Đạo học ở núi Phượng Hoàng

Cẩm Anh 18/01/2016 13:10

Đầu Xuân 2016, đứng trên đỉnh núi Phượng Hoàng vi vút thông reo - nơi bậc Vạn thế sư biểu Chu Văn An lui về ở ẩn những năm cuối đời - không khỏi không chạnh lòng nghĩ về công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà đã được khởi động quyết liệt trong suốt cả năm 2015. Sự học ngẫm từ nơi này thấm thía hơn nhiều những bài học từ trang giáo án. Bởi vì đổi mới thế nào thì suy cho cùng đích đến của giáo dục cũng là để hình thành nhân cách con người.

Đạo học ở núi Phượng Hoàng

Đền thờ Chu Văn An trên núi Phượng Hoàng.

1. Bắt đầu từ một giấc mơ mà nhân dân trong vùng này vẫn kể lại. Năm 1990, người đàn bà nông dân tên là Dậu ở làng Kiệt Đặc (xã Văn An, Chí Linh, Hải Dương) nằm mơ thấy có một Tiên ông nâng dậy đưa vào rừng, chỉ cho bà những tấm bia đá. Tỉnh dậy, bà chạy vào rừng theo đúng chỉ dẫn của giấc mơ, phát quang lau sậy và tìm thấy 5 tấm bia đá. Giấc mơ kỳ diệu của người đàn bà nông dân lan khắp cả vùng. Chính quyền mời những nhà sử học về và 5 tấm bia đá cùng một bức tường đổ được tìm thấy ấy chính là Tiều cổ ẩn bích – nơi danh thần Chu Văn An ở ẩn những năm cuối đời sau khi Ngài dâng Thất trảm sớ, treo ấn từ quan. Có nghĩa là Tiều cổ ẩn bích nằm trên đỉnh núi Phượng Hoàng vào năm 1990 chỉ còn là một phế tích.

Còn bây giờ thì nơi này đã khác xa rồi. Kết quả khảo cổ học được Bảo tàng Hải Dương tiến hành những năm sau đó đã tìm thấy hầu hết các dấu tích mà trên 5 tấm bia đá đã ghi lại. Núi Phượng Hoàng với 72 ngọn, rừng thông bát ngát, suối trong rì rào là nơi Chu Văn An dựng nhà dạy học, tìm cây thuốc chữa bệnh, làm thơ, viết sách. Ngài hóa ở đây. Bây giờ trên đỉnh Phượng Hoàng đã phục dựng được phần lớn những di tích: Đền Phượng Hoàng, mộ Chu Văn An, điện Lưu Quang – nơi Chu Văn An từng dạy học và tiếp khách, ao Miết Trì… Mộ Chu Văn An được đặt đúng vị trí đầu chim Phượng Hoàng (núi Phượng Hoàng mang hình chim Phượng giang hai cánh), 2 bên là hai mắt chim – 2 giếng nước. Nhưng các nhà khảo cổ mới chỉ tìm thấy một bên mắt phải, giếng bên trái vẫn là một ẩn số. Đặc biệt là giếng Son, chỉ tìm thấy những viên đá son ở phía đông chứ chưa tìm thấy giếng. Tương truyền rằng Chu Văn An đã mài loại đá son với nước giếng Son để lấy mực dạy học trò.

Không ai lý giải được vì sao bậc Vạn thế sư biểu Chu Văn An lại chọn vùng đất này làm nơi ở ẩn. Chỉ biết đỉnh Phượng Hoàng cách Côn Sơn có 5 cây số, động Thanh Hư là nơi danh nhân Nguyễn Trãi sống những năm cuối của một cuộc đời giông bão. Không xa nơi này là đền Kiếp Bạc thờ Đức Hưng Đạo Đại Vương. Trên đường vào núi Phượng Hoàng, ta đi qua Tinh phi cổ tháp - tháp mộ Bà chúa Sao Sa Nguyễn Thị Duệ - người đàn bà giả trai đi thi và trở thành nữ Tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam…

2. Năm 2015, chọn thi cử làm khâu đột phá, ngành giáo dục bước vào lộ trình đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục vốn đã được đề cập trong Nghị quyết Trung ương 8 khóa 11. Việc thứ hai, cũng được đưa ra trong năm là dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể theo trình tự của đổi mới là sau cải cách thi cử thì đến đổi mới chương trình, rồi mới đến sách giáo khoa. Nhưng đáng tiếc thay, cả hai bước lớn được đưa ra đều trở thành tâm điểm ầm ĩ của dư luận trong cả một thời gian dài. Đầu tiên là Kỳ thi THPT Quốc gia rơi vào những ngày cực nắng nóng. Rồi bắt đầu đến mê hồn trận đăng ký trường. Rồi đến cuộc tranh luận căng thẳng về môn sử và tích hợp hay không tích hợp…

Bất cứ sự đổi mới nào cũng có những bỡ ngỡ và va vấp ban đầu. Nhưng chẳng phải gộp hai kỳ thi làm một đã là kiến nghị, là lộ trình phấn đấu nhiều năm mới thực hiện được hay sao? Hay vấn đề đổi mới chương trình, chẳng phải nhiều năm chúng ta đã từng kêu ca là chương trình quá nặng cần tích hợp theo hướng giảm tải hay sao?

Câu chuyện ở đây là cách nhìn về một vấn đề. Đành rằng Kỳ thi THPT Quốc gia 2015 chưa làm tốt trong khâu thực hiện. Nhưng lộ trình gộp 2 kỳ thi làm một đang là bước đi hợp lý của đổi mới. Vậy là chúng ta cần đóng góp ý kiến để quá trình thực hiện tốt lên thay vì bác bỏ một Kỳ thi quốc gia. Cũng như việc đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, cần những thông tin để hoàn thiện qui trình đổi mới, chứ không phải là những sự phản đối lấy được bất kỳ một sự khác đi nào so với cái cũ.

3. Chỉ cần có một một chút liên tưởng và kết nối ở một vùng núi như Chí Linh, nơi nhiều nhân tài đang được thờ phụng, ta đủ nhận ra mẫu số chung của những tài năng và nhân cách lớn. Bây giờ ở đền thờ Chu Văn An trên đỉnh núi Phượng Hoàng, hàng ngày, hàng tuần, nhất là vào dịp đầu năm mới, rất đông thầy và trò ở nhiều trường học về dâng hương tưởng niệm. Ngành giáo dục cả nước coi núi Phượng Hoàng cùng với Quốc Tử Giám như là một “điểm đến”. Giữa vi vút thông reo, nghe văng vẳng đâu đây một “tiếng thét giữa hoàng cung”. Bài học từ “bậc thầy của muôn đời” không phải là một kiến thức cụ thể, không phải là một bài toán khó, không phải là một trận đánh trong lịch sử… mà là bài học làm thầy và làm người. Có thầy ấy tất sinh ra trò ấy.

Đổi mới chương trình và sách giáo khoa đặt đầu bài cho các chuyên gia giáo dục về việc cân đối giữa các môn học, các kiến thức, nên coi trọng cái gì, nên trang bị cho học sinh những kiến thức gì. Rồi từ đó mà thể hiện trong sách giáo khoa. Kiến thức, kỹ năng là cực kỳ cần thiết đối với mỗi người để bước vào đời. Nhưng nếu chỉ có kiến thức và kỹ năng, chưa đủ để gọi là giáo dục. Bởi thế cùng với đổi mới thi cử, cải tiến chương trình – sách khoa giáo, có một thứ đổi mới cực quan trọng cần song hành là đổi mới đạo làm thầy và đạo làm trò. Đó mới là nền tảng của giáo dục. Không chương trình hay sách giáo khoa nào cho ra đời những con người tốt nếu chưa có một môi trường giáo dục tốt.

Không có bất cứ một lĩnh vực nào tác động sâu sắc tới mọi người, mọi nhà như giáo dục. Sự giữ gìn đạo học (bao gồm cả đạo làm thầy và đạo làm trò) không phải chỉ thầy hay trò là có thể làm được. Nó cần sự nghiêm cẩn khi hành xử với giáo dục của tất cả mọi người. Không thể mong có thầy ra thầy, trò ra trò nếu phản ứng hay phản biện của xã hội về giáo dục thiếu tính giáo dục và xây dựng. Như không mong con trọng thầy nếu cha mẹ coi thầy như một cuộc mặc cả bán mua của kinh tế thị trường. Thầy cũng không mong trò trọng thầy nếu thầy coi mình như người đi bán chữ.

Như có một thầy giáo nói rằng đến núi Phượng Hoàng đứng trước một người thầy lớn không màng danh lợi, vinh hoa là để ngẫm về đạo làm thầy, không phải để cầu xin danh vọng!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đạo học ở núi Phượng Hoàng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO