Đạo diễn/Nhà văn Võ Đắc Danh: Còn nhiều góc khuất đáng sống

Việt Quỳnh 08/06/2017 14:05

"Nếu không phải vì hàng tháng cần đủ số tiền để nuôi con ăn học bên Mỹ, thì tôi không cần đi bán tổ yến, bán mật ong. Giờ mỗi khi thu tiền của người thân cũng thấy ngại, sau này con học xong, sẽ thoải mái mọi sự hơn, tha hồ tiếp đãi bạn bè. Vợ chồng tôi đâu có nhu cầu tiêu xài nhiều, loanh quanh mảnh vườn với trái cây, ngọn rau cũng đủ sống…” Nhà văn Võ Đắc Danh cười hiền chia sẻ.

Buổi sáng đầu tuần, theo lời hẹn trước, tôi đến thăm nhà văn Võ Đắc Danh ở khu vườn Xẻo Lá – góc bình yên của gia đình anh sau khi rời khỏi chốn báo trường nhọc mệt, nơi thị thành xô bồ.

Dường như không còn quan tâm đến những ồn ào đang xoay vòng xung quanh, dưới tán mát bóng cây, nhà văn Võ Đắc Danh ngồi nhẩn nha uống cốc trà đá mát, nhâm nhi vài đọt gừng cay, nghe tiếng chim yến ríu rít bay ra bay vào quanh tổ cùng tiếng gió xạc xào trên tán lá khô trong khu vườn vắng. Sáng nay, Xẻo Lá không có cuộc hẹn khách tới mua hàng, chẳng có bạn tới nhậu chơi, chỉ có ông chủ vườn nét mặt ôn hoà, chất giọng Nam trầm ấm, đi lại khoan thai mà nhanh nhẹn với nhiều khí lực, ngồi góc vườn kể chuyện vì sao lại may mắn có được mảnh đất ruộng nhỏ này, hay ngôi nhà cổ mua từ người quen ở Phan Rang, trước là nơi ở của các sơ, sau là nơi hội ngộ giữa gia chủ cùng bạn hữu.

Gặp nhà văn Võ Đắc Danh, cảm giác ấn tượng đầu tiên là về một người nông dân cầm bút, (mà cũng bởi hình ảnh ấy quá rõ nét, nên “người nông dân cầm bút” cũng từng là biệt danh của ông được bạn đọc gọi tặng). Sự chân chất, thật thà, lẫn hào sảng, dễ dàng cho đi - những đặc trưng dễ nhận thấy của người dân gốc Nam Bộ. Bên trong nữa, là sự sâu sắc trong quan điểm sống, cái tình thì đặt trên hết thảy mà vẫn không kém phần thực tế, hiểu đời...

Theo chia sẻ của nhà văn Võ Đắc Danh, ông sinh ra trong một gia đình nghèo ở Cà Mau, quanh nhà đồng ruộng, dừa nước mênh mang, từ nhỏ, đã vất vả với từng bữa ăn, sinh kế.

Năm 1981, ông bắt đầu nghiệp viết của mình, mà kì lạ thay, thể loại bút ký đã hiện thành ngay từ những bài viết đầu tiên trên tạp chí Văn, cứ hai tháng lại ra một số.
Đến năm 1989, ông sinh con đầu lòng. Từ đây, cuộc đời của ông có nhiều thay đổi, khi thêm trách nhiệm với gia đình nhỏ. Để có chút tiền tiêu, ông mang mấy trăm số tạp chí ký gửi ở một sạp báo. Mỗi sáng, ông đạp xe ra sạp xem người ta có bán được số nào không, nếu có, thì lấy chút xíu đó, chi tiêu cho gia đình. Vì thế, mấy trăm số báo ký gửi mà không có đồng nào đem về trả lại được cho toà soạn. Buồn và chán thêm xấu hổ, nhà văn Võ Đắc Danh nghĩ cần phải làm ăn để trả nợ.

Quyết định nuôi trăn, ông vay ngân hàng bốn triệu đồng với lãi suất 10,2% mỗi tháng: “Ai biết đâu con trăn một năm mới đẻ một lứa, trong khi hạn vay của tôi là ba tháng, tới hạn rồi mà không có tiền trả. Khi ấy, có một dược sĩ tới, rủ tôi nấu cao trăn, tôi lại chạy ra ngân hàng vay hai mươi triệu đồng với lãi suất 5,5% một tháng. Tôi lấy tiền đó trả nợ, lột da trăn bán, còn thịt nấu cao, bộ lòng thì làm món nên tôi mở thêm quán nhậu. Tưởng sẽ qua được gian khó, vậy mà tiền thu về không kịp trả ngân hàng, thành ra lại phá sản”.

Nhà không còn bất cứ thứ gì đáng giá ngoài cái xe đạp. Thương xót cảnh của gia đình ông, một người quen cho mượn đầm ở Gành Hào nuôi tôm. Mừng quá, ông đón xe đò từ Cà Mau đi Hộ Phòng, rồi lại bắt chuyến tàu đò từ Hộ Phòng xuống Gành Hào, lóc cóc ra đầm, gom lá, gom cành cây dựng chòi. Xong xuôi, nhìn ra đầm nước mênh mang, mới sực nhớ lấy tiền đâu mà mua tôm giống. Đúng ngày giáp Tết, ngư dân kéo lưới vớt tôm thẻ trên sông số lượng lớn, nhưng lại không ai mua cả, họ qua đầm ông, bán chịu tôm. Gặp may, ông mua liền ba mươi ngàn con tôm giống, đổ xuống đầm. Đêm đêm, thắp đèn sáng, dụ tôm bạc đất, thu hoạch được hai đến ba ký, ra chợ bán, lấy tiền mua gạo cho gia đình, mua phân thả xuống đầm nuôi tôm. Hai, ba tháng sau đặt đé, thấy tôm nhảy lách tách, nghĩ mình sắp giàu, bắt đầu mơ mộng đến ngày thu hoạch, trả hết tiền nợ, còn dư sẽ mua máy quay, đi học làm đạo diễn phim tài liệu. Giữa niềm hân hoan, nhà văn Võ Đắc Danh viết thư cho nhà văn Trang Thế Hy khoe sắp có tiền để làm phim, ông Trang Thế Hy trả lời: “mày là người nghèo mà có tiền, chứ không thể giàu”.

Chờ mãi cũng đến ngày xổ tôm, chủ nợ đã xuống đầm ngồi sẵn chờ lấy tiền. Nợ người ta ba triệu đồng tôm giống, nhưng khi thu hoạch, thì chỉ được hơn triệu tiền tôm. Rốt cuộc , ông lại tiếp tục nợ nần.

Rút kinh nghiệm, ngừng việc sản xuất lại, ông đi buôn bán tôm, gom tôm từ Đất Mũi, chở đi bán cho nhà máy chế biến thuỷ sản, ăn chênh lệch.

Ông nhớ lại vào một tối, khi đang cùng vợ trả tiền cho nông dân sau khi thu mua tôm con nước cuối, bỗng nhiên không thấy con gái đâu. Hai vợ chồng thắt tim, cầm đèn mải miết đi tìm, mãi, mới thấy con gái khóc thút thít ở góc rừng, vì bị một chị hàng xóm dụ ra đó rồi giựt bông tai.

Được hai năm, thu được khá tiền, ông trả được hết nợ, lại tiếp tục ước mơ học nghề đạo diễn.

Ngày đó, vợ đang bán hàng xén ở sạp nhỏ trong chợ, ông nhờ vợ gom được ba triệu đồng toàn những đồng tiền lẻ. Ra chợ, mua được hai ký cá khô, ông nhảy xe đò lên thành phố, gặp đạo diễn Trần Thanh Hùng chuyên làm phim tài liệu, đang là giám đốc hãng phim Giải Phóng.

Nhà văn Võ Đắc Danh nói:

- “Anh hai, em muốn làm phim tài liệu, anh giúp em được không?”

Ông Hùng rưng rưng nước mắt trả lời:

- “Thời kỳ nhà nhà làm phim, người người làm phim mì ăn liền, phim tài liệu chết, chẳng ai muốn làm, ngoài chú, nhưng anh thì sắp nhập viện chữa bệnh rồi…”

Nhớ ra, ông Hùng gọi điện cho bạn là đạo diễn Nguyễn Ngọc Hiến, nhờ giúp đỡ. Ông Hiến nhận lời, Võ Đắc Danh trở thành học trò của ông.

Đạo diễn Nguyễn Ngọc Hiến không nhận tiền học phí mà cậu học trò muốn đóng biếu thầy, trái lại, chiều chiều, sau mỗi ngày lên hãng học hỏi, ông lại đưa Võ Đắc Danh đi nhậu rồi trả tiền. Sau hai ba ngày, ông Hiến nói: - Cậu học xong rồi đấy, tôi hết bài rồi.

Tạm biệt thầy, Võ Đắc Danh về Sở Văn hoá Minh Hải (Cà Mau – Bạc Liêu) bắt đầu sự nghiệp làm phim tài liệu.

Võ Đắc Danh nói, ông ham thích tìm hiểu văn hoá bản địa, con người Nam Bộ. Mà cũng không hiểu sao, như một sợi dây nối kết vô hình, ông rất dễ hiểu thấu và cảm thông với những thân phận khổ nghèo. Từng thước phim, từng trang viết, thấm đẫm nỗi niềm tình buồn dằng dặc của những nhân vật mà ông gặp. Thế nên, văn cũng như người, chẳng có nổi một dòng viết vui.

Cô con gái đang học bên Mỹ, như sự gửi gắm với mong mỏi đổi thay số phận nghèo buồn cứ dai dẳng bám riết gần hết đời ba má. Ông vui khi con gái được tham gia bộ phim nổi tiếng “Fast & Furious 7” và có tên trên bộ phim với vai trong tham gia thiết kế kỹ xảo trong phim. Tự hào khi thấy tên con được viết trên số Tết của một tờ báo. Và lại ngậm ngùi buồn khi vắng con, hai vợ chồng tóc chớm bạc, da vừa nhăn loay hoay dựng mấy cái xích đu đặt rải rác góc vườn, mong ngày con về chơi.

Nhà văn Võ Đắc Danh tâm sự:

“Những năm 90, làm trưởng phòng phóng viên báo ảnh Đất Mũi kiêm chủ cửa hàng video to đùng, ngày thường, mình vẫn chạy chiếc cup 81 cà tàng đi giao từng cuốn phim cho khách. (…) Giờ gác kiếm, từ giã "giang hồ" về nuôi yến, đi bán yến, bán mật ong, phần lớn khách hàng là bạn đọc và bạn bè đồng nghiệp. Bởi vậy, khi trực tiếp mang sản phẩm đi giao cho khách, mình tìm thấy một sự ấm áp, một niềm vui khó tả. Khách lại luôn coi mình là khách, một hai phải vào nhà trò chuyện, tâm tình, chia sẻ như đã từng quen, có khi là bình trà, có khi là ly cà phê, có khi về tới nhà đã say khướt mướt. Trộm nghĩ, giữa cuộc đời ô trọc nầy còn có những góc khuất đáng sống, đáng yêu ! Lại trộm nghĩ, một mai gái út ra trường, mình sẽ chia tay với công việc, hẳn sẽ buồn, sẽ nhớ, nhớ rất nhiều thứ lắm...”

Võ Đắc Danh là một nhà văn, nhà báo, nhà viết kịch và là nhà đạo diễn phim tài liệu. Thể loại bút ký về cuộc sống của người dân Nam Bộ đã mang lại sự thành danh cho ông.

Tác phẩm:

Bút ký:

“Nỗi niềm U Minh Hạ”, Nhà xuất bản Trẻ 2001

“Thế giới người điên”, Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn 2006

“Đồng cỏ chát”, Nhà xuất bản Trẻ 2008

“Canh bạc”, Nhà xuất bản Trẻ 2009

Các bộ phim tài liệu biên kịch và đạo diễn:

“Đất lành”, Sở VHTT Minh Hải 1994

“Dòng sông ra biển”, Sở VHTT Minh Hải 1995

“Sông Trẹm giữa U Minh”, hãng phim Hội nhà văn 1996

“Nhức nhối một vùng quê”, Đài TH Cần Thơ 1996

“Con trâu”, Hãng phim Giải phóng 1997

“Nỗi niềm U Minh Hạ”, Hãng phim truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh 1999

“Một vùng sông nước”, Hãng phim truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh 2000

Giải thưởng:

Giải nhất cuộc thi do báo Văn nghệ tổ chức năm 2008 cho tác phẩm bút ký “Cổ tích trên đỉnh mồ côi”.

Giải thưởng liên hoan phim Việt Nam lần thứ 12 cho phim tài liệu “Con trâu”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đạo diễn/Nhà văn Võ Đắc Danh: Còn nhiều góc khuất đáng sống

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO