Đánh thức “miền đá”

Vi Sơn 31/01/2018 16:00

Trên đá, dưới đá, trước đá và sau lưng… cũng là đá, đá bao đời vây hãm, đưa Hà Giang vào những nghèo túng, triền miên. Người Hà Giang cần lắm những vòng tay nhân ái, để có sự hỗ trợ và trụ vững lại nơi biên cương. Đã có nhiều chương trình đầu tư đến vùng đất này, và trong đó, vai trò của người lính lại một lần nữa sáng lên bằng việc gom tiền, chung tay, mua bò tặng dân của họ. Nghĩa cử ấy đã nói lên cả, họ làm, không với mục đích gì ngoài người nghèo biên giới và sự vững chãi của biên cương – ph

Đánh thức “miền đá”

Niềm vui của người dân khi nhận được bò giống.

Ước mơ người phên dậu

Nói đến Hà Giang, ai cũng biết, đấy là miền phên dậu, nơi luôn được mệnh danh là “Miền đá xám”. Ở đây, đá bát ngát, mênh mông, kéo dài và thượng thặng nhất của đá phải được kể từ dốc Bắc Sum - “Đại hùng quan về dốc” của Hà Giang, dẫn lên 4 huyện vùng cao là Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Lên với miền đá xám Hà Giang mùa nào cũng khổ, Hạ có khổ của Hạ, Đông có nỗi khổ của mùa Đông.

Hiện nay, tỉnh biên giới có tới 277,934 km đường biên giới này đang có tới 23 dân tộc anh em cùng sinh sống. Nói như ông Sùng Đại Hùng, Giám đốc sở Lao động thương binh và Xã hội tỉnh thì: Mỗi người dân, mỗi dân tộc trên đây được ví như một cột mốc sống của miền biên ải. Có họ, phên dậu quốc gia mới vững, mới khẳng định được chủ quyền, tuy nhiên cuộc sống bao đời nay của họ lại hết sức khốn khó. Vậy nên, cần có những chủ trương, những tấm lòng và sự quan tâm đến họ để họ vượt khó mà ở lại!

Đánh thức “miền đá” - 1

Nhớ, có lần lên Hà Giang, gặp Nguyễn Quốc Định, cán bộ Sở Giáo dục đào tạo, Định tâm sự rất nhiều. Định vốn là người gốc của chiến khu cách mạng có tên Làng Ca (Kha Sơn, Phú Bình, Thái Nguyên). Học xong, ấn tượng với miền đất biên ải này, Định đã tìm lên và xin đầu quân nơi “đỉnh đầu” Tổ quốc. Định bảo, đi nhiều, nhưng có lẽ ít có mảnh đất nào gây ấn tượng với cậu như Hà Giang, trong đó có cái nghèo và tính bền gan của người dân nơi đây.

Bằng sự đi và trải nghiệm cùng nghề ở miền Cực Bắc này, Định chiêm nghiệm và đưa ra “nhận định” hết sức có triết lý: Sự sống của con người ta cần nhiều thứ, trong đó có hai thứ không thể thiếu được là Đất và Nước. Nhưng ở cái tỉnh xa ngút và điệp trùng đá này, hai thứ ấy hầu như đều thiếu cả. Thế nhưng họ vẫn sống, vẫn trường tồn và bám trụ đi lên.

Để cho đồng bào vùng cao Hà Giang tồn tại được và bám trụ, nhiều vấn đề “Quốc kế dân sinh” cũng đã được đưa ra; cùng với đó, là sự tăng cường của rất nhiều cán bộ từ Trung ương. Cách đây gần 10 năm về trước, sau khi “nắm đũa mà so cột cờ”, Trung ương đã điều lên Hà Giang một cán bộ được coi là “nói được, làm được”. Vị cán bộ này lên, sau nhiều đêm gác tay chau mày cùng gió núi, cái đầu tiên ông nghĩ đến, đưa ra và quán triệt ấy là phải tạo sinh kế và điều kiện cho dân bám bản, bám đất, bám biên giới. “Mái nhà, bể nước, con bò” là chiến lược được xác định ngày ấy ở Cao nguyên đá Hà Giang và nhận được rất nhiều ủng hộ, người dân vùng cao thì đồng tình!

Bằng sự kêu gọi, bằng việc ròng rã nối nhịp gần 400km từ Hà Giang về Hà Nội, với 12 tiếng đồng hồ “chi phí” để đi lại, tính đến nay, mái nhà, bể nước đã được Chính phủ đầu tư, dần đến với dân và “phủ sóng” hầu như trọn vùng Cao nguyên đá này. Nhưng “chiến lược” về con bò, tạo sinh kế, để lấy sức cầy, lấy phân bón và thu nhập lớn cho người dân trên đây sau 10 năm vẫn là bài toán khó.

Trao đổi về vấn đề này, gần đây, trong một cuộc trò chuyện, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch tỉnh Hà Giang cho biết: Hiện tại việc đầu tư cho dân, trong đó có cả con bò của chiến lược “Mái nhà, bể nước, con bò” đang gặp khó khăn. Cái khó bó cái khôn là ở chỗ đó.

Đâu khó, có các anh

“Mái nhà, bể nước, con bò” để tạo điều kiện, sinh kế cho dân mới thực hiện được 2 phần. Phần quan trọng nhất để trợ sức cho sản xuất và tạo nguồn thu lớn cho các hộ dân là con bò hiện nay Hà Giang đang phải tự lực cánh sinh. Cũng vì cái chuyện “đi mắc núi, ở lại mắc sông” giữa còn bò và nguồn tiền này mà hơn 10 năm thực hiện, đến nay, số bò của chương trình “Mái nhà, bể nước, con bò” của Hà Giang “mới phủ” được cho 6.661 hộ nghèo của Mèo Vạc và 1 phần nhỏ số hộ nghèo ở Đồng Văn. Theo lộ trình, nếu để “phủ kín” bò cho 43.800 các hộ nghèo hiện nay trong toàn tỉnh thì sẽ khó có ai ấn định được thời mốc ở cái tỉnh mà nghèo khó được ví… nhiều như đá núi này!

Đánh thức “miền đá” - 2

Con bò - tài sản được coi là quý giá với các đồng bào vùng cao Hà Giang.

Nhưng, đang trong lúc hết sức lúng túng này, chả ngờ, vận may đã đến cùng người dân vùng phên dậu Hà Giang. Ấy là có sự vào cuộc của người lính. Theo ông Sùng Đại Hùng thì sự chung tay của người lính với miền phên dậu này thực sự trở thành cơ hội cho các hộ dân nghèo trong 10 huyện trên tổng số 12 huyện thị hiện có của Hà Giang. Đây là việc làm có ý nghĩa, giúp nhanh chóng xóa đói giảm nghèo cho bà con nhân dân các huyện, đặc biệt là những huyện đặc biệt khó khăn như Mèo Vạc, Đồng Văn… Giúp người dân nơi đây có động lực để từng bước thu hẹp khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi như chủ trương của Đảng và Nhà nước!

Đầu Đông, những đợt lạnh bất thường như vo viên những xóm làng của các đồng bào dân tộc không làm ông Lương Văn Đoàn, Chủ tịch huyện Vị Xuyên giảm đi những phấn chấn. Ông Đoàn vui vẻ cho biết, sáng nay, vừa cùng các ban ngành của huyện, vượt quanh, vượt cua vào mãi tận Minh Tân – Vùng chiến địa một thời của Chiến tranh biên giới để trao bò cho bà con. 20 con bò được trao từ sự chung tay và chắt chiu tiền của những người lính đã đến tận tay các hộ gia định nghèo.

Đánh thức “miền đá” - 3

Ai cũng biết, cách đây 31 năm về trước, cụ thể là vào năm 1984, Vị Xuyên được ví là “Miền chảo lửa”. Chiến tranh qua đi, làng mạc bị phá hủy, lại thêm sự ảnh hưởng của tàn dư cuộc chiến, đất đai bị “ô nhiễm” bom mìn và các loại trọng pháo còn rơi rớt lại đã ảnh hưởng đến sức khỏe và lao động sản xuất của bà con. Trên 20% hộ nghèo của toàn huyện là cái thách đố và rất cần sự chung tay để xoa dịu nỗi đau, xóa đi nghèo khó. Ông Lương Văn Đoàn, nhấn mạnh, việc chắt chiu, dành tiền, mua bò tặng dân của người lính trên đây là một nghĩa cử hết sức cao đẹp!

Theo kế hoạch, trong năm nay, sẽ có thêm bò để trao cho các hộ nghèo của huyện biên giới Vị Xuyên. Bò được coi như “món quà” đầy ý nghĩa, gửi gắm tinh thần cao đẹp của người lính này sẽ được phân bổ tới các hộ nghèo của các xã nằm ngay bên phên dậu biên gới như Thanh Thủy, Thanh Đức, Lao Chải, Xín Chải. Với nghĩa cử này, hy vọng rằng, chủ trương “Mái nhà, bể nước, con bò” sẽ nhanh chóng trở thành hiện thực với người dân nghèo miền phên dậu Hà Giang.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đánh thức “miền đá”

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO