Đánh thức hồ Suối Hòm

Hoa Quỳnh 20/12/2017 09:10

Đến xã vùng cao Huy Tường (huyện Phù Yên, Sơn La), có thể thấy sự đổi thay rõ rệt khi những căn nhà khang trang mọc lên ngày một nhiều hơn, những ao thả cá xanh mát, màu của no đủ ngút ngàn… Đóng góp một phần không nhỏ vào nỗ lực thoát nghèo của vùng quê ấy, phải kể tới công sức của phó chủ tịch xã Vì Văn Hân.

Đánh thức hồ Suối Hòm

Phó Chủ tịch xã Vì Văn Hân thường xuyên ở cơ sở để giúp đỡ, hỗ trợ bà con.

Làm giàu ngay trên đất quê hương

Phó Chủ tịch UBND xã Huy Tường Vì Văn Hân (34 tuổi, người dân tộc Thái, quê ở huyện Mai Sơn, Sơn La) vốn là đội viên của Dự án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ ưu tú, có trình độ ĐH tăng cường về làm Phó Chủ tịch xã thuộc 64 huyện nghèo. Anh đồng thời cũng là Chủ tịch uỷ ban Hội Thanh niên Việt Nam xã Huy Tường.

Trong hội nghị tổng kết Dự án vừa diễn ra tại Hà Nội, người cán bộ xã trẻ cũng có mặt và được tuyên dương đội viên tiêu biểu của Dự án.

Anh Vì Văn Hân cho biết, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Công nghệ thông tin (TPHCM) năm 2009, anh trở về quê và làm việc tại Thư viện tỉnh Sơn La, với nhiệm vụ quản lý trang web và bảo tồn sách cổ của người dân tộc Thái.

Khi nghe tin có Dự án, anh đã đăng ký tham gia và được cử về làm Phó Chủ tịch xã Huy Tường từ năm 2012.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, Hân đã chứng kiến cảnh bố mẹ lao động, sản xuất nông nghiệp mà không biết áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến nên năng suất thấp.

Điều này khiến anh luôn trăn trở. Nay với cương vị Phó Chủ tịch xã, nhìn cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn do không biết tận dụng điều kiện tự nhiên vốn có để phát triển sản xuất, nên người thanh niên trẻ ấy quyết tâm tìm mọi cách giúp bà con thoát nghèo.

Không ngồi bàn giấy, đút chân gầm bàn mà Hân xuống cơ sở, ăn ngủ với bà con để nghiên cứu, tìm hiểu bà con có những lợi thế gì, còn thiếu gì và cần thay đổi như thế nào...

Được sự đồng ý của Ban Thường vụ Đảng ủy xã, các cấp lãnh đạo và tận dụng các chính sách hỗ trợ, chương trình giảm nghèo của Nhà nước, cũng như các tổ chức phi chính phủ, từ năm 2012 toàn xã đã tổ chức được hơn 100 lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ thuật trồng cây, chăn nuôi cho bà con. Có năm tổ chức được 30 lớp.

Năm 2013, hồ Suối Hòm của xã được nâng cấp, tu sửa để tích nước phục vụ tưới tiêu cho nhân dân trong xã, mở ra cơ hội để phát triển kinh tế trên diện tích mặt hồ như chăn nuôi thủy cầm, thủy sản...

Nhận thấy việc chăn nuôi thủy cầm, thủy sản ở nhiều địa phương đem lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời là cơ hội để thay đổi phương thức canh tác từ nhỏ lẻ sang xây dựng mô hình kinh tế hàng hóa có quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng sản phẩm nông nghiệp sạch, sau hơn 1 năm tự nghiên cứu, tìm tòi và học hỏi kinh nghiệm, anh Hân tham mưu cho cấp ủy chính quyền xây dựng đề án “Mô hình thử nghiệm chăn nuôi giống vịt trời thuần dưỡng” tại hồ Suối Hòm.

Được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền xã và lãnh đạo UBND huyện Phù Yên, dự án được phê duyệt với tổng kinh phí là 154.700.000 đ, Chủ tịch Hội Thanh niên xã Huy Tường đã vận động thêm 79 triệu đồng từ 10 hộ gia đình là hội viên Hội Thanh niên tham gia góp vốn cùng thực hiện mô hình.

Mô hình được xây dựng bài bản và quy mô, với sự tham gia tích cực của các gia đình hội viên.

Tận dụng nguồn cá, tép sông rất phong phú và rất rẻ từ các xã lân cận, anh Vì Văn Hân đã tự chế máy ép thức ăn cho vịt với công thức cứ 2 tạ ngô, thóc thì trộn với 20 đến 40 kg cá, tép sông.

Hỗn hợp này sau khi đưa vào máy ép thành viên, phơi khô thì để được 4 - 5 ngày.

Tính ra, chi phí mỗi kg thức ăn viên tự làm là 7.200 đồng, nếu mua ngoài thị trường là 10.000 đồng, chất lượng không đảm bảo bằng gia đình tự chế biến. Sau 4 tháng, lứa vịt đầu tiên đã được xuất chuồng, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Thương hiệu “Vịt trời Suối Hòm”

Năm 2014, nhận thấy cần phải mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm của bà con, vị Phó Chủ tịch xã lại vận động thành lập HTX và liên kết hợp tác với các HTX khác để tiêu thụ sản phẩm sạch.

Nhờ đó, sản phẩm vịt trời Suối Hòm đã có mặt tại nhiều nhà hàng, khách sạn, trên địa bàn huyện, thành phố Sơn La, và các địa phương khác.

Đến nay mô hình nuôi vịt trời đã cho tổng thu nhập trên 300.000.000 đ/năm, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 2 lao động thu nhập bình quân 3.000.000 đ/tháng, đem lại thu nhập ổn định cho 10 hộ gia đình hội viên góp vốn trên 2.000.000đ/hộ/tháng.

Không những vậy, để tận dụng lượng thức ăn dư thừa khi cho vịt ăn, lãnh đạo xã Huy Tường còn giúp dân đầu tư nuôi cá lăng, cá trê ở tầng đáy hồ, sau 3 đến 4 tháng lại xuất cá ra thị trường giúp nhiều gia đình thu thêm một nguồn lợi nhuận không nhỏ.

Xã cũng liên hệ với nhiều doanh nghiệp có trên địa bàn để đào tạo, hướng nghiệp cho lao động dư thừa tại địa phương.

Bằng tất cả tâm huyết và nỗ lực thoát nghèo cho bà con, từ khi anh Hân về làm Phó Chủ tịch xã Huy Tường đến nay, số hộ nghèo trong xã đã giảm rõ rệt từ 48,9% xuống còn 34,6%.

Nhiều gia đình không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu chính đáng, trở thành những hộ sản xuất giỏi như gia đình ông Cầm Văn Vĩnh (bản Muống Thượng) nuôi lợn giỏi, gia đình ông Đinh Công Xuẩn (bản Tân Lương 1) nuôi vịt giỏi, gia đình ông Cầm Xuân Trường (bản Cóng), gia đình ông Cầm Văn Điệng (bản Muống Thượng) chăn nuôi đại gia súc giỏi... với thu nhập trung bình 10.000.000 đồng/tháng.

Tấm gương tiêu biểu của Phó Chủ tịch xã Vì Văn Hân đã tạo nên hình ảnh đẹp về một thế hệ thanh niên không cam chịu đói nghèo, lạc hậu, xung kích trong phát triển kinh tế, giúp đỡ thanh niên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Kết thúc Dự án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ ưu tú, có trình độ ĐH tăng cường về làm Phó Chủ tịch xã thuộc 64 huyện nghèo, anh Vì Văn Hân tiếp tục được tín nhiệm và giữ chức vụ Phó Chủ tịch xã,

Chia sẻ với chúng tôi, anh Hân cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi “sự nghiệp” thoát nghèo cùng bà con, với dự định mở rộng diện tích trồng nghệ đen lên 20ha vì thị trường đang ổn định…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đánh thức hồ Suối Hòm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO