Đạo làm thầy và đạo làm trò

Cẩm Thúy 20/11/2020 07:30

Trên mạng xã hội những ngày này tràn ngập hình ảnh người người, lớp lớp quay trở lại thăm trường, thăm lớp, thăm thầy cô của những thế hệ học sinh giờ đã trưởng thành, thậm chí đã già. Không thể phủ nhận rằng cũng có trong số ấy là biểu hiện của việc chạy theo hình thức, cốt chỉ để chụp ảnh khoe lên mạng. Nhưng chúng ta vẫn có đủ niềm tin rằng giữa những ngày này cả xã hội đang tri ân thầy cô theo đạo lý tôn sư trọng đạo của dân tộc.

Làm thầy thời hiện đại hôm nay khó hơn rất nhiều. Ảnh: N. Quân.

Chúng ta, giữa bộn bề của đời sống hiện đại, vẫn giữ đủ niềm tin là cho dù cuộc sống có biến đổi thế nào, thì những giá trị cơ bản nhất, bền vững nhất vẫn không thể mất đi.

Chúng ta vẫn đủ niềm tin rằng đội ngũ hơn một triệu thầy cô trong cả nước, vẫn đang không chỉ dạy cho học sinh kiến thức mà còn truyền cho thế hệ trẻ lòng nhân hậu, tình yêu thương, phẩm chất và năng lực làm người.

So với thưở xa xưa, khi mà xã hội quan niệm “nửa chữ cũng là thầy” thì làm thầy thời hiện đại hôm nay khó hơn rất nhiều. Thầy không phải chỉ là những người coi trọng phương pháp, kỹ năng nghề nghiệp, nghệ thuật giáo dục mà còn làm thế nào để giữ được nhân cách người thầy? Trong sự lao xao của đời sống hiện đại thầy làm sao để truyền cảm hứng và gieo niềm hy vọng cho học sinh về lẽ phải, sự trung thực ở đời?

Nói đến đạo làm thầy thì cũng phải nói đến đạo làm trò. Học sinh và phụ huynh ngày nay làm gì để giữ truyền thống “tôn sư trọng đạo” mà dân gian xưa có câu rất hay rằng: Muốn sang phải bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy. Đó là đạo lí mà câu ca dao nhắc nhở các bậc phụ huynh cần biết ứng xử trọng thị với người dạy dỗ con mình. Nói cho cùng, đó là lòng biết ơn.

Nhưng ngày nay cả xã hội dường như ai cũng nghĩ mình có quyền được can thiệp vào chốn học đường. Không ít hội cha mẹ học sinh còn bàn bạc để yêu cầu nhà trường phải thay cô giáo nọ cô giáo kia vì con họ phản ánh cô dạy không hay. Nhà trường sợ phụ huynh dắt con đi trường khác đành bỏ giáo viên của mình nghe theo ý kiến phụ huynh dù biết cô giáo kia không có lỗi, dù biết lỗi có khi là tại trò lười ham chơi không chịu học. Hễ mà có chuyện gì được phản ánh trên mạng xã hội thì cô giáo bị kỷ luật đầu tiên dù nhà trường biết rằng nhiều đứa trẻ cậy thế gia đình, nhiều gia đình nghĩ là bỏ tiền ra thì muốn yêu sách giáo dục thế nào cũng được...

Giáo sư Phạm Minh Hạc từng nói với chúng tôi rằng giáo dục thời nay khác thời xưa rất nhiều. Ngày xưa lễ giáo có chặt chẽ hơn, bây giờ lễ giáo không được như trước. Số người đi học ngày xưa chỉ có 5-10% dân số thôi, còn bây giờ cả nước 22 triệu người đi học, chiếm khoảng ¼ dân số, “thành ra tình hình cũng phức tạp hơn nhiều”. Thầy cô bây giờ cũng nhiều hơn trước, cả nước có hơn 1 triệu giáo viên, trong khi ngày xưa chỉ có ít giáo viên thôi, khoảng 5% của bây giờ. Thành ra những thầy giáo lúc đó cũng được lựa chọn kỹ lưỡng hơn, ngày nay về cơ bản vẫn có nhiều thầy cô tốt vì số lượng nhiều hơn, xã hội biến động hơn mà cũng thành ra không tránh khỏi đạo đức học đường đi xuống.

Đặt ra những vấn đề như thế để thấy thầy giữ đạo làm thầy nhưng trò cũng phải giữ đạo làm trò, đạo ấy bắt đầu từ mỗi gia đình với thái độ của người lớn về thầy cô, trường lớp. Không có trẻ con nào giữ được đạo làm trò nếu cha mẹ ngày ngày coi thường thầy cô của con.

Nhưng dù thế nào, vào ngày này, chúng tôi vẫn tin rằng trong giáo dục, đang xuất hiện những chuyện học đường đáng báo động thì vẫn chỉ là số ít. Không người nào sở hữu một năng lực siêu nhiên khi chọn nghề thầy. Có tồn tại những tiêu cực và sự xuống cấp của đạo đức làm thầy. Nhưng mạch chảy chính vẫn là những tấm gương thầy cô thầm lặng, miệt mài dạy chữ truyền cảm hứng đam mê.

Có nhiều tấm gương những người thầy thời nay xứng đáng được nhân lên. Từ bậc mầm non đến đại học, từ nơi phố thị phồn hoa tới vùng biên giới và hải đảo xa xôi. Theo chúng tôi, những nhà giáo chân chính vẫn đang giữ đạo làm thầy và họ xứng đáng được nhận hoa, nhận sự kính trọng từ xã hội trong những ngày này.

Cái khó nhất của nghề thầy ngày nay là chốn học đường đang chịu tác động ghê gớm từ xã hội. Nhà trường cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề có thể làm mất đi ý nghĩa trong sáng của chốn học đường, ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy.

Không thể “bắt” thầy cô giữ đạo làm thầy nếu thiếu đi phần chăm lo vật chất. Không thể nào còn mãi hình ảnh những thầy đồ nghèo khó ngồi dạy ê a tam tự kinh trong cơn vần vũ của kinh tế thị trường mà vẫn giữ trọn tiết tháo người thầy.

Nhưng ngược lại, thì dù vật chất có đủ đầy cũng chưa chắc đã đồng nghĩa với việc giữ được đạo làm nghề. Cho nên, giữ phẩm hạnh người thầy là việc phải rèn luyện mới có. Mới hay, giữ gìn đạo lý là việc thật khó!

Chúng ta nói nhiều đến đổi mới giáo dục ngày nay. Điều này không phải là làm mất đi những giá trị, mà là cùng với sự đổi thay của xã hội, thầy cô cũng phải đổi mới tư duy sư phạm, để đến với học sinh bằng phương pháp của thời đại mới. Nhưng cho dù công nghệ có phát triển thế nào thì cũng không có một người “thầy ảo” nào thay thế được những người thầy nhân hậu, khoan dung.

Và không chỉ vào ngày này mạng xã hội tràn ngập ảnh và hoa tặng thầy cô giáo cũ, mà lòng biết ơn phải xuất phát từ sự thật tâm và cũng không phải chỉ dành cho một ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đạo làm thầy và đạo làm trò

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO