Đánh thức nguồn năng lượng tái tạo

Nam Việt 16/03/2019 08:00

Mới đây, tại Hội thảo quốc tế “Phát triển năng lượng tái tạo hướng tới giảm thiểu Carbon tại Việt Nam”, vấn đề năng lượng tái tạo, năng lượng bền vững lại được các chuyên gia đặt ra. Đáng chú ý, giới chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đã đưa ra nhiều khuyến nghị cụ thể cho Việt Nam.

Đánh thức nguồn năng lượng tái tạo

Điện gió- hướng mới trong phát triển điện năng.

Nói như ông Gareth Ward- Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam thì lợi thế của Việt Nam là tia nắng mặt trời rất dồi dào, đặc biệt ở khu vực miền Trung và miền Nam. Tốc độ gió nơi này rất tốt, và đây sẽ là lựa chọn tốt cho tương lai khi phát triển năng lượng tái tạo.

Với bất cứ quốc gia nào, năng lượng (cụ thể là điện) luôn được ví như mạch máu trong cơ thể. Càng phát triển thì điện, năng lượng càng cần thiết, cũng giống như điện đã làm thay đổi quá trình phát triển của nhân loại.

Với Việt Nam, chúng ta dồi dào nguồn năng lượng tự nhiên để sản xuất điện. Tới nay, hệ thống các nhà máy thủy điện lớn nhỏ đã phủ kín các vùng miền cả nước. Đặc biệt đối với các tỉnh miền núi, thủy điện rất phát triển. Nhiều địa phương không thể xây dựng thủy điện to thì làm thủy điện nhỏ. Nguồn nhiệt điện của đất nước cũng rất lớn. Đó là nhà máy nhiệt điện chạy than, dầu. Nhiều năm qua, nhiệt điện và thủy điện đã đem đến động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của đất nước. Tuy chưa được như ý, nhưng hiện nay điện đã đến được tận các làng bản xa xôi, ra tận những hòn đảo gần bờ.

Nhưng thực tế cũng cho thấy, tài nguyên sẵn có (đặc biệt là than và dầu, khí) nhiều mấy thì cũng không đủ. Tới nay, đã có dấu hiệu phải nhập than để vận hành một số nhà máy điện sử dụng nguồn năng lượng này. Với nhà máy điện vận hành bằng dầu thì cũng đã gặp phải một số khó khăn nhất định khi cung cấp nhiên liệu. Ngay đến thủy điện, do biến đổi khí hậu cộng với việc các quốc gia đầu nguồn các con sông chảy vào nước ta đã xây nhiều nhà máy, hồ thủy điện, nên lưu lượng nước để chạy các nhà máy thủy điện ở ta cũng không ổn định.

Đã thế, những nhà máy nhiệt điện, và cả thủy điện bên cạnh mặt tích cực thì cũng phát sinh những vấn đề môi trường. Chất thải của nhà máy nhiệt điện là rất lớn. Còn với thủy điện, do phải sử dụng diện tích đất rừng lớn nên cây cối tự nhiên bị chặt hạ, kể cả những cánh rừng đầu nguồn. Trong khi đó, việc trồng mới lại không được các chủ nhà máy thực hiện nghiêm túc. Và, nếu có trồng lại rừng thì cũng cần thời gian rất lâu mới “hoàn nguyên” được môi trường.

Đất nước phát triển càng cần điện, nếu không tìm kiếm thêm những nguồn năng lượng “phi truyền thống” thì nguy cơ thiếu điện sản xuất, điện sinh hoạt là rõ ràng.

Chính vì thế, việc đưa những nguồn năng lượng tái tạo (chủ yếu là gió và năng lượng mặt trời) vào hệ thống điện quốc gia là điều rất cần thiết và có thể nói là không chậm trễ được nữa.

Tuy nhiên, đây là vấn đề khó, vì cần nhiều điều kiện. Theo giới chuyên gia, để có một cơ sở điện gió, điện mặt trời thì cần phải có địa điểm thích hợp, diện tích đất lớn, đầu tư lớn, hệ thống kết nối với mạng lưới điện quốc gia phải đồng bộ. Một vấn đề nữa chính là giá thành của nguồn điện này trong thời gian đầu đi vào khai thác không rẻ.

Tuy nhiên, nói như vị Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, ông Gareth Ward, thì Việt Nam cần gấp rút xây dựng các cơ sở sử dụng năng lượng tái tạo. Vì rằng, thời gian không chờ đợi. Ví dụ: Để xây dựng được một nhà máy điện mặt trời thì phải mất 2 năm, nhà máy năng lượng điện gió mất khoảng 4 năm. Như vậy, để thay đổi cơ cấu năng lượng cho một quốc gia thì có thể phải mất khoảng 10 năm.

Các nhà chuyên môn cũng khuyến cáo, để phát triển nguồn năng lượng tái tạo, thì Chính phủ cần huy động vốn đầu tư của tư nhân, coi đó là một kênh dẫn vốn quan trọng, đồng thời cũng sẽ thúc đẩy việc hình thành nguồn năng lượng này nhanh hơn.

Sở dĩ vấn đề điện gần đây gây được sự chú ý là bởi nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng. Trong khi giá điện vẫn ở hướng nhích dần lên. Thông tin từ Bộ Công thương, giá điện có thể tăng 8,36% ngay trong tháng 3 này. Cụ thể, giá điện sẽ tăng từ 1.720,65 đồng lên 1.864,04 đồng 1 kWh (chưa gồm thuế VAT). Việc tăng giá bán lẻ điện lần này, theo lý giải của nhà chức trách, nhằm lành mạnh hoá thị trường điện. Hiện cơ cấu nguồn điện huy động từ khí, điện than đắt hơn, mức tiêu thụ tăng 10% trong khi các dự án điện ngoài EVN bị chậm, không đáp ứng đủ nhu cầu cung ứng, tiêu dùng.

Như vậy, càng thấy mức độ cần thiết và cấp thiết của tăng cường nguồn cung cấp điện, trong đó điện gió và điện mặt trời cần phải được coi là giải pháp quan trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đánh thức nguồn năng lượng tái tạo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO