Đạo lý 'công bộc'

D.T.T. 17/02/2016 07:25

Nếu không có liều thuốc đủ mạnh để chấn chỉnh thì năm nào lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng phải đưa ra chỉ đạo cấm du xuân quá đà, cấm dùng xe công đi lễ hội nhưng thực tế, nó vẫn cứ diễn ra, gặm nhấm, xói mòn lòng tin của người dân về những chuẩn mực kỷ cương, đạo lý “công bộc”.

Đạo lý 'công bộc'

Vui hội đầu năm nhưng không lơ là công việc. (Ảnh T.L)

“Các Bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương cần quán triệt cán bộ công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật, khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý công việc ngay những ngày làm việc sau Tết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, không tổ chức du xuân, liên hoan sa đà, lãng phí; gương mẫu không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội”. Đây là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo Bộ, ngành vào chiều ngày 15/2 (ngày đầu tiên cơ quan công sở, tổ chức chính trị - xã hội và doanh nghiệp trở lại làm việc bình thường sau kỳ nghỉ Tết kéo dài đến 9 ngày).

Cũng trong buổi chiều 15/2, tại phiên họp Thường trực Thành ủy Hà Nội; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cũng nghiêm khắc nhắc nhở lãnh đạo quận - huyện, ban – ngành, đoàn thể của TP “chấp hành nghiêm kỷ cương hành chính, không chấp nhận bỏ việc đi lễ, nếu có phải xử lý nghiêm cả những trường hợp sử dụng xe công đi lễ hội”. Tại cuộc họp Thành ủy TP Hồ Chí Minh vào sáng 15/2; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cũng dứt khoát yêu cầu lãnh đạo quận - huyện, ban – ngành, đoàn thể của TP chấm dứt ngay các hoạt động chúc tụng đầu năm, tập trung ngay vào công việc…

Ngày 15/2, Thủ tướng Chính phủ cũng có công điện yêu cầu các đơn vị không tổ chức du xuân, liên hoan sa đà, lãng phí, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc; lãnh đạo không tham dự lễ hội nếu không được phân công. Cán bộ, công chức không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội.

Gần như năm nào cũng vậy, cứ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán là những người đang nắm giữ trọng trách được Đảng và nhân dân giao phó đều có chỉ đạo, yêu cầu công chức chấp hành nghiêm kỷ cương, không “du xuân quá đà” và đặc biệt là dùng xe công đi thăm thú danh thắng, lễ bái tại các chùa chiền, nơi thờ tự.

Dù những ngày nghỉ Tết Nguyên Đán Bính Thân dài hơn rất nhiều so với các năm trước nhưng việc “du xuân quá đà” của bộ phận không nhỏ người làm công ăn lương Nhà nước vẫn cứ âm ỉ diễn ra như một căn bệnh trầm kha đã “lờn thuốc”. Xe công mang biển xanh đến thắng tích, chùa chiền, đình miếu dịp trước và sau Tết Bính Thân không còn lũ lượt, nghênh ngang như nhiều năm trước, tuy nhiên không vì thế mà không có cảnh quan chức, công chức ăn cắp thời gian Nhà nước để đi thăm thú, hương khói mưu cầu danh lợi...

Có thể nói nhịp sống xã hội đã trở lại bình thường ngay sau thời điểm Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khai hội xuống đồng với nông dân huyện Phú Xuyên vào sáng 14/2 (mồng bảy Tết).

Sáng 16/2 (mồng chín Tết), thông tin từ doanh nghiệp tại các tỉnh có nhiều khu công nghiệp ở miền Đông Nam bộ như Đồng Nai, Bình Dương cho thấy có đến hơn 90% lao động đã trở lại vị trí làm việc. Trong khi công nhân phải khó nhọc tàu xe vượt hàng ngàn cây số đến nhà máy đúng hẹn, học sinh đến trường, thương nhân lao vào buôn bán thì ở khu vực công sở vẫn diễn ra cảnh lãnh đạo, công chức đến cơ quan đầu buổi sáng hay đầu các buổi chiều rồi tìm cớ đi chúc tụng nhau hay đưa vợ con đi lễ bái cầu may.

Không phải ngẫu nhiên mà ngay ngày làm việc đầu tiên của năm mới Bính Thân, Thủ tướng, Phó Thủ tướng và cùng lúc 2 lãnh đạo cao nhất của 2 TP lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đều có chỉ đạo quyết liệt, nghiêm khắc với việc công chức, viên chức trốn việc đi lễ hội, du xuân.

“Du xuân quá đà” trên thực tế đã trở thành vấn nạn ở khu vực làm công ăn lương. Dù được nhắc nhở, chấn chỉnh nhưng những ngày sau Tết Bính Thân, tại các di tích, lễ hội từ Bắc chí Nam đều không khó để nhận ra bóng dáng của công chức, viên chức Nhà nước. Một số nhà phân tích xã hội cho rằng việc quan chức công chức, công chức siêng đi lễ bái cầu may ở đình chùa, miếu mạo sau những ngày nghỉ Tết xuất phát từ tâm lý ảo tưởng hám lợi cầu tài. Danh lợi, tài lộc cá nhân thôi thúc họ bất chấp, vi phạm kỷ luật công vụ.

Cũng có ý kiến cho rằng quan chức, công chức trong bộ máy hành chính Nhà nước tìm mọi cách để chén rượu, cuộc trà chúc tụng nhau sau những ngày nghỉ Tết hay dùng xe công đưa vợ con đi lễ bái chùa chiền có nguyên nhân từ sự buông thả kỷ cương, phép nước. Phân tích xã hội trên đây phần nào đúng với những gì đã và đang diễn ra khắp các địa phương trong nước – nhất là ở các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng…

Buông lỏng kỷ cương coi thường công vụ, bỏ bê nhiệm sở đi lễ bái, du xuân của một bộ phận cán bộ là một căn bệnh cần được xử lý. Nếu không có liều thuốc đủ mạnh để chấn chỉnh thì năm nào lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng phải đưa ra chỉ đạo cấm du xuân quá đà, cấm dùng xe công đi lễ hội nhưng thực tế, nó vẫn cứ diễn ra, gặm nhấm, xói mòn lòng tin của người dân về những chuẩn mực kỷ cương, đạo lý “công bộc”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đạo lý 'công bộc'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO