu trú cho lượng lớn công nhân, người lao động trên địa bàn thành phố.

Báo cáo của Sở Xây dựng TP HCM cho biết, quỹ đất dành cho nhà ở xã hội của thành phố có quy mô 70.000 căn. Trong đó, hiện đã có 14 dự án hoàn tất công tác đền bù giải tỏa và chỉ tính riêng diện tích xây dựng nhà ở xã hội đã là 32 ha, với khoảng 15.000 căn.

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng các chính sách mới về nhà ở xã hội sẽ thúc đẩy người lao động gắn bó lâu dài hơn với các nhà máy, xí nghiệp; đồng thời cũng giải quyết về lâu dài bài toán về nhà ở của họ.

Bên cạnh nhu cầu trực tiếp về nhà ở, ông Trần Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM cũng góp ý, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến các chính sách đãi ngộ và phụ cấp, chế độ lương thưởng để giữ chân người lao động.

Bên cạnh đó, chính quyền cần đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước đối với thị trường lao động để hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động. Thành phố cũng cần có các chương trình đầu tư xã hội để giúp công nhân, người lao động được đào tạo bài bản về nghề nghiệp -việc làm phù hợp nhu cầu thị trường lao động.

Để giữ chân người lao động, TS Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và quản lý TP HCM dẫn chứng chính sách hết sức thành công của tỉnh Bình Dương, một địa phương giáp ranh với TP HCM.

Theo bà Sâm, chỉ trong 5 năm triển khai (2016 - 2021), Bình Dương đã xây dựng tới 86 dự án phát triển nhà ở xã hội (gần 200 ha) với tương đương gần 3,9 triệu m2 sàn xây dựng được đưa vào sử dụng, giải quyết cho hàng vạn nhu cầu về nhà ở cho người dân và một phần lớn lao động từ các tỉnh.

“TP HCM có đầy đủ nguồn lực, kể cả quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội. Thành phố cũng có các cơ chế đặc thù để phát triển nhanh, mạnh hơn tỉnh Bình Dương, tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại các dự án nhà ở xã hội được bàn giao vẫn rất khiêm tốn, cho thấy những vấn đề bất cập cần phải sửa đổi trong thời gian tới” - bà Sâm nói.

Sở Xây dựng TP HCM vừa đề xuất UBND TP HCM về việc quan tâm dành 109 ha đất để xây dựng nhà ở xã hội cũng như nhà lưu trú cho lượng lớn công nhân, người lao động trên địa bàn thành phố. Quỹ đất dành cho nhà ở xã hội của thành phố có quy mô 70.000 căn. Trong đó, hiện đã có 14 dự án hoàn tất công tác đền bù giải tỏa và chỉ tính riêng diện tích xây dựng nhà ở xã hội đã là 32 ha, với khoảng 15.000 căn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dành quỹ đất cho nhà ở xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO